Hội LHPN Việt Nam đề nghị làm rõ đối tượng áp dụng của chế độ hưu trí xã hội theo dự thảo Luật BHXH (sửa đổi)

Mới đây, Đoàn Chủ tịch TƯ Hội LHPN Việt Nam có văn bản góp ý vào dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) - bản dự thảo ngày 1/3/2023 với nhiều nội dung liên quan tới phụ nữ, trợ cấp thai sản, BHXH tự nguyện, trợ cấp hưu trí.
Về chế độ trợ cấp hưu trí, Đoàn Chủ tịch TƯ Hội LHPN Việt Nam cho biết: Trong Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), trợ cấp hưu trí xã hội áp dụng đối với công dân Việt Nam từ đủ 60 tuổi trở lên và đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định của pháp luật (Điều 25).

Tuy nhiên, Dự thảo đã giới hạn số người hưởng trợ cấp hưu trí xã hội thông qua điều kiện về độ tuổi là người cao tuổi từ đủ 80 tuổi trở lên và không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng khác (Điều 26). Như vậy, những người cao tuổi từ đủ 60 tuổi đến dưới 80 tuổi nếu chưa từng tham gia BHXH sẽ không thuộc đối tượng áp dụng. 

Riêng đối với người lao động không đủ điều kiện hưởng lương hưu (có dưới 15 năm đóng BHXH) nếu có nguyện vọng thì sẽ được hưởng trợ cấp hằng tháng trong khoảng thời gian trước khi đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội với thời gian hưởng, mức hưởng trợ cấp hằng tháng tùy thuộc vào tổng thời gian đã đóng và mức đã đóng BHXH hàng tháng của người lao động (Điều 29).

Hội LHPN Việt Nam đề nghị làm rõ đối tượng áp dụng của chế độ hưu trí xã hội theo dự thảo luật BHXH (sửa đổi) và chế độ bảo trợ xã hội trong Luật Người cao tuổi để tránh trùng lặp trong việc thực thi luật. Ngoài quy định mức hưởng trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng (500.000 đồng/người/tháng) và trợ cấp mai táng (10.000.000 đồng) cụ thể tại Điều 27 của Dự thảo, các quy định về trợ cấp hưu trí xã hội như là quy định về chính sách bảo trợ xã hội đối với người cao tuổi tại các Điều 17, 18 và 19 của Luật Người cao tuổi.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật cần quy định cụ thể lộ trình giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội ngay trong Luật nhằm đạt được mục tiêu đã đề ra của Nghị quyết số 28-NQ/TW là:

Giai đoạn đến năm 2025: Phấn đấu có khoảng 55% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội;

Giai đoạn đến năm 2030: Phấn đấu khoảng 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội. Việc quy định lộ trình giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội là phù hợp với quy định của Hiến pháp 2013 "Công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội" (Điều 34).

Ngoài ra, theo "Tổng Điều tra dân số năm 2019: Già hóa dân số và người cao tuổi ở Việt Nam", dân số cao tuổi năm 2019 là 11,41 triệu, tương ứng với 11,86% tổng dân số. Trong số người cao tuổi tăng thêm, nhóm người cao tuổi (từ 60 tuổi - 69 tuổi) có tốc độ tăng cao nhất, tiếp đó là nhóm người cao tuổi (từ 80 tuổi trở lên). 

Do đó những người cao tuổi (từ 60 tuổi - 69 tuổi) sẽ là nhóm đông nhất có nhu cầu về trợ cấp hưu trí xã hội, trong khi lại không đủ điều kiện để được hưởng nếu chưa từng tham gia bảo hiểm xã hội, mặc dù khoản 2 Điều 26 của Dự thảo nêu "Chính phủ quyết định điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước từng thời kỳ".

Đồng thời, theo phân tích của ILO về Khoảng cách giới trong hệ thống BHXH, diện bao phủ BHXH ở Việt Nam còn thấp. Vào năm 2019, chỉ 31,3% phụ nữ và 22,1% nam giới tham gia BHXH. Tỷ lệ hưởng lương hưu ở người từ 65 tuổi trở lên chỉ 16% đối với nữ và 27,3% đối với nam. Như vậy, còn tỷ lệ rất lớn người cao tuổi trong độ tuổi hưu trí, nhất là nhóm trong khoảng 60-69 tuổi nêu trên không được bảo vệ bởi các chính sách BHXH, an sinh xã hội khác.

Tỷ lệ hưởng lương hưu ở người từ 65 tuổi trở lên chỉ 16% đối với nữ và 27,3% đối với nam. Ảnh minh hoạ

Giảm điều kiện thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu hàng tháng từ 20 năm xuống 15 năm

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội đã quy định giảm điều kiện về số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm (khoản 1 Điều 71 và khoản 2 Điều 105). 

Hội LHPN Việt Nam nhất trí với chính sách này, chính sách phù hợp với Nghị quyết 28 về cải cách chính sách BHXH là "sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm với mức hưởng được tính toán phù hợp nhằm tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi, có số năm tham gia BHXH thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH". 

Đồng thời phù hợp với thực tế về thời gian tham gia lực lượng lao động ở khu vực chính thức của người lao động khi mà tỷ lệ tham gia lực lượng lao động giảm đáng kể sau độ tuổi 40, đồng thời thu hút được nhiều hơn người lao động tham gia BHXH. Bên cạnh đó, giảm điều kiện về thời gian đóng BHXH để hưởng chế độ hưu trí sẽ có lợi đối với lao động nữ và người lao động ở khu vực phi chính thức - nơi chiếm một tỷ lệ lớn việc làm trong thị trường lao động.

Việc giảm điều kiện về thời gian đóng BHXH để hưởng chế độ hưu trí sẽ gắn kết hiệu quả với chế độ hưu trí xã hội. Đây cũng sẽ là cơ hội để giảm thiểu số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần và giúp đạt được mục tiêu mở rộng đối tượng thụ hưởng BHXH theo định hướng của NQ số 28-NQ/TW.

 
 
 

Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam

Tin cùng chuyên mục