Hội chợ Thương mại - Du lịch Tuyên Quang năm 2020: Cơ hội quảng bá sản phẩm đặc trưng

UBND tỉnh vừa tổ chức Hội chợ Thương mại - Du lịch. Đây là dịp để các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), thương nhân trong và ngoài tỉnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm, giúp người tiêu dùng tiếp cận sản phẩm uy tín, chất lượng. Đồng thời, giúp doanh nghiệp, HTX mở rộng thị trường và tăng cường xúc tiến thương mại - du lịch.


Khách hàng xem hàng hóa tại Hội chợ.

Hội chợ Thương mại - Du lịch tỉnh tổ chức từ ngày 29-10 đến 4-11 tại Trung tâm Hành chính thành phố, phường An Tường. Hội chợ có 250 gian hàng của trên 150 tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã, thương nhân trong và ngoài tỉnh tham gia. Hàng hóa được trưng bày, giới thiệu tại hội chợ đa dạng, phong phú với các sản phẩm như hàng thủ công mỹ nghệ, đồ gia dụng, thời trang; nông sản, thủy hải sản, thực phẩm chế biến. Các địa phương trong tỉnh đều tuyển chọn sản phẩm hàng hóa đặc trưng gắn với địa danh của địa phương, trong đó có nhiều sản phẩm đã đăng ký nhãn hiệu và được công nhận OCOP như: Lạc nhân xã Phúc Sơn, chè Pà Thẻn, xã Linh Phú, cam sành Hàm Yên, bưởi Đức Ninh, bún khô Đà Vị, chè Shan tuyết Hồng Thái; mật ong Phong Thổ, xã An Khang...

Chị Hoàng Mai Trang, Chủ tịch Hội LHPN xã Phú Bình (Chiêm Hóa) cho biết, sản phẩm của Hội Phụ nữ Chiêm Hóa đưa đến hội chợ khá đa dạng từ nông nghiệp đến tiểu thủ công nghiệp. Đây là dịp để huyện quảng bá các sản phẩm đặc trưng của địa phương, gắn liền với đời sống nhân dân như gạo, sản phẩm chăn nuôi, mây tre đan, rau rừng... Không ít sản phẩm đặc trưng của địa phương rơi vào tình trạng “cháy” hàng như bánh gai Chiêm Hóa, rau dớn, trứng gà, đỗ nương, rau bò khai...

Bà Phạm Thị Thêm, tổ 10, phường Nông Tiến (TP Tuyên Quang) cho biết, hàng hóa được bày bán tại hội chợ đa dạng, mẫu mã đẹp, giá rẻ, có rất nhiều nông sản đặc sản vùng miền như rau rừng, mắm cá, mắm thịt. Điều quan trọng sản phẩm là hàng Việt Nam, có nguồn gốc xuất xứ nên yên tâm khi sử dụng. 


Khách hàng tham quan và chọn mua sản phẩm chè xanh Làng Bát tại Hội chợ.

Chị Tôn Nữ Kim Ánh, đại diện Công ty nước mắm Ba Làng (Thanh Hóa) cho biết, công ty bán hàng tại hội chợ đạt doanh thu  từ 10 - 15 triệu đồng/ngày, cao gấp nhiều lần so với bán tại địa phương. Đặc biệt, qua hội chợ, đơn vị được làm quen với nhiều doanh nghiệp trong khu vực và quảng bá sản phẩm ở các tỉnh bạn. Việc trưng bày, mua bán sản phẩm trong hội chợ còn giúp người tiêu dùng biết đến thương hiệu nước mắm Ba Làng, giúp doanh nghiệp tạo dựng hình ảnh gần gũi với khách hàng. 

Anh Vũ Quốc Vương, Hội Gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ (Bắc Ninh) cho biết, Tuyên Quang có nguồn khách hàng tiềm năng, nhưng chỉ một số ít người biết đến sản phẩm Đồng Kỵ. Vì vậy, đây là cơ hội cho doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu và đưa sản phẩm đến gần hơn với khách hàng Tuyên Quang. 

Trong 5 ngày tham gia hội chợ, HTX Nông lâm nghiệp Kim Phú (Yên Sơn) bán được trên 4 tạ mỳ gạo và gạo chất lượng cao Kim Phú. Anh Dương Đình Nhất, Phó Giám đốc HTX Nông lâm nghiệp Kim Phú cho biết, sản phẩm của HTX chủ yếu bán cho khách hàng trên địa bàn thành phố, còn rất nhiều khách hàng chưa biết đến sản phẩm của HTX. Qua hội chợ giới thiệu sản phẩm mỳ gạo và gạo chất lượng cao của địa phương đến với khách hàng trong và ngoài tỉnh.

Ông Đỗ Trung Kiên, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh cho biết, Hội chợ Thương mại - Du lịch tạo cơ hội để các doanh nghiệp, HTX, địa phương giới thiệu, quảng bá sản phẩm đặc trưng đến với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Qua đó, kích cầu thương mại, du lịch, trao đổi hàng hóa trong nước và xuất khẩu sau dịch Covid-19. Đồng thời, thúc đẩy Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tạo cơ hội tốt để các địa phương giới thiệu tiềm năng du lịch đến với các công ty lữ hành, khách du lịch. Thông qua hội chợ lựa chọn được sản phẩm đặc sắc, tiềm năng trong tỉnh tham gia giới thiệu, quảng bá tại Hội nghị kết nối giao thương giữa nhà cung cấp với các doanh nghiệp, xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại diễn ra tại Hà Nội ngày 6-11 này. 

Theo Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục