Kết nối tiêu thụ để phát triển vùng bưởi hàng hóa hiệu quả

Vùng trồng bưởi hàng hóa trên 4.000 ha tại huyện Yên Sơn đã mở ra cơ hội làm giàu cho nhiều hộ dân. Tuy nhiên, yếu tố quan trọng nhất hiện nay vẫn là kết nối tiêu thụ bảo đảm ổn định đầu ra cho sản phẩm, tránh tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa, dẫn đến phế canh hoặc phát triển nóng như một số cây trồng khác.

Vùng bưởi hàng hóa hiện tập trung nhiều tại xã Xuân Vân, Phúc Ninh, Lực Hành, Thắng Quân và ở một số xã trên địa bàn huyện Yên Sơn. Cây bưởi đã mang lại giá trị kinh tế tương đối cao cho người dân. Nhiều hộ thoát nghèo, trở thành điển hình trong phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, tiêu biểu như hộ ông Nguyễn Văn Giàu ở thôn Ao Dăm, xã Phúc Ninh; Trần Quân ở thôn Hòn Vang, xã Thắng Quân…


Người dân xã Phúc Ninh (Yên Sơn) trồng bưởi cho thu nhập cao. Ảnh: Quốc Việt

Đồng chí Phạm Ninh Thái, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Yên Sơn nhấn mạnh, huyện đã quy hoạch phát triển vùng bưởi, chỉ cho phép mở rộng diện tích đến dưới 5.000 ha, không để tình trạng phát triển nóng, dẫn đến cung vượt cầu, ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Huyện đã làm việc với các xã phát huy vai trò của hợp tác xã nông lâm nghiệp trong việc kết nối tiêu thụ sản phẩm cho người dân, trong đó sản phẩm bưởi của huyện hiện đã có mặt ở nhiều thị trường trong và ngoài tỉnh như Hà Nội, Phú Thọ, Hưng Yên, Hải Phòng...

Thời điểm này người dân Yên Sơn đã vào mùa thu hoạch bưởi. Theo nhận định của các hợp tác xã nông nghiệp, giá bưởi năm nay ổn định, dao động từ 12 đến 25 nghìn đồng/quả hoặc kg tùy loại và chất lượng bưởi. Ông Tạ Hữu Quang, Giám đốc Hợp tác xã trái cây hữu cơ xã Phúc Ninh cho biết, hợp tác xã đứng ra kết nối với các thương lái đến từ khắp các tỉnh, thành phố bao tiêu sản phẩm cho người trồng bưởi. Mặc dù vậy, người dân vẫn bị ép giá vì chất lượng bưởi của xã chưa thực sự vượt trội so với nhiều nơi khác. Định hướng trong thời gian tới, xã đẩy mạnh sản xuất bưởi theo hướng hữu cơ, hiện mới có khoảng 70 ha bưởi hữu cơ trong tổng số hơn 1.000 ha bưởi toàn xã. Ông Quang nhấn mạnh, cái khó nhất của việc kết nối tiêu thụ sản phẩm hiện nay là việc sản xuất còn mang tính đơn lẻ, mạnh ai người làm, thiếu liên kết nên sản phẩm làm ra vẫn bị thương lái ép giá. Theo ông Quang, vấn đề đặt ra là người trồng bưởi cần phải tham gia hợp tác xã để xây dựng mối liên kết chặt chẽ từ cung ứng giống, phân bón đến tiêu thụ sản phẩm. Hợp tác xã sẽ mở rộng diện tích trồng bưởi hữu cơ, đây là xu hướng tất yếu để thu hút người dân tham gia. Tuy nhiên, thời gian đầu gặp không ít khó khăn, bởi thói quen sản xuất cũ vẫn đè nặng trong tập quán canh tác của các hộ trồng bưởi. Hợp tác xã tiếp tục thực hiện tuyên truyền, vận động, lấy hiệu quả kinh tế từ bưởi hữu cơ để thu hút người dân tham gia hợp tác xã. Cá nhân ông Quang cũng chuyển đổi 12 ha bưởi của gia đình sang sản xuất theo hướng hữu cơ bước đầu đã mang lại hiệu quả, được các bạn hàng ở nhiều nơi đặt mua tại vườn. Đây là yếu tố quan trọng để liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho người dân trong thời gian tới.


Gia đình ông Lý Viết Thủy, thôn Soi Hà năm nay thu 12.000 quả bưởi Soi Hà. Ảnh: Quang Hòa

Xuân Vân là “cái nôi” của vùng bưởi Yên Sơn, nhưng việc liên kết tiêu thụ sản phẩm cũng gặp không ít khó khăn, hầu hết phụ thuộc vào tư thương đến từ các tỉnh, thành phố trong cả nước. Đây là khẳng định của ông Phạm Trung Văn, Giám đốc Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Xuân Vân. Ông Văn cho rằng, bưởi Xuân Vân đã có thương hiệu nhưng việc kết nối tiêu thụ sản phẩm theo hợp đồng như các sản phẩm khác thì chưa thực hiện được. Điều này rất rủi ro, người trồng bưởi rất dễ rơi vào tình cảnh được mùa mất giá, được giá mất mùa. Thực tế này cũng không tránh khỏi đối với sản phẩm bưởi vì chưa có kết nối tiêu thụ sản phẩm. Hợp tác xã không đủ năng lực tài chính để ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho người dân, do đó phải phụ thuộc vào thương lái, khi nào còn phụ thuộc vào thương lái thì khó tránh khỏi rủi ro. Do đó, trong thời gian tới, hợp tác xã mong muốn nhận được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương nâng cao tiềm lực tài chính, quản trị để thực hiện tốt kết nối tiêu thụ sản phẩm cho người dân.

Thực tế người dân tự kết nối với thương lái để tiêu thụ sản phẩm bưởi nên thường trực nỗi lo về giá bán. Ông Nguyễn Văn Giàu, thôn Ao Dăm, xã Phúc Ninh là người nổi tiếng trồng nhiều bưởi nhất vùng với 16 ha cây ăn quả, trong đó có 10 ha bưởi. Năm 2018, ông vinh dự được Chương trình Sao Thần nông của Đài Truyền hình Việt Nam trao tặng Cúp lưu niệm. Ông Giàu khẳng định, giá trị cây bưởi mang lại đã được khẳng định nhưng việc tiêu thụ sản phẩm chưa mang tính bền vững nên người nông dân luôn phải đối mặt với cảnh được mùa mất giá, mất mùa giá cao. Theo ông Giàu, vấn đề đặt ra là chính quyền địa phương và doanh nghiệp phải vào cuộc để giúp người dân tổ chức sản xuất hiệu quả, nhất là khâu tiêu thụ sản phẩm, giúp người nông dân làm giàu bền vững trên chính mảnh đất của mình.

Kết nối tiêu thụ sản phẩm là yêu cầu đặt ra từ thực tiễn sản xuất. Làm tốt điều này giúp người nông dân gắn bó với đồng đất, vươn lên làm giàu, thực hiện tốt mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Thực tế, trên địa bàn tỉnh có nhiều sản phẩm đã được kết nối tiêu thụ hiệu quả như gỗ rừng trồng, chè, mía… Mong rằng, trong thời gian tới, chính quyền huyện Yên Sơn và các xã vùng bưởi kết nối được với các siêu thị, doanh nghiệp, đưa sản phẩm bưởi đến với các thị trường khó tính, bảo đảm gia tăng giá trị sản phẩm cho người nông dân.        

Theo Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục