Hiệu quả các mô hình kinh tế ở An Khang

Khai thác tiềm năng, lợi thế địa phương, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với nhu cầu thị trường, nhiều mô hình phát triển kinh tế ở xã An Khang (TP Tuyên Quang) được bà con nông dân duy trì, mở rộng, mang lại hiệu quả cao.

Thôn An Phúc thời điểm này rợp màu xanh mướt của rau màu trên cánh đồng rộng gần chục ha. Tại đây, do đất ruộng không thuận nước nên người dân chỉ cấy được 1 vụ lúa. Vì vậy, hàng chục năm nay, sau khi gặt lúa xong là bà con bắt tay vào trồng rau màu. Mô hình trồng rau màu trên đất 1 vụ lúa đã giúp nhiều hộ gia đình trong thôn thoát nghèo và xây được nhà ở khang trang. Chị Nguyễn Thị Tâm, cho biết, gia đình chị có hơn 3 sào ruộng. Năm nào cũng vậy, sau khi thu hoạch lúa là chị và bà con trong thôn tất bật làm đất trồng các loại rau cải ngọt, cải bắp và trồng cà chua. Theo chị Tâm, làm rau màu tốn nhiều công hơn trồng lúa nhưng lại cho thu nhập cao hơn gấp 7 - 10 lần. Cụ thể, chị trồng rau màu thu được hơn 10 triệu đồng/sào và thêm 1 vụ cà chua thu được hơn 20 triệu đồng/sào. Từ trồng rau màu đã giúp gia đình chị có thêm thu nhập hơn 70 triệu đồng/năm. Trong đó, chi phí chỉ chiếm khoảng 10%. Chị Tâm bảo, số tiền này chị tiết kiệm để xây nhà. Sau nhiều năm tích cóp, đến nay gia đình chị đã xây dựng được ngôi nhà 2 tầng khang trang.


Mô hình nuôi vịt của gia đình ông Dương Tất Toàn, thôn An Lộc B, xã An Khang (TP Tuyên Quang)
 cho thu nhập 200 - 300 triệu đồng/năm.

Nghỉ tay chăm ruộng cà chua, anh Lê Đức Giang, thôn An Phúc bảo, gia đình anh trồng 3,5 sào cà chua và rau cải trái đào. Rau cải trái đào là giống rau mới được khách hàng ưa chuộng, ước tính khi thu hoạch được 10 - 15 triệu đồng. Từ trồng rau, gia đình có thêm thu nhập 70 - 80 triệu đồng/năm. Để cây trồng cho năng suất, chất lượng tốt, bà con trong thôn bảo nhau chăm bón theo hướng an toàn, hạn chế thuốc trừ sâu và phân bón hóa học. Vì vậy, rau sản xuất đến đâu là thương lái mua hết đến đó.

Trên địa bàn xã hiện có nhiều mô hình kinh tế cho thu nhập cao như mô hình chăn nuôi gà đỏ Đồng Dầy. Đây là giống gà đỏ được nhập từ Duy Tiên (Hà Nam). Khi ăn da gà có độ giòn, mùi thơm đặc trưng, khác hẳn với những giống gà phổ biến hiện nay nên được thị trường ưa chuộng. Trong xã có 3 mô hình nuôi gà theo quy mô gia trại. Trong đó, mô hình nhà ông Nguyễn Hồng Thái, thôn An Lộc A là hộ đầu tiên nuôi gà đỏ trên địa bàn xã. Để duy trì và phát triển đàn con giống, gia đình ông Thái đã tự tạo giống, tỷ lệ gà ấp thành công đạt 80%. Hàng năm, ông Thái duy trì nuôi 2.000 con. Khi xuất chuồng, gà có trọng lượng khoảng 2,5 kg/con, giá thị trường là 150 nghìn đồng/kg. 

Nhiều năm nay, mô hình nuôi ong lấy mật của HTX Chăn nuôi ong Phong Thổ đã mang lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân. Mô hình đã giúp 23 thành viên trong HTX có doanh thu trung bình 500 - 750 triệu đồng/năm. Nhiều hộ làm giàu từ nuôi ong như hộ ông Trần Văn Tuyến, Lê Tiến Tuân, thôn Phúc Lộc A; ông Lê Việt Khanh, thôn Phúc Lộc B... Ngoài ra, xã đã hỗ trợ người dân thành lập Tổ hợp tác trồng nhãn chất lượng cao với 14 thành viên, có doanh thu từ 100 - 200 triệu đồng/vụ.

Đồng chí Dương Bình Công, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã An Khang cho biết, từ năm 2015 đến nay, phong trào phát triển kinh tế trên địa bàn xã có nhiều khởi sắc. Ngoài các mô hình kinh tế, trong năm 2020 xã lựa chọn mô hình trồng 2 sào nho Hạ Đen của gia đình ông Đinh Ngọc Quân, thôn Phúc Lộc B cho thu nhập 70 - 90 triệu đồng/sào... là mô hình mẫu trong xây dựng nông thôn mới. Toàn xã hiện có hơn 100 mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, trong đó có hơn 20 mô hình có thu nhập bình quân 300 triệu đồng/năm, các mô hình còn lại có thu nhập từ 100 - 200 triệu đồng/năm. Hiện thu nhập bình quân của xã đạt 42 triệu đồng/người/năm. Đây là điều kiện tạo đà để xã đạt tiêu chí về thu nhập trong xây dựng nông thôn mới nâng cao vào năm 2023.

Theo Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục