Doanh nghiệp “trợ lực” xây dựng nông thôn mới

Cộng đồng doanh nghiệp của tỉnh đã có nhiều hoạt động giúp đỡ các địa phương thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, nhất là “trợ lực” để các xã hoàn thiện hạ tầng, hỗ trợ người dân xóa nhà dột nát, phát triển sản xuất. Sự chung sức ấy đã giúp người dân bớt gánh nặng, tạo điều kiện thuận lợi để mỗi địa phương hoàn thành mục tiêu đề ra.
 

Hỗ trợ xây dựng hạ tầng

Xã Vân Sơn (Sơn Dương) đã được nhiều doanh nghiệp hỗ trợ xây dựng hạ tầng. Đồng chí Nguyễn Thị Hạnh, Chủ tịch UBND xã Vân Sơn cho biết: từ năm 2020 đến nay, xã nhận được sự hỗ trợ của doanh nghiệp để xây dựng hạ tầng tại các thôn như đường giao thông, nhà văn hóa. Điển hình như Công ty TNHH Tỉnh Đào (Hà Nội) hỗ trợ cát, sỏi, xi măng trị giá trên 300 triệu đồng làm đường giao thông, xây dựng nhà văn hóa thôn Dộc Vầu; Công ty TNHH 27-7 hỗ trợ 200 triệu đồng xây dựng nhà văn hóa thôn An Mỹ. Sự hỗ trợ của các doanh nghiệp là “trợ lực” để địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, nhất là các tiêu chí cần đầu tư từ nguồn xã hội hóa. 

Tuyến đường vào khu dân cư thuộc thôn Thác Nóng, xã Sơn Nam vừa được nhựa hóa gần 1 km trong tháng 3-2021 với nguồn xã hội hóa lên tới gần 1,7 tỷ đồng. Đồng chí Trần Văn Nhâm, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn cho biết, khi Thác Nóng được chọn là thôn làm điểm nông thôn mới kiểu mẫu, người dân trong thôn đồng lòng đóng góp trong 2 năm (2019, 2020) được 1 tỷ, trung bình mỗi hộ trên 10 triệu đồng, còn gần 700 triệu đồng là Doanh nghiệp tư nhân Long Khánh, Doanh nghiệp tư nhân Đức Tiến, Công ty TNHH 27-7 và một số người dân xa quê ủng hộ. Đến nay, thôn đã hoàn thiện tuyến đường nhựa hóa dày 7 cm trên nền đường bê tông cũ dày 20 cm. Nền đường rộng trung bình 5,7 m, có đoạn ngã ba rộng gần 20 m, đảm bảo đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới. Người dân ai cũng mong muốn góp phần xây dựng Sơn Nam đạt đô thị loại V vào năm 2025.

Đường thôn Cây Sấu, xã Hợp Thành (Sơn Dương) bê tông năm 2022 từ các nguồn hỗ trợ.

Theo thống kê của UBND huyện Sơn Dương, từ năm 2011 đến nay, các doanh nghiệp đã hỗ trợ trên 100 tỷ đồng để hỗ trợ các xã trên địa bàn huyện xây dựng hạ tầng, xây dựng nông thôn mới.

Những con đường thôn bản bê tông phẳng lỳ, uốn lượn theo những sườn đồi cam tạo nên cảnh sắc nên thơ riêng có của xã Phù Lưu (Hàm Yên). Đồng chí Ma Văn Huy, Chủ tịch UBND xã Phù Lưu phấn khởi cho biết, 100% đường trục thôn, xã được nhựa, bê tông hóa; 95% đường ngõ xóm và hơn 75% đường nội đồng của xã đã bê tông hóa sạch đẹp. Giao thông thuận tiện, xã đã có sự phát triển vượt bậc về mọi mặt. Có được kết quả đó là sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân toàn xã và sự chung tay, góp sức không nhỏ của các doanh nghiệp trong và ngoài huyện. Điển hình, năm 2021 Công ty TNHH Vinh Hoa (TP Tuyên Quang) hỗ trợ 20 triệu đồng làm nhà cho hộ nghèo và hơn 1.000 m3 cát để giúp xã hoàn thiện hạ tầng giao thông, nhà văn hóa.

Người dân thôn Thụt, xã Phù Lưu vui mừng khi mới đây con đường thôn dài 1,2 km được hoàn thành. Chị Phạm Thị Mười, Trưởng thôn Thụt chia sẻ, thôn có 67 hộ, 266 nhân khẩu chủ yếu là dân tộc Tày, Dao. Do đời sống của người dân còn khó khăn nên việc làm đường mãi không thực hiện được, người dân rất vất vả trong việc đi lại, nhất là khi mưa bão đường lầy lội, trơn trượt. Trước khó khăn đó, đầu năm 2021, từ nguồn vốn kêu gọi quyên góp ủng hộ từ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, thôn được Công ty TNHH Vinh Hoa hỗ trợ hơn 500 m3 cát cùng máy xúc, máy ủi với tổng trị giá trên 100 triệu đồng làm đường. Đến nay con đường dài 1,2 km, rộng 3,5 m đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng. Có đường giao thông thuận lợi, giúp việc sản xuất, tiêu thụ nông sản, đặc biệt là cam được thuận lợi hơn. Thương lái đến đặt mua cam tại chỗ, giá bán cao hơn những năm trước.

Theo thống kê của huyện Hàm Yên từ năm 2015 đến nay, huyện đã nhận được sự hỗ trợ, chung tay, góp sức của các doanh nghiệp trên địa bàn với tổng số tiền hơn 93 tỷ đồng. Tiêu biểu như Công ty TNHH Hoàng Thức hỗ trợ vận chuyển 2.000 m3 cát sỏi làm đường giao thông xã Bình Xa; Công ty TNHH Vinh Hoa hỗ trợ hơn 1.000 m3 cát làm đường giao thông xã Phù Lưu; Công ty TNHH Tân Thịnh, Tiến Đạt hỗ trợ 40 triệu đồng sửa nhà gia đình chính sách; Công ty TNHH Hoàng Ngọc, Tân Thịnh, Tiến Đạt, Vinh Ánh, Công ty Lâm nghiệp Tân Thành ủng hộ 20 triệu đồng lắp đặt camera an ninh…

Giúp sức giảm nghèo

Xã Kiên Đài (Chiêm Hóa) cán đích xây dựng nông thôn mới năm 2021 với tổng kinh phí xây dựng nông thôn mới trên địa bàn gần 54 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Nhà nước trên 41,4 tỷ đồng; vốn doanh nghiệp thực hiện hỗ trợ xóa nhà tạm, dột nát, nâng cấp, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo hơn 7 tỷ đồng; vốn nhân dân và các tổ chức, cá nhân đóng góp trên 5 tỷ đồng. Toàn xã bê tông được 28,4 km đường giao thông nông thôn, đường nội đồng; xóa hơn 200 nhà tạm, nhà dột nát… Đến cuối năm 2021 tỷ lệ hộ nghèo đa chiều toàn xã chỉ còn 5,4%.

Tuyến đường thôn Thụt, xã Phù Lưu (Hàm Yên) được Công ty TNHH Hoa Vinh hỗ trợ 100 triệu đồng để bê tông hóa.

Đồng chí Ma Văn Tôn, Chủ tịch UBND xã Kiên Đài cho biết, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, xã nhận được sự giúp đỡ rất nhiều từ doanh nghiệp trong tỉnh, đặc biệt hỗ trợ làm nhà ở cho hộ nghèo. Từ sự hỗ trợ “an cư” này những hộ nghèo, cận nghèo được tiếp sức để vượt qua khó khăn, tập trung phát triển kinh tế, có cơ hội thoát nghèo bền vững.

Gia đình anh Lý Văn Hùng, thôn Đèo Quân, xã Hùng Đức (Hàm Yên) là hộ nghèo,  sống tạm bợ trong nhà dột nát, có nguy cơ sập khi mưa bão. Năm 2021, được Agribank Tuyên Quang hỗ trợ 50 triệu đồng, cùng với sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, anh em dòng họ, gia đình anh xây căn nhà cấp bốn 65 m2 trị giá trên 100 triệu đồng. Anh Hùng chia sẻ, mừng lắm, khi có ngôi nhà vững chãi không phải nơm nớp lo lắng mỗi khi trời mưa bão.  

Agribank Tuyên Quang là một trong những doanh nghiệp thực hiện tốt công tác an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Bà Nguyễn Việt Hà, Giám đốc Agribank Tuyên Quang cho biết, những năm qua, Agribank Tuyên Quang phối hợp chặt chẽ với Hội Chữ thập đỏ tỉnh, Ủy ban MTTQ tỉnh, Hội Nông dân tỉnh thực hiện hiệu quả công tác an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Từ năm 2015 đến nay, Agribank đã dành hơn 32,3 tỷ đồng cho công tác an sinh xã hội tại địa phương. Trong năm 2020, 2021, Agribank Tuyên Quang đã tài trợ 8 tỷ đồng để làm nhà cho các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn trên trên địa bàn tỉnh, mỗi hộ gia đình được hỗ trợ 50 triệu đồng, dự kiến sẽ có 160 hộ gia đình nhận được nguồn kinh phí của Agribank để làm nhà mới.  

Ông Nguyễn Hữu Thập, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cho biết, từ năm 2021 đến nay, các doanh nghiệp hội viên đã tham gia làm công tác từ thiện, an sinh xã hội bằng tiền và hiện vật quy ra giá trị bằng 10,2 tỷ đồng. Cụ thể, đã hỗ trợ làm mới 35 nhà cho hộ nghèo, hộ chính sách trong chương trình xây dựng nông thôn mới tại xã Kiên Đài (Chiêm Hóa) với số tiền 1,82 tỷ đồng; hỗ trợ làm nhà văn hóa, đường bê tông nông thôn… Ngoài kết quả chung này, các doanh nghiệp còn có nhiều chương trình hỗ trợ riêng từng địa phương nơi có hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị.

Với sự vào cuộc, chung sức của toàn xã hội và sự đóng góp tích cực của người dân, doanh nghiệp, các địa phương trong tỉnh đang được tiếp thêm nguồn lực, phấn đấu về đích nông thôn mới theo đúng lộ trình đề ra.

Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục