Dịch sốt xuất huyết bắt đầu “hạ nhiệt”

Thời gian qua, trước tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) có những diễn biến phức tạp, ngành Y tế tỉnh đã tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống nhằm hạn chế thấp nhất sự phát triển của dịch bệnh trong cộng đồng, bảo vệ sức khỏe của nhân dân.

Lãnh đạo CDC tỉnh làm việc với Trung tâm Y tế thành phố triển khai các biện pháp ngăn chặn dịch SXH.

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) từ ngày 21-7, tỉnh đã ghi nhận ca mắc SXH đầu tiên tại thành phố Tuyên Quang và tính từ ngày 21-7 đến nay toàn tỉnh đã ghi nhận 1.267 ca mắc. Trong đó thành phố Tuyên Quang 1.223 ca, huyện Yên Sơn 31 ca, Na Hang 9 ca, Hàm Yên 3 ca, Sơn Dương 1 ca. Sau 4 tháng dịch bùng phát mạnh, thì bắt đầu từ tháng 12 dịch đã bắt đầu “hạ nhiệt”, từ 1 đến 12-12, toàn tỉnh ghi nhận 25 ca, trong đó có ngày không ghi nhận ca mắc nào.

Ngay sau khi có dấu hiệu bùng phát của dịch SXH, ngành Y tế đã triển khai nhiều giải pháp xử lý ổ dịch, giám sát các ca bệnh. Theo đó, CDC tỉnh đã cấp cho thành phố hóa chất diệt muỗi Permethrin chai 1000ml với 226 chai, hóa chất diệt bọ gậy 170 lọ thuốc; cấp Hóa chất diệt muỗi Permethrin chai 1000ml cho huyện Lâm Bình 12 chai, Yên Sơn 10 chai, Sơn Dương 20 chai, Hàm Yên 10 chai, Chiêm Hóa 5 chai và Na Hang 5 chai.

Đến nay, hệ thống y tế cơ sở phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức phun hóa chất diệt muỗi lần 1 cho 532 hộ, phun hóa chất diệt muỗi lần 2 cho 264 hộ, còn 613 hộ chưa được phun. Ngành Y tế cũng đã phối hợp tổ chức trên 50 đợt ra quân dọn vệ sinh môi trường diệt lăng quăng/bọ gậy; tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân nâng cao nhận thức, ý thức phòng, chống SXH bằng nhiều hình thức như trực tiếp tại hộ gia đình, khu dân cư, gián tiếp bằng loa lưu động… kịp thời kiểm soát, khống chế dịch bệnh.

Cán bộ CDC tỉnh phun khử khuẩn phòng dịch SXH tại khu vực Bến xe khách Tuyên Quang.

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương và ngành Y tế tỉnh cũng đã quan tâm chỉ đạo đội ngũ cán bộ y tế ở các xã, phường, thị trấn trên địa bàn thường xuyên theo dõi, giám sát tình hình dịch bệnh SXH ở các tổ dân phố, thôn, xóm làng để kịp thời phát hiện các trường hợp mắc bệnh.

Bác sỹ Nguyễn Thế Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Na Hang cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay, đội ngũ cán bộ y tế trên địa bàn huyện chủ động phối hợp với chính quyền các xã, thị trấn tiến hành truyền thông trực tiếp tại các xã, thị trấn, thôn để nâng cao nhận thức của cả cộng đồng về dịch bệnh SXH. Nhân dân hưởng ứng rất nhiệt tình, tích cực tham gia dọn vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, ngủ màn. Qua đó, góp phần vào việc chủ động ngăn chặn dịch SXH lan rộng trong cộng đồng. Từ đầu năm đến nay, toàn huyện ghi nhận 9 ca mắc SXH.

Cán bộ Trạm Y tế phường Đội Cấn (TP Tuyên Quang) khám sàng lọc SXH cho người dân.

Chị Nguyễn Thị Mây, tổ dân phố Bản Khiển, thị trấn Lăng Can (Lâm Bình) chia sẻ: “Nhờ có cán bộ y tế đến tuyên truyền, tôi và bà con trong tổ đã biết cách phòng, chống SXH bằng việc đậy kín bể chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng, lật úp các vật dụng chứa nước không dùng; phát quang bụi rậm, vệ sinh nhà cửa sạch sẽ; ngủ trong màn để tránh muỗi đốt".

Nhờ sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, số ca mắc SXH đã liên tục giảm trong thời gian qua và mấy ngày gần đây không ghi nhận ca mắc mới nào. Điều đó cho thấy, công tác phòng, chống dịch đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, không vì thế mà người dân chủ quan, các xã, phường, thị trấn cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh, vận động người dân nêu cao ý thức, tích cực dọn dẹp vệ sinh môi trường tại gia đình và khu dân cư. Từ đó ngăn chặn dịch bùng phát trở lại và bảo vệ sức khỏe cho chính mình, người thân và cộng đồng.

Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục