Tổng kết 15 năm thi hành Luật Bình đẳng giới trong hệ thống Hội LHPN Việt Nam

Sáng 15/12, Hội LHPN Việt Nam đã tiến hành tổng kết 15 năm thi hành Luật Bình đẳng giới trong hệ thống Hội nhằm đánh giá việc thực hiện trách nhiệm theo quy định của Luật, làm cơ sở cho việc đề xuất sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống chính sách-pháp luật về Bình đẳng giới.
 
 Hội nghị tổng kết 15 năm thi hành Luật Bình đẳng giới trong hệ thống Hội LHPN Việt Nam được tổ chức chiều 15/12 tại Trung tâm Phụ nữ và Phát triển

Đề xuất thành công nhiều nội dung liên quan đến bình đẳng giới và phụ nữ, trẻ em

Hội LHPN Việt Nam là một trong những tổ chức nòng cốt, thực hiện các hoạt động hỗ trợ phụ nữ, thúc đẩy bình đẳng giới, đặc biệt là vai trò quan trọng trong vận động xã hội thực hiện bình đẳng giới. Trách nhiệm của Hội thực hiện công tác bình đẳng giới được quy định cụ thể tại Điều 29 và Điều 30 Luật Bình đẳng giới, tập trung các nhóm nhiệm vụ:

1) Tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy của xã hội về bình đẳng giới, xóa bỏ định kiến giới;

2) Tham mưu đề xuất và tham gia xây dựng chính sách, pháp luật về bình đẳng giới; tham gia quản lý nhà nước về bình đẳng giới; thực hiện giám sát và phản biện xã hội đối với chính sách, pháp luật về bình đẳng giới; thúc đẩy lồng ghép bình đẳng giới trong văn bản quy pháp pháp luật;

3) Phối hợp tổ chức bồi dưỡng, giới thiệu phụ nữ đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân; tham gia quản lý, lãnh đạo;

4) Thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em gái; Tổ chức các hoạt động hỗ trợ phụ nữ góp phần thực hiện mục tiêu bình đẳng giới trong các lĩnh vực, tập trung vào Nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, thu hẹp khoảng cách giới trong đào tạo nghề, lao động; Tham mưu công tác cán bộ nữ; Thúc đẩy bình đẳng giới trong gia đình thông qua các hoạt động hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình hạnh phúc; Xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới, tạo không gian an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái: đẩy mạnh truyền thông, tăng cường phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới…

Toàn cảnh chương trình

Phát biểu khai mạc chương trình, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương cho biết: “Hội nghị tổng kết Luật Bình đẳng giới là diễn đàn quan trọng để Hội đánh giá một cách toàn diện kết quả 15 năm thực hiện trách nhiệm của Hội theo quy định của Luật, chỉ ra những bất cập trong các quy định cũng như những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi, để làm cơ sở đề xuất, kiến nghị bổ sung, sửa đổi Luật nói riêng và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bình đẳng giới nói chung. Đây cũng đồng thời là diễn đàn chia sẻ bài học, kinh nghiệm triển khai thực hiện Luật dưới nhiều góc độ, nhiều nhiệm vụ từ Hội LHPN các tỉnh, thành phố trong cả nước; lắng nghe ý kiến từ các bộ, ngành, cơ quan TW và tổ chức quốc tế. Diễn đàn này cùng với các kết quả thực tiễn hy vọng sẽ giúp Hội thực hiện tốt hơn nữa trách nhiệm của mình trong lĩnh vực bình đẳng giới thời gian tới”.

Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương phát biểu khai mạc chương trình

Thời gian qua, Ban Chấp hành TW Hội đã ban hành một số nghị quyết chuyên đề nhằm hỗ trợ, nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ; nghị quyết về một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ và trẻ em gái trong tình hình mới. Các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn trong hệ thống Hội thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm theo từng nhiệm kỳ; trong đó, tập trung thực hiện chức năng đại diện chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em gái; hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện; hỗ trợ phát triển kinh tế; xây dựng gia đình hạnh phúc và thực hiện nhiệm vụ giám sát, phản biện, tham gia xây dựng luật pháp, chính sách liên quan đến phụ nữ và bình đẳng giới.

Trong 15 năm (2007-2022), Hội LHPN các cấp đã đề xuất được 956 chính sách/nội dung/vấn đề gửi tới các cơ quan có thẩm quyền; trong đó, nhiều đề xuất đã được ban hành thành chính sách, quy định, đề án/chương trình liên quan đến bình đẳng giới và phụ nữ, trẻ em.

Các cấp Hội thường xuyên cử đại diện tham gia các hoạt động quản lý nhà nước thông qua việc tham gia các Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng các dự thảo Luật, văn bản quy phạm pháp luật, các chính sách, cơ chế, chương trình, đề án. Riêng cấp TW, từ năm 2012 đến tháng 6/2022, đã cử 390 lượt cán bộ tham gia các Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Tại địa phương, có 21.729 chính sách, cơ chế có Hội phụ nữ các cấp được mời tham gia xây dựng; gửi 83.339 văn bản góp ý của Hội.

Các cấp Hội đã chủ trì thực hiện được trên 13.767 đợt giám sát; tham gia/phối hợp thực hiện trên 9.150 đoàn giám sát liên ngành

Trong thời gian qua, TW Hội đã ký kết chương trình phối hợp với 30 Bộ, ngành, tổ chức; 63/63 tỉnh đã ký kết chương trình phối hợp công tác giữa UBND và Hội LHPN cùng cấp, thiết thực nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thực thi luật; thông tin, tuyên truyền phổ biến chính sách pháp luật; xây dựng, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới; tổ chức các hoạt động hỗ trợ phụ nữ, trẻ em thực hiện mục tiêu bình đẳng giới; chia sẻ thông tin, kinh nghiệm giữa các bên về thúc đẩy bình đẳng giới… Từ 2007 đến tháng 5/2022, TW Hội LHPN Việt Nam đã vận động và thực hiện 206 dự án và khoản viện trợ tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, với tổng giá trị cam kết hơn 30 triệu USD từ cơ quan hợp tác phát triển nước ngoài, tập trung vào một số lĩnh vực nhằm nâng cao quyền năng của phụ nữ và hỗ trợ phụ nữ phát triển.

Đặc biệt, các cấp Hội đã chủ trì thực hiện được trên 13.767 đợt giám sát; tham gia/phối hợp thực hiện trên 9.150 đoàn giám sát liên ngành. Đẩy mạnh truyền thông trực tiếp thông qua tổ chức các hoạt động hưởng ứng các sự kiện, như: Ngày Gia đình Việt Nam, Ngày Quốc tế hạnh phúc; Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới; Tháng hành động phòng, chống BLGĐ cũng như qua các phong trào thi đua, cuộc vận động, triển khai các đề án, dự án, chương trình phối hợp… Đổi mới cách tiếp cận tuyên truyền thông tin đại chúng, đa dạng hóa và hiện đại hóa hình thức, nội dung và sản phẩm truyền thông về BĐG theo xu hướng thị hiếu của các đối tượng, đặc biệt đẩy mạnh tuyên truyền có hiệu quả trên không gian mạng; tăng cường truyền thông qua mạng xã hội. Tổ chức các hoạt động hỗ trợ phụ nữ góp phần thực hiện mục tiêu bình đẳng giới trên các lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm; giáo dục và đào tạo; khoa học và công nghệ; gia đình…

Đẩy mạnh vai trò, trách nhiệm của Hội LHPN Việt Nam trong thực hiện công tác bình đẳng giới

Theo bà Bùi Thị Nam, Trưởng phòng, Vụ pháp luật Hình sự - Hành chính, Bộ Tư pháp, để phát huy vai trò, trách nhiệm của Hội LHPN Việt Nam, trong quá trình nghiên cứu cần lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật; Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp cần thường xuyên tự đổi mới phương thức hoạt động; chú trọng nâng cao chất lượng công tác giám sát, phản biện xã hội trong xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật về bình đẳng giới thực sự có chất lượng, gắn kết, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ và trẻ em, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững; tổ chức các lớp tập huấn về giới, lồng ghép giới trong xây dựng pháp luật cho cán bộ làm công tác pháp chế của các bộ, ngành, địa phương; tổ chức các cuộc đối thoại chính sách, pháp luật về lĩnh vực, vấn đề mà phụ nữ đang quan tâm hoặc cần giải quyết.

Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Phú Thọ Phạm Thị Kim Loan chia sẻ ý kiến tại chương trình

Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Phú Thọ Phạm Thị Kim Loan chia sẻ, trong thời gian tới, các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh sẽ tập trung thực hiện: Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng các hoạt động thông tin, truyền thông, nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên, phụ nữ về giới và Bình đẳng giới; Tăng cường công tác phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể trong triển khai thực hiện công tác bình đẳng giới; Tăng cường các hoạt động kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác BĐG; Tổ chức giám sát việc thực hiện Luật Bình đẳng giới theo chức năng, nhiệm vụ của Hội…

Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Minh Hương nhận định, trong thời gian tới, Hội vẫn cần tập trung vào một số nội dung như: tiếp tục thực hiện truyền thông nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, xóa bỏ những định kiến, khuôn mẫu về giới không chỉ cho hội viên phụ nữ mà cả cho chính cán bộ Hội các cấp; tuyên truyền tập trung cả ở đối tượng là nam giới ở các bộ ngành từ TW tới địa phương. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác tham gia đóng góp ý kiến xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, xây dựng chính sách ở các địa phương. Để có thể làm tốt những mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, Hội phụ nữ các cấp phải nắm bắt kịp thời tình hình phụ nữ; hiểu được các vấn đề đang đặt ra, về khoảng cách giới hiện nay. Đặc biệt, phải có những căn cứ lý luận để lồng ghép giới; trong đó, thường xuyên cập nhật kiến thức, các kết quả nghiên cứu để gợi mở về những vấn đề về giới mới. Đồng thời, Phó Chủ tịch mong muốn tiếp tục nhận được sự đồng hành của các ban ngành đoàn thể và các tổ chức quốc tế nhằm tiến tới hoàn thiện các văn bản và thi hành Luật Bình đẳng giới một cách thiết thực, hiệu quả, đúng trọng tâm.

Theo Hội LHPN Việt Nam

Tin cùng chuyên mục