Xây dựng gia đình hạnh phúc trong đồng bào dân tộc thiểu số: Những cách làm hay ở Tuyên Quang

Tuyên Quang có 22 dân tộc anh em, mỗi dân tộc có bản sắc văn hóa, phong tục tập quán riêng. Bên cạnh việc khuyến khích lưu giữ những mỹ tục tốt đẹp trong ứng xử hàng ngày, thực hiện tốt phong trào “Xây dựng gia đình văn hóa, thôn, bản văn hóa”, đã có nhiều cách làm hay nhằm xóa bỏ phong tục tập quán lạc hậu. Từ đó, góp phần tạo nếp sống phù hợp với cuộc sống gia đình hiện đại mà vẫn lưu truyền được giá trị truyền thống của mỗi dân tộc.

Bài 2: Sức lan tỏa từ những gia đình mẫu mực

Bài 3: Thắp lửa truyền thống văn hóa gia đình

 

Bài 1: “Cởi trói” phụ nữ thoát khỏi hủ tục

Từng có một thời, khi bước vào nhà chồng, cô dâu Sán Dìu phải tuân thủ nghiêm ngặt những quy định, phép tắc như: Không được ngồi cùng mâm, uống chung ấm với bố chồng; tảo tần với công việc gia đình từ 3h sáng. Phụ nữ người Dao, Mông cũng chịu thiệt thòi từ những quan niệm “trọng nam khinh nữ”, “đàn bà phục vụ đàn ông”… Những tập quán đó tồn tại nhiều năm làm mất đi vị thế của người phụ nữ. Trước thực trạng đó, các địa phương của tỉnh Tuyên Quang đã có nhiều cách làm hay giúp thay đổi nhận thức người dân, xóa bỏ hủ tục và bất bình đẳng giới.

“Con trai được coi trọng hơn con gái”

Đấy là câu tục ngữ truyền đời, ăn sâu bám rễ của người Dao Quần trắng trên địa bàn huyện Hàm Yên, Yên Sơn. Tiếng Dao “quẩy sây tòn hờn quẩy sây sả” nghĩa là “con trai được coi trọng hơn con gái” cho nên đàn ông luôn nghĩ rằng mình sinh ra là phải có người phục vụ, chăm sóc.

Tiêu chí đầu tiên chọn vợ của đàn ông Dao xã Minh Dân (Hàm Yên) là tướng mạo phải khỏe mạnh, to béo, chân tay chắc nịch, làm lụng được mọi việc. Anh chàng nào mà cưới được cô vợ có những đặc điểm đó thì coi như “ấm chỗ”, được hưởng thụ, không cần “động tay” vào việc gì.


Lớp học xóa mù chữ thôn Hao Bó, xã Yên Thuận (Hàm Yên) do Hội Phụ nữ xã tổ chức

Chị Lê Thị Huế, Chi hội trưởng phụ nữ thôn Đồng Mới chia sẻ, người phụ nữ Dao là người phải gánh vác hầu hết công việc nặng nhẹ trong gia đình. Ngoài công việc vất vả trên nương, dưới ruộng, họ còn phải cáng đáng hết những công việc nấu nướng, giặt giũ, chăm sóc con cái, chăn nuôi lợn, gà... Quanh năm vất vả lo cho gia đình, nên dường như phụ nữ người Dao, ai cũng già trước tuổi. Dẫu vất vả lo toan thế nhưng họ không được quyết định bất cứ việc to, nhỏ nào. Đàn ông sẽ làm chủ, định đoạt hết mọi việc.

Suốt ngày đầu tắt mặt tối, người phụ nữ quẩn quanh trong xó bếp, đồng ruộng trong làng, không được giao tiếp ngoài xã hội nên nhiều chị em quên cả mặt chữ. Chị Ma Thị Khoa, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Thổ Bình (Lâm Bình) cho biết, nhiều trường hợp, người vợ muốn ra chợ mua bán phải có chồng hoặc con đi theo để nhìn mặt tiền. Cuộc sống phụ thuộc, dựa dẫm nên đàn bà Dao đều cam chịu, chấp nhận mọi việc như một lẽ tự nhiên.

Còn với dân tộc Sán Dìu thì trước đây có nhiều luật tục hà khắc phân biệt nam nữ. Bà Đỗ Thị Man, xã Ninh Lai (Sơn Dương) năm nay 60 tuổi cho biết, con dâu người Sán Dìu không được phép ăn chung mâm, uống chung ấm, thậm chí không được dùng chung chậu rửa mặt với bố chồng và anh chồng. Thế nên khi chỉ có bố chồng và con dâu ở nhà, thì vẫn phải làm 2 mâm cơm riêng. Không những thế, cô con dâu cần phải thể hiện sự đảm đang, chịu thương chịu khó khi ngày nào cũng phải dậy sớm trước 3 giờ sáng để giã gạo, nấu cháo (người Sán Dìu có tập tục ăn cháo buổi sáng)… Mọi việc trong nhà đều một mình người vợ làm, không bao giờ được để người chồng phụ giúp.

Những lớp học U40, U50…

Nhận thấy rõ những quan niệm, hủ tục càng ngày càng trói buộc người phụ nữ dân tộc thiểu số, các địa phương, đoàn thể xác định “chìa khóa” để mở “cánh cửa” đó là việc nâng cao nhận thức cho người dân. Mà trước hết là từ những người phụ nữ, họ phải có ý thức vươn lên, thoát khỏi vòng luẩn quẩn của mù chữ, nghèo đói và lạc hậu.


Lớp học ôn luyện chữ viết tiếng Việt do Hội Phụ nữ xã Minh Dân (Hàm Yên) tổ chức.

Từ năm 2011, hội phụ nữ các xã trên địa bàn tỉnh bắt đầu mở những lớp học xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc Dao, Mông, Tày. Chị Ma Thị Khoa, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Thổ Bình (Lâm Bình) nói, ban đầu để vận động các chị em đi học khó khăn lắm. Nhiều chị em lắc đầu vì “không biết học chữ để làm gì” rồi thì “chồng không cho đi”, “không có ai làm việc nhà để đến lớp”… Nhưng với sự kiên trì vận động, xã đã tổ chức được 4 lớp xóa mù chữ cho 2 thôn người Dao, gồm thôn Tân Lập và Lũng Pi át. Sau 3 tháng học hơn 100 học viên đã biết đọc, biết viết.

Còn tại xã Yên Thuận (Hàm Yên) lớp học không chỉ thu hút phụ nữ mà cánh mày râu cũng tham gia. Cặp vợ chồng anh Triệu Văn Bình, chị Lý Thị Xuân, thôn Hao Bó là những học sinh chăm chỉ của lớp học. Chị Lý Thị Xuân vui vẻ chia sẻ, biết cái chữ rồi mình rất vui, mỗi lần đi họp thôn, được phát báo về mình đã biết đọc rồi. Đi chợ mua bán, lên xã làm giấy tờ mình đều tự làm được hết.

Những năm gần đây, để tránh tình trạng các chị quên mặt chữ, Hội Phụ nữ xã Minh Dân (Hàm Yên) đã tổ chức lớp học xóa mù chữ theo từng nhóm để ôn lại. Chị Triệu Mùi Bính, thôn Nước Mỏ tâm sự: “Trước đây mình được học chữ rồi, quanh năm làm lụng, lâu không dùng nên quên mất mặt chữ. Hội Phụ nữ xã tổ chức lớp học ôn tập lại chữ viết, trong vòng 1 tháng mình đã đọc thông, viết thạo trở lại. Nhờ đó mà khi được Hội Phụ nữ phát các tài liệu, kiến thức mình đều đọc và hiểu được”

Đặc biệt, các cấp Hội Phụ nữ còn quan tâm nâng cao nhận thức cho chị em dân tộc thiểu số về kiến thức xã hội. Chị Nguyễn Thị Hồng Ngoan, Chủ tịch Hội LHPN huyện Hàm Yên cho biết, năm 2010, Hội LHPN huyện đã thành lập Câu lạc bộ bình đẳng giới trong phụ nữ dân tộc thiểu số tại 9 xã Minh Dân, Minh Khương, Yên Thuận, Bằng Cốc, Thái Hòa, Bạch Xa… Các câu lạc bộ thu hút 30-35 thành viên tham gia, trong đó có cả nam giới. Câu lạc bộ thường xuyên tổ chức sinh hoạt tuyên truyền về Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Hôn nhân và Gia đình… Qua đó từng bước giúp các cặp vợ chồng biết được vị trí, vai trò cũng như quyền, nghĩa vụ của các thành viên trong gia đình.

Những luồng gió mới…

Nói về những khó khăn trong thời gian đầu vận động thay đổi nếp nghĩ, quan điểm phân biệt nam nữ, con dâu, con trai trong đồng bào Sán Dìu, ông Đỗ Văn Thắng, Chủ tịch UBND xã Ninh Lai (Sơn Dương) cho biết, đây là vấn đề không phải một sớm, một chiều có thể thực hiện được. Bởi để thay đổi suy nghĩ của một thế hệ phải mất rất nhiều thời gian và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Các đoàn thể xã bắt đầu vào cuộc từ việc thành lập tổ tuyên truyền, tổ hòa giải, Câu lạc bộ Gia đình hạnh phúc, Câu lạc bộ Phòng chống bạo lực gia đình... Từ đó, thông qua các buổi họp thôn, bản… lồng ghép tuyên truyền về Luật Bình đẳng giới, vận động người dân xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, chấp hành tốt Luật Hôn nhân và gia đình.

Chị Mạc Thị Chín, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Ninh Lai nói, nhiều năm liền, Hội Phụ nữ tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền về xóa bỏ hủ tục tạo bình đẳng giới cho chị em phụ nữ. Bên cạnh lồng ghép trong các buổi họp thôn thì Hội Phụ nữ tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về Luật Bình đẳng giới, biểu diễn tiểu phẩm, đặt lời mới cho làn điệu Soọng cô để từ đó dần thay đổi nhận thức cho người dân.

Mưa dầm thấm lâu, bên cạnh công tác tuyên truyền thì sự thay đổi của chính gia đình cán bộ đoàn, cán bộ phụ nữ, đặc biệt là người uy tín đã trở thành luồng gió mới xóa bỏ tập quán lạc hậu. Anh Ôn Cát Thành, nguyên là Bí thư Đoàn xã Ninh Lai (Sơn Dương), nay là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã bày tỏ, trước đây nhiều năm anh tham gia công tác đoàn, tiếp thu những tư tưởng tiến bộ nên nhận thấy nhiều quan niệm của đồng bào Sán Dìu rất lạc hậu. Thời điểm đó, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của cán bộ Tỉnh đoàn, anh nhận thấy phải thay đổi ngay từ gia đình mình. Vậy nên, khi có khách đến nhà hoặc gia đình bên nội đến ăn cơm, anh mạnh dạn gọi vợ lên ngồi cùng mâm. Ban đầu vấp phải sự ngăn cản quyết liệt từ phía bố mẹ, làng xóm, dòng họ. Tuy nhiên, anh Thành và nhiều đoàn viên, thanh niên luôn xác định, quan niệm cũ nó như “hòn đá tảng” khó lay chuyển nhưng nhất quyết phải dịch chuyển để bỏ đi.

Bà Đỗ Thị Man là người uy tín ở thôn Cây Đa 1, xã Ninh Lai chia sẻ, ngay từ khi về làm dâu bà cũng phải chịu sự phân biệt, luôn coi mình ở vị thế thấp nên bà hiểu được những vất vả, thiệt thòi của người phụ nữ. Bà đã tự vận động người thân trong gia đình thay đổi suy nghĩ và tập quán để con dâu cũng được đối xử bình đẳng, được ăn uống cùng mâm, vợ chồng con cái chia sẻ việc nhà… Giờ đây, bà Man có 1 cô con dâu là Lê Thị Gái kinh doanh giải khát. Chị được gia đình chồng tạo điều kiện để buôn bán thuận lợi, phát triển kinh tế. Chị Gái tâm sự, vợ chồng chị có một cửa hàng nhỏ bán trà sữa. Hai vợ chồng phụ giúp nhau cùng làm việc nhà, chăm sóc con cái và kinh doanh. Chị cũng được bố mẹ chồng hỗ trợ, bảo ban, cuộc sống gia đình rất thoải mái và hạnh phúc.

Cùng với việc đẩy lùi các tập tục lạc hậu trong quan hệ gia đình, các địa phương còn tạo điều kiện cho chị em đồng bào dân tộc thiểu số tham gia các hoạt động xã hội, điển hình là phong trào văn hóa, thể thao ở cơ sở. Tiêu biểu như phong trào thể thao dân tộc thiểu số với các môn bắn nỏ, đi cà kheo, đẩy gậy, kéo co, tung còn... Đặc biệt, trong những năm gần đây, bóng đá nữ, bóng chuyền nữ phát triển rộng khắp trên địa bàn tỉnh. Toàn tỉnh có 20 câu lạc bộ bóng đá nữ, 115 câu lạc bộ bóng chuyền hơi…

 Vào dịp 8-3, 20-10 hằng năm, xã tổ chức thi đấu bóng đá nữ giữa các thôn. Cuối buổi, phần thưởng của các chị là được ăn một bữa cơm do chính tay các ông chồng nấu. Chị Lý Thị Minh, thôn Coóc Phường, xã Yên Thuận (Hàm Yên) cho biết, đàn ông người Dao vào bếp xưa nay là chuyện hiếm, ban đầu trông họ thật lóng ngóng nhưng cuối cùng cũng nấu nướng đâu ra đấy. Bữa cơm tưởng chừng như giản dị, nhỏ nhoi ấy, nhưng đối với người phụ nữ lại là niềm vui rất lớn.

Cũng nhờ thay đổi trong nhận thức, tư duy bước qua được định kiến, luật tục lạc hậu, đàn ông Dao, Sán Dìu,... nay đã biết phụ giúp việc nhà, việc đồng áng. Phụ nữ được tham gia hoạt động xã hội, văn nghệ, thể thao… Cùng với cách làm quyết liệt, kiên trì bền bỉ, các địa phương, đoàn thể đã dần xóa bỏ được quan niệm, tư tưởng lạc hậu trọng nam khinh nữ. Tất cả tạo nên luồng gió mới làm đổi thay cuộc sống người dân nơi đây. Bởi mỗi gia đình bình đẳng sẽ là nền tảng cho một cuộc sống gia đình ấm êm, hạnh phúc.

Theo Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục