Phát triển nhờ các mô hình kinh tế tập thể

Những năm qua, các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội đã tích cực hỗ trợ thành lập nhiều mô hình kinh tế tập thể do phụ nữ làm chủ, đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động của các mô hình. Từ đó từng bước giải quyết những khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, cải thiện đời sống của hội viên phụ nữ và nhân dân, góp phần xây dựng nông thôn mới.
 
 Chị em tham gia thu hoạch củ quả tại HTX Tâm Anh, huyện Phú Xuyên Ảnh: HPN

Phát triển kinh tế bền vững từ mô hình Hợp tác xã

Hợp tác xã (HTX) sản xuất kinh doanh rau, củ quả an toàn, du lịch làng nghề sinh thái Tâm Anh được Hội Phụ nữ Thành phố, huyện chỉ đạo thành lập từ năm 2018, có địa chỉ tại thôn Cổ Châu, xã Nam Phong (Phú Xuyên, Hà Nội). Chị Nguyễn Thị Hồng Gấm, thành viên Ban quản trị HTX Tâm Anh cho biết: HTX với diện tích 20ha có 3 thành viên trong Ban quản trị HTX, công việc chủ yếu của HTX là kết nối để sản xuất, kinh doanh, tiểu thụ các sản phẩm nông sản, thực phẩm sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Những ngày đầu mới thành lập còn gặp rất nhiều khó khăn nhưng nhờ sự giúp đỡ, hỗ trợ của Hội Phụ nữ các cấp, của Liên minh HTX TP Hà Nội đã giúp cho HTX dần ổn định và đi vào hoạt động có hiệu quả. 

Vào các năm 2020, 2021 khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, các sản phẩm nông sản của HTX và của nông dân bị tồn đọng không tiêu thụ được kịp thời ảnh hưởng rất nhiều đến việc sản xuất và đời sống của người nông dân. HTX Tâm Anh đã trực tiếp kết nối giúp nông dân tiêu thụ nông sản, phục vụ trực tiếp đến tận tay người tiêu dùng như cung cấp sản phẩm đến các chung cư, đưa vào các cửa hàng thực phẩm sạch... Từ chuỗi tiêu thụ sản phẩm như vậy, HTX Tâm Anh đã liên kết được hơn 30 HTX trong cả nước để cùng nhau trao đổi, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Bên cạnh đó, nhận được sự giúp đỡ của các ban, ngành, của đại sứ quán các nước, HTX Tâm Anh đã đưa sản phẩm đến thị trường các nước Anh, Nga, Hàn Quốc... HTX còn hỗ trợ kết nối, tiêu thụ sản phẩm tiêu biểu là các hợp đồng cung cấp sản phẩm giầy dép da, đỗ gỗ, mỹ nghệ với đối tác nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào, với tổng trị giá hơn 5 tỷ đồng và nhiều thành viên đã ký kết được hợp đồng làm ăn lâu dài với nước bạn Lào, Thái Lan... Năm 2022, HTX đã kết nối với 17 doanh nghiệp, HTX đem nhiều sản phẩm đến trưng bày, giới thiệu và bán tại Hội chợ Fipo ở Thủ đô Viêng chăn, nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào.

Tại huyện Chương Mỹ, chị Nguyễn Thị Mùi, Giám đốc HTX Nông nghiệp hữu cơ Nam Phương Tiến (xã Nam Phương Tiến) cho biết: Năm 2018 HTX Nông nghiệp hữu cơ Nam Phương Tiến được thành lập với 24 thành viên theo Kế hoạch chỉ đạo của Hội LHPN huyện Chương Mỹ về triển khai thực hiện đề án “Hỗ trợ phụ nữ Thủ đô khởi nghiệp giai đoạn 2018-2025” và được Chi cục phát triển nông thôn TP Hà Nội và Huyện Hội hỗ trợ kinh phí thành lập. Xác định hướng đi là sản xuất sản phẩm hữu cơ mà trọng tâm là lúa chất lượng cao và bưởi Diễn, HTX mạnh dạn liên hệ với Trung tâm phát triển nông nghiệp Hà Nội tạo điều kiện hỗ trợ về khoa học kỹ thuật, vật tư thâm canh cây bưởi Diễn và lúa chất lượng cao theo tiêu chuẩn hữu cơ. HTX triển khai, vận động tuyên truyền các hộ sản xuất lúa hữu cơ đảm bảo khoa học kỹ thuật, hướng sản xuất mang tính bền vững với hiệu quả và giá trị cao. 

Kết quả, sau 4 năm hình thành và phát triển HTX xây dựng nhãn hiệu gạo “Gạo hữu cơ Japonica Nam Phương Tiến” được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu. Hiện nay, HTX đang sản xuất 35ha lúa chất lượng cao theo tiêu chuẩn hữu cơ, với sản lượng hàng năm khoảng 400 tấn/năm. HTX còn cam kết bao tiêu sản phẩm cho thành viên và các hộ nông dân, sản phẩm bưởi Diễn hiện được tiêu thụ qua một số siêu thị và hệ thống bán online.

Hỗ trợ liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị

Mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị đang là hướng đi phát triển cho các HTX đặc biệt là các HTX sản xuất nông nghiệp. Chị Nguyễn Thị Thanh Hải, thành viên BQT HTX Nông sản phụ nữ Phủ Xuân Hương, Chủ tịch Hội LHPN xã Nghĩa Hương, huyện Quốc Oai cho biết: Phát huy thế mạnh của 3 xã gồm: Xã Nghĩa Hương có mô hình sản xuất rau an toàn trong nhà lưới với diện tích trên 5ha và 2 xã Phú Cát và Đông Xuân có diện tích ruộng nhiều ao hồ thủy sản, trang trại chăn nuôi lợn, gà... Từ đó, 3 xã đã liên kết thành lập HTX cung cấp thực phẩm an toàn ra thị trường. Năm 2018 HTX được thành lập với 35 thành viên hoạt động tại 3 tổ liên kết sản xuất của 3 xã với đủ các sản phẩm, thực phẩm từ nông nghiệp được sản xuất từ các hộ gia đình là hội viên phụ nữ. 4 năm qua, dù gặp không ít khó khăn, do dịch bệnh Covid-19 nhưng các thành viên trong HĐQT HTX đã duy trì hoạt động của HTX đảm bảo. Hiện nay HTX có 55 hộ sản xuất rau an toàn và 15 hộ chăn nuôi thủy sản, trang trại tại 3 xã để kết hợp cung cấp ra thị trường các sản phẩm thực phẩm đảm bảo an toàn, chất lượng...

Gắn hoạt động sản xuất kinh doanh của HTX, Tổ hợp tác với chuỗi giá trị sản phẩm là mục tiêu, nội dung quan trọng và là xu thế tất yếu của nền kinh tế thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay. Bà Phạm Thị Thanh Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội cho biết: Những năm qua, Hội LHPN Hà Nội đã chỉ đạo các cấp Hội Phụ nữ toàn TP tham gia phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể. Điểm nổi bật là các cấp Hội Phụ nữ đã tuyên truyền sâu rộng, nâng cao nhận thức cho hội viên phụ nữ về vài trò, vị trí của kinh tế tập thể; đồng thời chủ động hỗ trợ thành lập và vận hành hoạt động của mô hình HTX/THT do phụ nữ làm chủ tham gia quản lý, điều hành; tập trung phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị. Tính đến tháng 8/2022, các cấp Hội Phụ nữ đã hỗ trợ thành lập được 18 hợp tác xã, 26 tổ hợp tác, 74 tổ liên kết do phụ nữ tham gia quản lý, điều hành. Từ đó góp phần cải thiện và nâng cao đời sống của hội viên phụ nữ, nhân dân góp phần xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Theo Hội LHPN Việt Nam

Tin cùng chuyên mục