Sơn Dương phát triển vùng dưa chuột

Thành công từ mô hình sản xuất dưa chuột tại 2 xã Vĩnh Lợi, Văn Phú, huyện Sơn Dương đã triển khai nhân rộng mô hình này. Mô hình có sự liên kết sản xuất giữa người dân và HTX, doanh nghiệp nên bước đầu đem lại hiệu quả, mở ra hướng phát triển kinh tế cho người dân.

Anh Nguyễn Văn Đoan, thôn Gò Hu, xã Vĩnh Lợi là người đầu tiên trồng dưa chuột trong xã cho biết, từ năm 2010, gia đình trồng 6 sào dưa chuột, đạt 2 tấn/sào. Tuy nhiên, do không có thị trường tiêu thụ nên sản phẩm của gia đình chỉ bán lẻ tại các chợ, nhiều vụ dưa được mùa nhưng lại mất giá. Từ khi có HTX Giống gia cầm Minh Tâm liên kết với người dân bao tiêu sản phẩm hiệu quả, cuối năm 2019, anh Đoan liên kết với HTX trồng 1 ha dưa. Chỉ sau 40 ngày  chăm sóc, 1 ha dưa cho thu hoạch 52 tấn. Anh Đoan cho biết, vụ đầu tiên do phải mất nhiều chi phí mua vật tư làm giàn, nên với giá bán 5.000 đồng/kg gia đình thu lãi 100 triệu đồng/vụ (3 tháng). Năm nay anh Đoan trồng mới 2 ha, ước sản lượng sẽ đạt 54 tấn/ha.


Người dân thôn Đa Năng (Tú Thịnh) kiểm tra sâu bệnh hại dưa chuột.

Vừa kết thúc đợt thu hoạch dưa chuột, ông Nguyễn Đức Lung, thôn Đa Năng, xã Tú Thịnh cho biết, do trồng và chăm sóc theo đúng quy trình, kỹ thuật nên cây dưa chuột phát triển rất tốt. 6 sào dưa chuột của gia đình cho thu hoạch hơn 10 tấn, thu lãi hơn 35 triệu đồng, cao gấp 5 lần so với trồng lúa, ngô. Sau vụ đầu tiên, ông Lung nhận thấy cây dưa chuột dễ trồng, thích nghi tốt với đất ruộng. Hơn nữa, trồng loại cây này không lo đầu ra cho sản phẩm, thu hái đến đâu HTX Giống gia cầm Minh Tâm thu mua đến đó. Thời gian tới, gia đình tiếp tục nâng tổng diện tích trồng dưa lên 8 sào. 

Mô hình trồng dưa trên địa bàn huyện được HTX Giống gia cầm Minh Tâm phối hợp với Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp kinh doanh hàng nông sản An Hòa liên kết trồng và tiêu thụ sản phẩm. Tháng 11-2019 mô hình sản xuất 3,5 ha dưa chuột được trồng thử nghiệm thành công tại 2 xã Vĩnh Lợi, Văn Phú. Vụ xuân 2020, huyện mở rộng diện tích trồng 19,7 ha dưa chuột tại 6 xã Vĩnh Lợi, Thượng Ấm, Tú Thịnh,  Văn Phú, Tân Trào, Trung Yên. Toàn bộ diện tích này đang cho thu hoạch, dự kiến sản lượng bình quân đạt hơn 50 tấn/ha.

Sau gần 1 năm triển khai, mô hình đã mang lại hiệu quả bước đầu, sản lượng trung bình đạt hơn 50 tấn/ha, giá bán ổn định 5.000 đ/kg, trung bình mỗi ha doanh thu trên 250 triệu đồng/chu kỳ sản xuất (3 tháng). Vụ đông 2020, toàn  huyện mở rộng diện tích trồng dưa lên 45 ha, với hơn 100 hộ dân tham gia. Huyện phấn đấu đưa diện tích dưa chuột đạt 150 ha trong thời gian tới.

Ông Trần Văn Phúc, Giám đốc HTX Giống gia cầm Minh Tâm cho biết, để mở rộng diện tích trồng dưa chuột, HTX đã phối hợp với các xã xây dựng các mô hình nhỏ để bà con được đến tận nơi học hỏi kinh nghiệm, nâng cao trình độ thâm canh. Sau khi ký hợp đồng với người dân, HTX cung cấp giống, vật tư, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, đảm bảo cây dưa sinh trưởng, phát triển tốt, sản phẩm đạt tiêu chuẩn thu mua. HTX cũng ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cho người dân theo giá thị trường.

Bà Nguyễn Thị Tuyến, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sơn Dương cho biết, ngay từ đầu vụ, phòng đã tập trung vận động người dân chuyển đổi đất ruộng 1 vụ bấp bênh, đất soi bãi sang trồng dưa chuột. Mặt khác, phòng phối hợp với HTX tổ chức các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật trong trồng dưa chuột; chỉ đạo các xã giám sát bà con nông dân thực hiện nghiêm túc các điều khoản với doanh nghiệp bao tiêu. Đồng thời, địa phương khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vào địa bàn đầu tư, ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho người dân.

Hiện tại, cùng với việc tiếp tục mở rộng diện tích trồng dưa chuột, huyện đang định hướng cho bà con nông dân thực hiện quy trình trồng và chăm sóc dưa chuột theo hướng sản xuất hữu cơ, để có sản phẩm bảo đảm an toàn cung ứng cho người tiêu dùng. 

Theo Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục