GeLEAD và những đóng góp vì bình đẳng giới trong khu vực công

Là một trung tâm thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Trung tâm Nghiên cứu Giới và Lãnh đạo nữ (GeLEAD), tiền thân là Trung tâm Phụ nữ trong Chính trị và Hành chính công (WiPPA), có mục tiêu cung cấp các chương trình và sáng kiến thúc đẩy bình đẳng giới trong khu vực công và tăng cường sự đại diện của phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo, quản lý.

Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga (thứ 3 từ phải sang) cùng các nữ đại biểu tại Hội nghị Ban Chấp hành lần thứ 9 (khóa VII). Ảnh: xaydungdang.org.vn

Là một trung tâm thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Trung tâm Nghiên cứu Giới và Lãnh đạo nữ (GeLEAD), tiền thân là Trung tâm Phụ nữ trong Chính trị và Hành chính công (WiPPA), có mục tiêu cung cấp các chương trình và sáng kiến thúc đẩy bình đẳng giới trong khu vực công và tăng cường sự đại diện của phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo, quản lý.
 

Với những mục tiêu đó, GeLEAD hoạt động trong 4 lĩnh vực chính, bao gồm: Đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao năng lực cho phụ nữ và nam giới, trên cơ sở vận dụng những kinh nghiệm tiên tiến của thế giới phù hợp với thực tiễn của Việt Nam; hướng dẫn cán bộ và kết nối mạng lưới trong và ngoài nước, xây dựng và triển khai các chương trình giao lưu, bồi dưỡng, hướng dẫn dành cho các cán bộ nữ đương nhiệm và tiềm năng; chia sẻ kiến thức và nhận thức thông qua các chương trình bồi dưỡng, diễn đàn chính sách, những buổi diễn thuyết và các ấn phẩm; nghiên cứu và tham mưu chính sách, biện pháp về bình đẳng giới.

Theo TS. Lương Thu Hiền, Giám đốc GeLEAD, với những trăn trở về bình đẳng giới, về việc nữ giới thiếu tiếp cận với nguồn vốn xã hội, thiếu sự hướng dẫn, bảo trợ, mạng lưới nghề nghiệp, mạng lưới lãnh đạo, quản lý để có thể vươn lên các vị trí lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan thuộc hệ thống chính trị Việt Nam, Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đã hỗ trợ GeLEAD thiết kế tài liệu Xây dựng chương trình hướng dẫn cán bộ nữ và vận hành hướng dẫn cho 40 cán bộ nữ tiềm năng của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

GeLEAD và những đóng góp vì bình đẳng giới trong khu vực công - Ảnh 1.

TS. Lương Thu Hiền, Giám đốc GeLEAD

Một trong những sáng kiến tiêu biểu của GeLEAD đóng góp cho nữ giới phải kể đến đề xuất xây dựng Chỉ số trao quyền cho phụ nữ Việt Nam. Đây là công cụ có thể đo lường sự tiến bộ của việc phụ nữ Việt Nam tham gia khu vực công. Được xây dựng trên nền tảng những chuẩn mực quyền phụ nữ quốc tế, các can thiệp chính của bộ chỉ số sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc đối thoại giữa bộ, ngành, tỉnh, thành để xác định, nắm bắt và giám sát việc thực hiện các chỉ tiêu về tỷ lệ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý. Qua đó, các cấp, các ngành có thể cam kết thúc đẩy bình đẳng giới trong lãnh đạo khu vực công bằng cách lồng ghép các chỉ tiêu lãnh đạo có đáp ứng giới vào kế hoạch phát triển hàng năm của bộ, ngành, tỉnh, thành.

Bên cạnh đó, GeLEAD đã và đang triển khai chương trình hướng dẫn cán bộ nữ. Đây là chương trình có tầm quan trọng nhằm nâng cao chất lượng cũng như số lượng cán bộ nữ. Theo nghiên cứu, để hình thành một người phụ nữ có thể làm lãnh đạo, ngoài 10% từ năng lực tự nhiên, 5% kết quả từ khủng hoảng thì có đến 85% do ảnh hưởng bởi một nhà lãnh đạo khác. Bởi vậy, chương trình này giúp các cán bộ nữ xây dựng sự tự tin, truyền cảm hứng giúp nữ giới có thêm nghị lực và ý chí vượt qua những khó khăn của định kiến giới, đồng thời xác định những mục tiêu cụ thể để phát triển năng lực chuyên môn, năng lực lãnh đạo của mình. Từ đó, họ sẽ có những lộ trình thực hiện mục tiêu và phát triển được mạng lưới nghề nghiệp của mình.

Để xây dựng được một chương trình hướng dẫn cán bộ nữ phải đảm bảo có sự tham gia của người lãnh đạo, cùng với đó là các điều phối viên chương trình, người hướng dẫn và người được hướng dẫn. Chương trình sẽ xác định mục tiêu, lập kế hoạch cho từng đối tượng, sau đó triển khai đào tạo, tập huấn cho cả người hướng dẫn và người được hướng dẫn để triển khai hướng dẫn cá nhân trong khuôn khổ của chương trình. Các vấn đề chính thường được đưa ra trong các chương trình hướng dẫn có thể kể đến như: Nâng cao kỹ năng giao tiếp, thiết lập kỹ năng quản lý thời gian và xây dựng kế hoạch, học thêm về kỹ năng lãnh đạo và làm chủ bản thân, quản lý thời gian, mở rộng các mối quan hệ và các cách thức làm truyền thông.

Trong năm 2022, chương trình đã hướng dẫn 33 người là cán bộ nữ đến từ các bộ, ban, ngành, địa phương và các trường đại học, viện nghiên cứu trong cả nước. Nói về những thay đổi của bản thân sau chương trình này, một học viên cho biết: "Bản thân tôi nhận thấy trong thời gian qua, sau khi được trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm từ người hướng dẫn, tôi đã có thể tự tin hơn, nhìn nhận vấn đề khách quan hơn và sẽ luôn cố gắng để tiếp tục đạt được mục tiêu đã đề ra".

Với những đóng góp của mình cho công tác bình đẳng giới, GeLEAD đã đạt được một số thành tựu quan trọng. Một trong số đó phải kể đến việc góp phần đưa nội dung bình đẳng giới và lãnh đạo, quản lý thành một môn học mang tên "Giới trong lãnh đạo, quản lý" (thuộc 19 môn học bắt buộc trong chương trình Cao cấp lý luận Chính trị) tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh từ năm 2017. Hằng năm, những kiến thức về bình đẳng giới và lãnh đạo nữ được giảng dạy, trao đổi cho khoảng 5.000 cán bộ lãnh đạo nam và nữ cấp trung trong hệ thống chính trị Việt Nam. 

Cùng với đó, GeLEAD cũng lồng ghép bình đẳng giới vào chương trình bồi dưỡng dự nguồn cán bộ cao cấp tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, lồng ghép kiến thức và kỹ năng lãnh đạo, quản lý thúc đẩy bình đẳng giới vào chương trình Cao cấp lý luận chính trị tại Học viện, đồng thời xây dựng bộ tài liệu "Xây dựng kiến thức và kỹ năng lãnh đạo, quản lý thúc đẩy bình đẳng giới" và "Hướng dẫn cán bộ nữ trong hệ thống chính trị Việt Nam", nhằm khẳng định vai trò quan trọng của đội ngũ nữ lãnh đạo trong tiến trình hội nhập và phát triển của đất nước.

Hội LHPN Việt Nam

Tin cùng chuyên mục