10 năm Học viện Phụ nữ Việt Nam: Chú trọng đầu tư 3 trụ cột

Với chặng đường 10 năm đào tạo đại học, song song với việc thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng cán bộ Hội, nghiên cứu khoa học, Học viện Phụ nữ Việt Nam đã đạt được những thành quả rất đáng tự hào, ngày càng khẳng định được thương hiệu, chất lượng về công tác đào tạo.
 Học viện Phụ nữ Việt Nam nhận Bằng khen của Hiệp hội các trường đại học

Sự chuyển mình đáng tự hào

Sáng 6/10, Học viện Phụ nữ Việt Nam đã tổ chức lễ kỷ niệm 10 năm thành lập và khai giảng năm học 2022-2023. Tham dự lễ kỷ niệm có các lãnh đạo Hội LHPN Việt Nam, đại diện lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội khóa XV, đại diện các Bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, đại diện một số cơ quan, tổ chức và chuyên gia quốc tế tại Việt Nam; đại diện các thế hệ sinh viên của Học viện và hơn 1.500 tân sinh viên khóa 10.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Việt Nam Đỗ Thị Thu Thảo (bìa trái), Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Trần Lan Phương (thứ 2 từ trái sang) tham dự Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Học viện Phụ nữ Việt Nam

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, PGS.TS Trần Quang Tiến, Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam, cho biết, khi mới thành lập, Học viện chỉ có 1 chương trình bồi dưỡng với quy mô từ 1.000 - 1.500 lượt học viên mỗi năm, tập trung chính là cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp. Sau 10 năm, quy mô đã tăng hơn 3.000 lượt/năm với 8 chương trình bồi dưỡng, đối tượng được mở rộng hơn. Đối với đào tạo, từ 2 ngành đầu tiên đến năm 2022 là 11 ngành cử nhân, 2 ngành đào tạo thạc sĩ, 1 ngành chất lượng cao và liên kết; tỉ lệ sinh viên đại học chính quy tốt nghiệp có việc làm theo khảo sát trung bình 92,4%. 

Đối với nghiên cứu khoa học, từ số lượng khiêm tốn 1-2 đề tài, dưới 5 bài khoa học công bố trong nước, sau 10 năm, Học viện đã thực hiện 115 đề tài nghiên cứu khoa học các cấp, trong đó có 3 đề tài cấp nhà nước/quốc gia. Sinh viên thực hiện 72 đề tài; tổ chức 170 hội thảo, hội nghị, tọa đàm, nói chuyện chuyên đề khoa học; có 701 công bố trong nước và quốc tế, trong đó có 25 bài ISI, SCOPUS, 14 bài đăng tạp chí quốc tế và 5 chương sách xuất bản tại nước ngoài.

Đoàn cán bộ Hội phụ nữ Lào tham dự lễ kỷ niệm của Học viện và thể hiện tiết mục múa

"10 năm là một chặng đường không dài nhưng có thể khẳng định, với những đóng góp quan trọng, ngày càng nổi bật trên các lĩnh vực đào tạo đại học, bồi dưỡng cán bộ, nghiên cứu khoa học, kết nối và phục vụ cộng đồng; Học viện hoàn toàn xứng đáng được Đảng, Nhà nước, TƯ Hội LHPN Việt Nam ghi nhận, đánh giá cao; là địa chỉ tin cậy để đông đảo người dân và xã hội biết đến, tin tưởng lựa chọn để phát triển con đường học hành và nâng cao năng lực nghề nghiệp, là đối tác lâu dài để các doanh nghiệp, tổ chức cùng đồng hành, hợp tác", PGS.TS Trần Quang Tiến phát biểu.

Cần chú trọng đầu tư cả 3 trụ cột

Với những nỗ lực về mọi mặt, trong 10 năm qua, Học viện Phụ nữ Việt Nam đã vinh dự đón nhận Huân chương Lao động Hạng Ba năm 2021, 4 Cờ thi đua của Chính phủ và 4 Cờ thi đua của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2015; 6 Bằng khen của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, 2 Bằng khen của Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và hôm nay vinh dự được nhận Bằng khen của Hiệp hội các trường đại học.

Ghi nhận và chúc mừng những thành tích mà Học viện Phụ nữ Việt Nam đã đạt được trong 10 năm thành lập và phát triển, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Việt Nam Đỗ Thị Thu Thảo cho biết: Những năm qua, Đoàn chủ tịch Hội LHPN Việt Nam luôn luôn đồng hành, ủng hộ để Học viện thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, sứ mệnh và sẽ tiếp tục tạo các điều kiện thuận lợi để Học viện Phụ nữ Việt Nam thực hiện tốt sứ mệnh, đó là "đào tạo, bồi dưỡng đào tạo đội ngũ cán bộ Hội LHPN Việt Nam, cán bô nữ trong hệ thống chính trị, tham gia đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đa ngành cho đất nước, thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ có ưu tiên nghiên cứu các lĩnh vực liên quan đến phụ nữ và bình đẳng giới.

Cán bộ, tân sinh viên Học viện Phụ nữ Việt Nam tham dự Lễ kỷ niệm

Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Việt Nam Đỗ Thị Thu Thảo đề nghị Học viện Phụ nữ Việt Nam đầu tư chú trọng cả 3 trụ cột: bồi dưỡng cán bộ, đào tạo và nghiên cứu khoa học. Trong đó, việc bồi dưỡng đội ngũ cán bộ Hội và công tác nghiên cứu khoa học phải gắn chặt với các yêu cầu nhiệm vụ chính trị đặt ra đối với tổ chức Hội theo chủ trương của Đoàn Chủ tịch TƯ Hội. Đối với nhiệm vụ đào tạo, bên cạnh việc gắn với chuẩn chất lượng chung theo yêu cầu chuẩn của Bộ GD&ĐT, phải đặc biệt giáo dục kỹ năng thực hành, thực tập của sinh viên để đáp ứng tốt nhu cầu của xã hội. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý vận hành Học viện, trong tổ chức giảng dạy và đánh giá kết quả học tập. Tăng cường các hoạt động chuyên môn, hoạt động nghiên cứu khoa học, tăng cường năng lực tiếng Anh, năng lực ngoại ngữ cho sinh viên.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Việt Nam Đỗ Thị Thu Thảo phát biểu tại Lễ kỷ niệm

 

Thủ khoa 28,5 điểm: Chọn Học viện với mong muốn trở thành cán bộ Hội

Cùng với hoạt động kỷ niệm 10 năm thành lập, Học viện Phụ nữ Việt Nam cũng tổ chức Lễ khai giảng năm học 2022-2023 để chào đón 1.568 tân sinh viên.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Việt Nam Đỗ Thị Thu Thảo trao học bổng trị giá 5 triệu đồng cho tân thủ khoa Học viện Phụ nữ Việt Nam Lê Thị Hằng

Với số điểm 28,5, Lê Thị Hằng (quê Nghệ An) trở thành thủ khoa của Học viện Phụ nữ Việt Nam năm học 2022-2023. "Với số điểm đạt được, em có thể lựa chọn vào nhiều trường. Thế nhưng, em chọn Học viện Phụ nữ Việt Nam là nguyện vọng 1. Bởi Học viện là nơi đã ấp ủ hy vọng, ước mơ của em về một tương lai tươi sáng. Học viện có truyền thống đào tạo cán bộ Hội, cán bộ nữ làm trong hệ thống chính trị, đào tạo nguồn nhân lực cho xã hội và đất nước. Với niềm mong muốn được trở thành cán bộ Hội để cống hiến cho xã hội, muốn hoàn thiện và phát triển bản thân, em cảm thấy Học viện Phụ nữ Việt Nam là lựa chọn vô cùng phù hợp với em", Lê Thị Hằng chia sẻ.

Hội LHPN Việt Nam

Tin cùng chuyên mục