Huy động tổng lực sức mạnh, làm tốt công tác phòng thủ dân sự quốc gia

Chiều 10/3, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự Quốc gia chủ trì Phiên họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo. Cùng dự có Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Quốc phòng, Phó trưởng Ban Chỉ đạo.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Phát biểu ý kiến, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, thực hiện Quy chế tổ chức và làm việc của Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia, hôm nay Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia tổ chức họp Phiên thứ nhất để đánh giá kết quả công tác năm 2022 và thảo luận nhiệm vụ trọng tâm năm 2023.

Thủ tướng nêu rõ, phòng thủ dân sự là một nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên, là một bộ phận của phòng thủ đất nước; luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm và có các chủ trương, chính sách (Nghị quyết 22-NQ/TW của Bộ Chính trị, Chương trình hành động của Chính phủ, Luật Quốc phòng, Nghị định số 02/2019/NĐ-CP, Kế hoạch phòng thủ dân sự quốc gia giai đoạn 2021-2025…) và sắp tới là Luật Phòng thủ dân sự (dự kiến trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5).

Đại diện lãnh đạo các Bộ, ban ngành tham dự hội nghị.

Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo đã tích cực triển khai công tác phòng thủ dân sự đạt được nhiều kết quả: đã tập trung xây dựng và ban hành chủ trương, chính sách; kiện toàn tổ chức và lực lượng; nâng cao chất lượng diễn tập; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị; chỉ đạo các cấp, các ngành, qua đó đã giảm đáng kể thiệt hại do thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh.

Thủ tướng nêu rõ, với truyền thống lịch sử hào hùng, nghệ thuật chiến tranh nhân dân, chúng ta đã chiến thắng nhiều kẻ thù. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, chúng ta đang đối mặt nhiều khó khăn, thách thức, chiến tranh công nghệ cao, do đó chúng ta phải huy động tổng lực sức mạnh để đối phó các cuộc chiến tranh, giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ.

Chúng ta từng bước luật hóa công tác phòng thủ dân sự, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tăng cường cơ sở vật chất, cách thức huy động nguồn lực để bảo vệ chủ quyền đất nước. Thời gian tới, tình hình thế giới và khu vực dự báo tiếp tục diễn biễn phức tạp, khó lường, các mối đe dọa an ninh truyền thống, phi truyền thống (thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, an ninh mạng, an ninh lương thực, an ninh năng lượng…) có thể xảy ra bất cứ khi nào, đòi hỏi chúng ta không được phép lơ là, chủ quan, mất cảnh giác. Bối cảnh trên đặt ra nhiệm vụ phòng thủ dân sự nặng nề, khó khăn, phức tạp hơn. Do đó, công tác xây dựng phòng thủ dân sự quốc gia có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Thủ tướng mong các đại biểu với tinh thần trách nhiệm cao, thảo luận, phát biểu đúng trọng tâm, trọng điểm, đánh giá toàn diện các mặt công tác, thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế, rút ra bài học kinh nghiệm, qua đó đề ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, có hiệu quả thời gian tới.

Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục