Phụ nữ Lâm Bình hỗ trợ nhau phát triển kinh tế

Những năm gần đây, phong trào giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, giảm nghèo bền vững, bảo vệ môi trường..., đã được các cấp Hội Phụ nữ huyện Lâm Bình chú trọng triển khai thực hiện. Qua phong trào, đời sống của gia đình hội viên, nhất là hội viên nghèo, có hoàn cảnh khó khăn từng bước được nâng lên, góp phần tích cực vào sự phát triển KT-XH tại địa phương

Năm 2020, gia đình chị Ma Thị Huệ ở thôn Tống Pu, xã Bình An được Hội Liên hiệp phụ nữ xã đứng ra tín chấp với Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện cho vay 100 triệu đồng, với lãi suất ưu đãi để phát triển chăn nuôi. Với số tiền này, chị Huệ đã dùng vào đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi và mua bò, lợn, gia cầm về nuôi. Sau một năm thực hiện chăn nuôi tổng hợp, đến nay nguồn vốn được vay đã phát huy hiệu quả, giúp gia đình chị có thêm nguồn thu nhập. Hiện nay, chuồng trại của gia đình chị Huệ đang chăn nuôi nhốt 4 con bò, 3 con lợn nái và trên 100 con gia cầm các loại. Nhờ có nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội đầu tư phát triển chăn nuôi, mà gia đình chị đã có công ăn việc làm và thu nhập ổn định, chị Huệ cũng mong muốn nhiều chị em còn khó khăn trong tổ chức hội sẽ được tạo điều kiện về vốn vay để phát triển kinh tế như chính gia đình mình.

Mô hình kinh tế chăn nuôi tổng hợp của hội viên Ma Thị Huệ, chi hội phụ nữ thôn Tống Pu, xã Bình An, huyện Lâm Bình, mỗi năm cho thu nhập gần 70 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí 

Xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác hội, thời gian qua các cấp Hội phụ nữ trên địa bàn huyện Lâm Bình đã tập trung thực hiện với nhiều điểm mới, sáng tạo. Cụ thể, thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025” và Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020". Trong nhiệm kỳ, tổ chức Hội có 5.020 hội viên được tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, 638 hội viên được dạy nghề; 1.890 lao động được tư vấn nghề, 502 lao động nữ được giới thiệu,  tạo việc làm. Đồng thời, tín chấp với các ngân hàng, quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển với tổng số tiền 280 tỷ đồng và huy động nguồn quỹ tiết kiệm trong chi hội được trên 545 triệu đồng cho nhiều hội viên vay vốn phát triển kinh tế. Từ đó, Hội đã xây dựng mới được 65 mô hình phụ nữ làm kinh tế giỏi có thu nhập từ 80 triệu đồng/năm trở lên, nâng tổng số mô hình làm kinh tế giỏi do phụ nữ làm chủ hộ của toàn huyện lên 156 mô hình, tập trung chủ yếu vào phát triển một số cây, con là đặc sản có lợi thế của địa phương, chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP; nuôi trồng thủy sản ở khu vực hồ sinh thái Na Hang - Lâm Bình; chăn nuôi vịt, trâu, bò nhốt vỗ bèo. Từ việc hỗ trợ nhau trong phát triển kinh tế, nhiệm kỳ 2016 - 2021, các cấp Hội phụ nữ trên địa bàn huyện đã có 95 lượt phụ nữ làm kinh tế giỏi được Khen thưởng; 1.984 phụ nữ vượt khó vươn lên thoát nghèo được biểu dương; xóa 2.519 hộ phụ nữ nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện từ 51,42% năm 2016 xuống còn 31,43% năm 2020 theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều. 

Nhiều hội viên phụ nữ huyện Lâm Bình đã lựa chọn mô hình chăn nuôi trâu nhốt vỗ bèo để tạo công ăn việc làm ổn định và phát triển kinh tế gia đình 

Phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của cán bộ, hội viên phụ nữ trên địa bàn huyện vùng cao Lâm Bình. Từ những nguồn vốn tương trợ nhau, chị em tiết kiệm trong chi tiêu, đầu tư sản xuất, buôn bán để có điều kiện chăm lo gia đình ấm no, hạnh phúc, góp phần thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, phát triển KT-XH tại địa phương.

Thúy Phượng

Tin cùng chuyên mục