Bài 2: Sức lan tỏa từ những gia đình mẫu mực

Trong nếp nhà của người Tày, Dao, Nùng, Mông, Cao Lan… ở Tuyên Quang có cách sống, phong tục ứng xử riêng… Nhưng điểm chung là luôn hướng con người đến chuẩn mực đạo đức truyền thống như: hiếu kính cha mẹ, ông bà; vợ chồng thủy chung, son sắt; các thành viên biết nhường nhịn, sẻ chia… Để phát huy giá trị tốt đẹp ấy, ngành văn hóa và các địa phương luôn quan tâm thực hiện tốt phong trào “Xây dựng gia đình văn hóa, thôn, bản văn hóa”, “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”… Từ đó nhân rộng và lan tỏa những mô hình gia đình mẫu mực trong cộng đồng.

Bài 1: “Cởi trói” phụ nữ thoát khỏi hủ tục

Bài 3: Thắp lửa truyền thống văn hóa gia đình

Nơi bắt đầu

Gia đình anh Trần Thế Chung, dân tộc Cao Lan và chị Vũ Thị Vi, thôn Thống Nhất, xã Tiến Bộ (Yên Sơn) nhiều năm đạt danh hiệu Gia đình văn hóa. Anh chị có 2 người con gái, đến nay đều đã trưởng thành và xây dựng gia đình riêng. Chị Vũ Thị Vi, vợ anh Chung tâm sự, là con gái dân tộc Kinh về làm dâu gia đình dân tộc Cao Lan, ban đầu chị rất lo sợ. Nhưng nhờ có anh luôn quan tâm, chia sẻ, đặc biệt là bố mẹ chồng tận tình hướng dẫn, chỉ bảo, nên dần dần chị đã học và làm quen được với nếp sống, phong tục tập quán nhà chồng.

Anh là con trai thứ 4 trong gia đình có 8 anh chị em. Ngày mới cưới nhau, anh chị về sống cùng bố mẹ chồng. Đang ở nhà đất quen, về nhà chồng ở nhà sàn chị phải học cách đi, đứng sao cho nhẹ nhàng, vừa phải, không gây nhiều tiếng động. Rồi các ngày lễ, Tết của người Cao Lan đều phải làm các loại bánh, như rằm tháng 3 thổi xôi đỏ, rằm tháng 7 làm bánh mật… để thắp hương tổ tiên. Để làm bánh, tất cả đều phải làm thủ công từ việc xay thóc, giã gạo, chị đã được các chị, em gái bên nhà chồng và mẹ chồng hướng dẫn cẩn thận. Cùng với đó là việc kiêng cữ phải đủ 42 ngày sau sinh mới được đến nhà người khác… Tất cả chị đều phải học để trở thành thành viên chính thức của gia đình người Cao Lan. Duy chỉ có điều, mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình không thay đổi, bố, mẹ chồng chị luôn là người gương mẫu, yêu thương con, cháu hết mực. Chính vì vậy, các anh chị em trong gia đình luôn yêu thương, giúp đỡ, đoàn kết, gắn bó với nhau. Cho đến khi anh chị ra ở riêng, những điều đó luôn được anh chị dạy bảo lại cho các con để giữ gìn nền nếp gia đình.

Về xã Minh Thanh (Sơn Dương) hỏi gia đình anh Ma Triệu Phú và chị Nguyễn Thị Hải, dân tộc Tày, thôn Cò ai cũng tấm tắc khen về truyền thống hiếu học. Đặc biệt, trong gia đình, chị Hải là người vợ, người mẹ, người con dâu đảm đang, luôn cố gắng, nỗ lực để nuôi các con ăn học đầy đủ, ngày càng trưởng thành. Anh chị cưới nhau năm 1983, khi sắp sửa sinh con gái đầu lòng thì anh nhập ngũ. Một mình chị Hải vừa chăm sóc bố mẹ già, vừa nuôi dạy con. Dù thi thoảng mới về, nhưng qua những lá thư, anh chị luôn động viên nhau trong cuộc sống và cùng quyết tâm lo cho các con ăn, học nên người.


Gia đình anh Ma Triệu Phú, thôn Cò, xã Minh Thanh (Sơn Dương) quây quần, chuyện trò bên nhau.

Đến năm 1986, anh Phú xuất ngũ trở về gia đình, nhưng anh được tín nhiệm tham gia công tác tại xã, sau này là Bí thư Đảng ủy xã Minh Thanh cho đến khi về nghỉ chế độ. Chính vì vậy, ít có thời gian chăm lo gia đình, hầu hết mọi việc đều nhờ người vợ đảm đang. Chị Hải chia sẻ, anh chị sinh được 4 người con, 3 người con gái, 1 người con trai, dù ngày làm việc vất vả đến đâu, tối đến chị vẫn vừa tranh thủ khâu vá, đan lát, vừa dạy các con học bài. Chị vẫn luôn động viên các con, chỉ có học tốt sau này mới đỡ vất vả.

Kỷ niệm chị nhớ nhất là hai vợ chồng phải chắt chiu từng đồng xu lẻ để gửi cho con đi học đại học. Không có tiền chẵn để gửi người cầm sang trường cho con, anh chị bọc từng đồng xu vào giấy báo rồi để vào hộp đóng kín lại cất vào giữa bao gạo gửi sang trường đại học cho con. Ngày đó, may ra chỉ có 1-2 gia đình có con đi học đại học, chuyện hiếm có trong vùng.

Thương bố mẹ vất vả, các con của anh chị đều học tốt. 4 người con đều học đại học, cao đẳng. Trong đó, con gái cả học Trường Đại học Ngoại ngữ, Hà Nội; con trai thứ 2 học Đại học Luật, Hà Nội; con gái thứ 3 học Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên và cô con gái út tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Tuyên Quang, nay là Trường Đại học Tân Trào. Giờ đây các con của anh chị đều đã xây dựng gia đình và có việc làm ổn định. Anh chị đã có 6 người cháu nội, ngoại, các cháu cũng đều chăm ngoan, học tốt. “Đó chính là gia tài lớn nhất vợ chồng tôi có được” – anh Phú nói.

Động lực để các phong trào phát triển

Xác định gia đình là hạt nhân, là nền tảng để xã hội phát triển, những năm qua các cấp, các ngành tỉnh Tuyên Quang đã triển khai thực hiện hiệu quả công tác gia đình. Trong đó, chú trọng thực hiện Chỉ thị 49-CT/TW ngày 21/02/2005 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa IX về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Đề án Tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam giai đoạn 2010 - 2020 và  tuyên truyền về Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình năm 2020 đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân. Bà Phúc Thị Xuyên, Phó Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nói, các hoạt động về văn hóa ứng xử trong gia đình được cụ thể hóa và lồng ghép trong hoạt động của các câu lạc bộ như CLB Gia đình bình đẳng trong phụ nữ dân tộc thiểu số, CLB gia đình hạnh phúc… Việc ứng xử có văn hóa trong gia đình cũng là tiêu chí để đánh giá, xếp loại gia đình văn hóa, gia đình học tập… hằng năm. Từ đó, tạo sức lan tỏa, nhân rộng các mô hình hoạt động trong lĩnh vực gia đình, đặc biệt là việc ứng xử có văn hóa gữa vợ - chồng, bố mẹ - các con, ông bà – con, cháu, để xây dựng gia đình bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc.


Anh Trần Thế Chung, thôn Thống Nhất, xã Tiến Bộ (Yên Sơn) dạy các cháu học bài.

Phong trào xây dựng gia đình văn hóa đã được các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia gắn với phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, tỷ lệ hộ đạt gia đình văn hóa trên địa bàn tỉnh hằng năm đều tăng. Năm 2005, toàn tỉnh có 121.173 hộ đạt gia đình văn hóa, chiếm 78%; năm 2019 có 189.571 hộ đạt gia đình văn hóa, chiếm 91%, tăng 13% so với năm 2005. Hiện nay, toàn tỉnh có 1.602 khu dân cư văn hóa, đạt 92%, tăng 28% so với năm 2005. Những địa phương có tỷ lệ gia đình văn hóa cao có nhiều ở các huyện đông đồng bào dân tộc thiểu số như Sơn Dương, Yên Sơn, Chiêm Hóa, đều có 92% số hộ đạt gia đình văn hóa. Những địa phương có tỷ lệ khu dân cư văn hóa đạt cao cũng thuộc các huyện có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, như: Hàm Yên chiếm 94%, huyện Yên Sơn đạt 93%; huyện Sơn Dương, Chiêm Hóa  đạt 92%... Nhờ đó, mô hình gia đình truyền thống, gia đình có nhiều thế hệ chung sống đoàn kết, hòa thuận, hạnh phúc ở các khu dân cư được duy trì và phát huy.

Cùng với đó, phong trào xây dựng gia đình học tập, dòng họ học tập ở các địa phương ngày càng tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ. Việc ứng xử, sự quan tâm, chăm lo của ông, bà, cha, mẹ đối với con cháu đã tạo động lực để con, cháu luôn nỗ lực học tập tốt. Kết quả, năm 2018 toàn tỉnh có 147.295 gia đình học tập”, chiếm 74,3% tổng số hộ đăng ký; 801 dòng họ học tập, chiếm 39,1%. Năm 2019 có 164.258 gia đình học tập, chiếm 82,9%; 946 dòng họ học tập, chiếm 46,2%.

Việc bình xét gia đình văn hóa, thôn, bản văn hóa; gia đình học tập, dòng họ học tập được tiến hành công khai, dân chủ trong cộng đồng dân cư, đã tạo thành phong trào sôi nổi tại các địa phương trong tỉnh. Bà Lê Thị Thanh Tâm, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Chiêm Hóa cho biết, để các phong trào được triển khai hiệu quả trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ngành văn hóa huyện đã phối hợp với MTTQ và các đoàn thể các cấp tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện xây dựng gia đình văn hóa, thôn, bản văn hóa; gia đình học tập, dòng họ học tập. Hằng năm đều chỉ đạo bình xét, khen thưởng những gia đình đình, dòng họ, khu dân cư tiêu biểu trong các phong trào. Từ đó, nhằm nhân rộng những gia đình mẫu mực, góp phần xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, giữ gìn những nét đẹp truyền thống phù hợp với đời sống mới.

Trong mỗi gia đình, ông, bà, cha mẹ là những người có ảnh hưởng trực tiếp đến thế hệ con, cháu; cách ứng xử của những người đi trước sẽ tác động trực tiếp đến nếp sống, suy nghĩ và hành động của những người trẻ. Chính vì vậy, những phong trào, xây dựng gia đình văn hóa, thôn, bản văn hóa, gia đình học tập, dòng họ học tập… đã ngày càng tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng. Từ đó, góp phần xây dựng gia đình bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Tin cùng chuyên mục