Vốn tín dụng chính sách: “Chìa khóa” giảm nghèo bền vững

Các hoạt động cho vay vốn tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã được triển khai hiệu quả, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.
 

Giảm nghèo là mục tiêu quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Cùng với sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền địa phương, thời gian qua, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Với ưu điểm là nguồn vốn vay ưu đãi, lãi suất thấp, thời gian vay kéo dài nên đây là cơ hội giúp người nghèo tiếp cận với vốn vay nhanh chóng, thuận tiện để phát triển kinh tế gia đình. Đến 31-7, tổng dư nợ cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh đạt 3.212,7 tỷ đồng trong 17 chương trình vay với 76.571 hộ vay còn dư nợ.

Chị Ma Thị Xuyến, thôn Hợp Thành, xã Khuôn Hà (Lâm Bình) chăm sóc đàn trâu của gia đình.

Năm 2018, gia đình chị Ma Thị Xuyến, thôn Hợp Thành, xã Khuôn Hà (Lâm Bình) là hộ nghèo được vay vốn từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Lâm Bình mua 1 cặp trâu sinh sản. Đến cuối năm 2019 trâu đẻ 2 nghé con, vừa rồi gia đình bán 2 con trâu giống thu hơn 30 triệu đồng, cùng với số tiền từ các nguồn kinh tế khác, gia đình có điều kiện xây dựng nhà mới, phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo.

Bà Hoàng Thị Gioỏng, thôn Bản Nhùng, xã Năng Khả (Na Hang) năm 2019 vay 50 triệu đồng của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Na Hang để phát triển mô hình nuôi bò nhốt chuồng kết hợp chăn nuôi dê núi và lợn rừng. Nhờ cần cù, chăm chỉ, đến nay tổng đàn dê đã phát triển được 60 con, bò 16 con, mỗi năm trừ chi phí cho thu lãi trên 100 triệu đồng. Hiện gia đình bà đã thoát nghèo

Đồng chí Nguyễn Phan Vỹ, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh khẳng định, vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội đã thật sự trở thành “chìa khóa” cho người nghèo và các đối tượng chính sách phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Để nâng cao chất lượng tín dụng chính sách, đơn vị tăng cường thu hồi nợ đến hạn, nợ quá hạn để tạo lập nguồn vốn vay quay vòng; điều tra, nắm bắt nhu cầu vay vốn của các đối tượng thụ hưởng và giải ngân kịp thời, tạo mọi điều kiện thuận lợi trong việc vay vốn, nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Chính sách đã đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách ở tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh.

Qua đánh giá rà soát, hầu hết các hộ vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội đều sử dụng vốn đúng mục đích. Việc phối hợp giữa cán bộ ngân hàng và các tổ vay vốn rất chặt chẽ, các hộ dân có nhu cầu đăng ký vay đều được thẩm định nhu cầu, mục đích và quá trình triển khai thực hiện nguồn vốn vay được triển khai nhanh chóng. Thời gian tới, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh sẽ tham mưu cho Ban đại diện Hội đồng Quản trị các huyện phân bổ vốn theo hướng ưu tiên cho các địa phương có tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo cao chưa được vay vốn, đặc biệt là các địa phương có nhu cầu vay vốn để phục hồi kinh tế bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19, góp phần vào công tác giảm nghèo bền vững tại địa phương.

Nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh góp phần thực hiện mục tiêu mỗi năm tỉnh ta giảm từ 3 đến 4% hộ nghèo, thực hiện tốt an sinh xã hội, tạo động lực để người nghèo xây dựng cuộc sống no ấm.

Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục