Bài 3: Thắp lửa truyền thống văn hóa gia đình

Theo dòng chảy thời gian và sự phát triển của xã hội, nhiều địa phương dần xóa bỏ được những phong tục tập quán lạc hậu trong cách ứng xử, gìn giữ mỹ tục tốt đẹp. Từ đó, tạo nếp sống văn hóa phù hợp với cuộc sống gia đình hiện đại mà vẫn lưu truyền được giá trị truyền thống.

Bài 1: “Cởi trói” phụ nữ thoát khỏi hủ tục

Bài 2: Sức lan tỏa từ những gia đình mẫu mực

Giữ gìn tiếng nói dân tộc

 - Lan thông ấm num phốt lưu lốc, au ma nấy! (Cháu đun sôi ấm nước rồi mang ra đây!)
 - Lan kên ngài lưu lốc! (Cháu ăn cơm rồi ạ!)

Đó là đoạn hội thoại ngắn giữa hai ông cháu người Cao Lan, xã Kim Phú (TP Tuyên Quang). Tình trạng “ông hỏi gà, cháu trả lời vịt” như này diễn ra khá phổ biến giữa hai thế hệ. Chị Nguyễn Thị Phương Hoa, cán bộ văn hóa xã Kim Phú chia sẻ, thường những cụ già ở đây thích giao tiếp bằng tiếng Cao Lan còn các cháu trẻ chỉ hiểu bập bõm, có cháu còn không biết nói nên tình trạng “lệch sóng” là chuyện bình thường.


Hội thi hát dân ca tại thôn Y Nhân xã Đồng Thọ (Sơn Dương) thu hút nhiều bạn trẻ tham gia.

Trong xu thế hội nhập và phát triển hiện nay, nhiều gia đình dân tộc Tày, Dao, Nùng, Cao Lan, Mông… những người trẻ chỉ biết nói tiếng phổ thông. Thậm chí có người biết nhưng ngại giao tiếp, ít có cơ hội giao tiếp bằng tiếng dân tộc nên dần quên lãng và mai một đi. Trước thực trạng đó, nhiều địa phương đã có nỗ lực giữ gìn tiếng nói, để tạo được sự kết nối hài hòa giữa các thế hệ, lưu giữ nét đẹp truyền thống trong gia đình đồng bào dân tộc thiểu số.

Năm 2017, UBND xã Thái Hòa (Hàm Yên) thành lập Câu lạc bộ Giữ gìn tiếng nói dân tộc Dao. Chị Lý Thị Hà, thành viên Câu lạc bộ cho biết, chị đã tự nguyện tham gia vào câu lạc bộ để được học hỏi, nâng cao vốn tiếng Dao, nhờ vậy chị hiểu hơn về giá trị văn hóa truyền thống và những nét đẹp của văn hóa dân tộc mình. Chị không chỉ học cho bản thân mà còn tích lũy để dạy cho con em mình biết tiếng nói của dân tộc Dao. 

Toàn tỉnh hiện có 50 câu lạc bộ sử dụng, giữ gìn tiếng nói dân tộc. Tiêu biểu như: Câu lạc bộ Giữ gìn tiếng Nùng và giữ gìn trang phục dân tộc Nùng xã Tiến Bộ (Yên Sơn), Câu lạc bộ Giữ gìn tiếng nói Cao Lan xã Kim Phú, Câu lạc bộ Nói tiếng dân tộc Tày xã Thái Long, Câu lạc bộ Sử dụng ngôn ngữ dân tộc Cao Lan xã An Khang (TP Tuyên Quang); Câu lạc bộ Sử dụng tiếng Mông, xã Yên Thuận (Hàm Yên)…
Câu lạc bộ Giữ gìn tiếng nói Cao Lan xã Kim Phú (TP Tuyên Quang) có 35 thành viên, chủ yếu từ 18-35 tuổi, thường xuyên sinh hoạt và tổ chức giao lưu để thế hệ trước truyền dạy cho thế hệ sau về việc sử dụng ngôn ngữ, tìm hiểu câu tục ngữ, ý nghĩa câu hát Sình Ca… Nhờ đó, sau 4 năm thành lập các thành viên trẻ đều nói thông thạo tiếng nói của dân tộc mình.


Một buôi sinh hoạt của Câu lạc bộ nói tiếng Cao Lan, xã Bằng Cốc (Hàm Yên)

Niềm vui đó hiện hữu trên khuôn mặt của các cụ già khi ngày ngày được các con, cháu chào hỏi, giao tiếp bằng tiếng dân tộc. Cụ Trần Văn Quân, thôn 12, xã Kim Phú chia sẻ, ở tuổi “gần đất, xa trời” chỉ mong con cháu nói được tiếng dân tộc. Cụ vẫn luôn tâm niệm, được cùng con cháu giao tiếp bằng tiếng nói của dân tộc mình là niềm hạnh phúc, nhắc nhở con cháu hướng về cội nguồn tổ tiên.
Bên cạnh đó, hằng năm Hội Phụ nữ các cấp trên địa bàn tỉnh đều tổ chức cuộc thi như: Liên hoan tiếng hát ru, tiếng hát dân ca dân tộc thiểu số. Qua những giai điệu truyền thống, giúp thế hệ trẻ cảm nhận được vẻ đẹp trong ngôn ngữ của dân tộc mình. Chị Trần Thị Mạnh là thành viên đội văn nghệ của xã Đại Phú (Sơn Dương) nói, ngay từ khi còn nhỏ, chị đã được ông bà, bố mẹ truyền dạy ý nghĩa câu chữ gửi gắm qua những bài dân ca. Chị chia sẻ, Sình ca là lối hát đối đáp (giao duyên) của dân tộc Cao Lan. Có sức mạnh lan tỏa và thu hút mọi người, làm cho những trái tim xích lại gần nhau hơn.

Một điều dễ nhận thấy rằng, bằng con đường cảm thụ âm nhạc, người trẻ tiếp cận ghi nhớ ngôn ngữ của dân tộc mình một cách dễ dàng hơn. Em Tạ Thị Thanh Hà, xã Phúc Thịnh (Chiêm Hóa) cho biết, ở bản em các câu lạc bộ hát Then thường xuyên giao lưu. Ban đầu, em chỉ đến xem cho vui nhưng dần dà được nghe nhiều, yêu thích giai điệu Then và tò mò tìm hiểu ý nghĩa lời bài hát. Từ đó em yêu thích và học tiếng Tày, nói tiếng Tày dễ dàng hơn.

Hiện nay, Đài PT-TH Tuyên Quang thường xuyên có chuyên mục thời sự, phóng sự bằng các thứ tiếng Tày, Dao, Mông… Các chương trình được phát sóng hàng ngày qua loa, đài, tivi. Đây là những chương trình được đồng bào dân tộc thiểu số đón nhận, theo dõi. Anh Sùng Văn Páo, thôn Ngòi Nghìn, xã Đạo Viện (Yên Sơn) cho biết: “Gia đình tôi thường xuyên xem các chương trình PT - TH tiếng Dao của Đài PT - TH tỉnh để tìm hiểu về khoa học, kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi, học tập các mô hình phát triển kinh tế giỏi để làm theo. Ngày nào cũng được nghe tiếng dân tộc mình trên tivi, đài radio, bản thân mình cũng tự hào. Các con đều chăm chú lắng nghe và theo dõi cùng bố mẹ”.

Lưu giữ những mỹ tục trong ứng xử

Hòa trong dòng chảy của đời sống mới, tại các bản làng có đông đồng bào dân tộc thiểu số vẫn giữ gìn được những tập tục đẹp trong ứng xử gia đình, làm nên nét văn hóa độc đáo, riêng biệt điển hình như: tập tục trọng vợ của người Nùng Yên Sơn; tục ở rể của người Tày, người Dao; tục kết tồng người Tày; đám cưới truyền thống…


Câu lạc bộ nói tiếng dân tộc Dao ở xã Tân Long (Yên Sơn)

Bản Khăm Kheo, xã Công Đa (Yên Sơn) có 40 hộ, nằm khuất sau dãy núi, nơi đây mang đậm văn hóa người Nùng. Thôn được biết về mỹ tục trọng vợ vẫn còn lưu giữ, tạo nếp sống hòa thuận trong bao thế hệ nơi đây. Trưởng thôn Lý Văn Sính chia sẻ, trong gia đình người Nùng vai trò của người phụ nữ luôn được ghi nhận. Tuy không thuộc chế độ mẫu hệ, thế nhưng trong hôn nhân con gái được quyền định đoạt duyên phận của mình. Trong cuộc sống vợ chồng hàng ngày, khi quyết định một vấn đề gì thì người vợ có quyền tham gia góp ý, thậm chí nếu người vợ đi vắng thì người chồng không có quyền được quyết định một mình.

Tới thăm bất cứ ngôi nhà nào trong thôn, chúng ta cũng sẽ được biết đến những cử chỉ và lời nói thể hiện sự tôn trọng với người phụ nữ trong gia đình, từ trong bữa ăn hay những cử chỉ sinh hoạt nhỏ nhặt nhất. Qua đó, thể hiện cuộc sống gia đình người Nùng luôn thuận hòa, hạnh phúc, có sự sẻ chia, chăm sóc giữa các thành viên.

Theo anh Nông Văn Linh, cán bộ văn hóa xã Công Đa (Yên Sơn), người Nùng rất coi trọng tiếng nói của phụ nữ trong gia đình. Cuộc sống luôn hòa thuận, bao năm qua trong thôn không có bạo lực gia đình, ly hôn. Đây là một tập tục tiến bộ đáng trân trọng.

Đến nay, đồng bào người Tày, người Dao đỏ còn có một tập tục giàu tính nhân văn, đó là tập tục ở rể. Từ hai năm nay, gia đình ông Hà Văn Tình, thôn Làng Thang, xã Kim Quan (Yên Sơn) có thêm một thành viên mới. Đó là anh Ma Văn Anh, quê ở Hùng Lợi về ở rể. Anh Ma Văn Anh cho biết: “Gia đình vợ không có con trai lại neo người, mong muốn có con rể về sống chung. Tôi tự nguyện ở rể để tiện chăm sóc đỡ đần bố mẹ vợ lúc về già, cũng như gánh vác mọi việc lớn trong gia đình vợ”.

Người Dao Đỏ luôn quan niệm, lấy được chàng trai nào ở rể là một điều may mắn, là phúc lớn của gia đình. Vì vậy, người ở rể không nhất thiết phải là người cùng dân tộc, mà có thể là những dân tộc khác. Anh Hoàng Văn Hiếu, dân tộc Tày ở thôn Bản Va, xã Yên Hoa (Na Hang) ở rể trong một gia đình người Dao nói, anh thấy rất thoải mái khi ở rể bởi bố mẹ vợ, anh em họ mạc coi anh như người nhà. Hiện vợ chồng anh đã sinh một bé trai. Anh đã làm thủ tục đăng ký khai sinh cho con và con anh mang họ Phùng - họ nhà gái. Anh dự định bé thứ hai sẽ mang cả hai họ Phùng và Hoàng để tình cảm gia đình, dòng tộc thêm bền chặt.

Theo nghệ nhân ưu tú Ma Văn Đức, phong tục ở rể người Tày giải quyết được những hệ lụy xã hội phức tạp mà một số tộc người khác đã và đang vấp phải. Đó chính là vấn đề khao khát tìm con trai nối dõi tông đường, tư tưởng trọng nam khinh nữ ảnh hưởng đến đời sống xã hội và chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình. Ngày nay, tục lệ này vẫn tồn tại phổ biến ở nhiều vùng quê mang tính cố kết cộng đồng cao, tạo sự gắn bó tình cảm giữa hai bên gia đình.

Các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh mang những bản sắc, đặc trưng riêng tạo nên bức tranh văn hóa đa dạng. Hòa nhịp với xu thế phát triển, những hủ tục, tập quán lạc hậu dần được bài trừ còn lại những tập tục tốt đẹp phù hợp với văn hóa ứng xử luôn được khuyến khích lưu giữ bảo tồn. Nếu như người Nùng có tập tục trọng vợ; người Dao, người Tày có tập tục ở rể thì hàng ngày, người Mông luôn dành sự ưu ái cho người phụ nữ như: Vợ chỉ làm việc nhẹ, nhắc nhở con cháu nhớ đến công lao của bà, mẹ thông qua giao tiếp hàng ngày…. Đây là những mỹ tục truyền thống đặc trưng góp phần tạo nên giá trị văn hóa tốt đẹp trong mỗi gia đình.

Trong tiến trình phát triển xã hội, để văn hóa dân tộc thiểu số hòa nhập chứ không hòa tan, với sự vào cuộc quyết liệt, các địa phương, ban ngành, đoàn thể trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã có những cách làm hay trong việc bài trừ hủ tục lạc hậu; giữ gìn nét đẹp văn hóa gia đình truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số. Những cách làm này đã góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI "Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.

Theo Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục