Trồng rau vụ đông “một vốn bốn lời”

Phát triển cây vụ đông, đặc biệt là cây rau đông giống, rau đông thương phẩm đang mang lại hiệu quả kinh tế rất cao cho nhiều hộ nông dân.

Nhiều năm nay, người dân thôn Ninh Thái, xã Thái Hòa (Hàm Yên) coi cây rau vụ đông là cây trồng chính, mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất trong sản xuất nông nghiệp. Ông Lê Văn Tình, Trưởng thôn Ninh Thái cho biết, thôn có 76 hộ, thì có đến 75 hộ trồng rau vụ đông, nhà ít thì vài trăm m2, nhà nhiều đến gần 1 ha. Các loại rau được trồng chủ yếu là su hào, bắp cải, súp lơ, mướp ngọt, mướp đắng, dưa leo và các loại rau gia vị như hành, rau mùi, cần tây... Thời điểm này, mỗi ngày, người dân thôn Ninh Thái cung cấp ra thị trường 1-2 tấn rau các loại, thu về hàng chục triệu đồng.


Người dân xã Hoàng Khai (Yên Sơn) chăm sóc dưa vụ đông.

Gia đình ông Lê Văn Đoàn là một trong những hộ có diện tích cây rau đông lớn nhất thôn Ninh Thái cho biết, ngay khi thu hoạch lúa mùa xong là gia đình tiến hành làm đất gieo trồng rau đông sớm. Dù trồng trong thời điểm nối vụ (giữa vụ hè thu và đông xuân), thời gian sinh trưởng ngắn, song rau đông cho thu nhập cao hơn 2,5 - 3 lần so với một số cây trồng khác. Ông Đoàn tính, với 0,4 ha rau đông như rau cải, đậu đỗ, dưa leo... cho thu gần 40 triệu đồng/vụ, trừ chi phí giống, công, phân bón, lãi khoảng 30 triệu đồng. Người dân Ninh Thái bỏ một vốn thu bốn lời từ rau đông - ông Đoàn khẳng định.

Người dân xã Hoàng Khai (Yên Sơn) cũng có thu nhập khá cao từ trồng rau đông trong thời điểm nối vụ. Ông Tạ Văn Nghĩa, thôn Nghiêm Sơn cho biết, không riêng ông, hàng chục hộ thôn Nghiêm Sơn giữ truyền thống trồng cây vụ đông, đặc biệt là rau cần. Ông Nghĩa bảo, mỗi sào rau cần từ lúc cấy đến lúc thu hoạch 35 - 40 ngày, cho thu 8 - 10 triệu đồng/sào, vụ đông cấy quay vòng 2 đợt, thu từ 16 - 20 triệu đồng/sào, gấp 4-5 lần cây lúa và nhiều cây trồng vụ đông khác.

Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, điều kiện đất đai, thời tiết, khí hậu của tỉnh phù hợp với rất nhiều loại rau khác nhau và có chất lượng, nhất là các loại rau, củ đặc trưng theo mùa. Toàn tỉnh hiện có khoảng 8.000 ha cây vụ đông, tăng khoảng hơn 1.000 ha so với năm 2019, tập trung nhiều nhất ở 3 huyện Sơn Dương, Yên Sơn và Hàm Yên, trong đó chủ yếu là rau vụ đông. Sản lượng rau, củ, quả vụ đông của tỉnh đạt 96.000 tấn. Giá trị kinh tế từ canh tác rau, đặc biệt là rau vụ đông đang đứng đầu trong nhóm cây trồng hàng năm của tỉnh.

Đánh giá của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, sản xuất rau vụ đông mang lại giá trị kinh tế cao, tuy nhiên diện tích vẫn còn manh mún, thiếu kết nối giữa sản xuất với tiêu thụ. Hiện tại hầu hết các vùng chuyên canh rau của tỉnh vẫn chưa có đầu mối tiêu thụ tập trung, sản phẩm rau sản xuất ra bà con vẫn phải bán lẻ, hạn chế trong thu hoạch và bảo quản nên giá cả thiếu ổn định.

Nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm rau, củ vụ đông, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ bà con nông dân tại một số vùng chuyên canh rau lớn thực hiện quy trình sản xuất rau VietGAP, rau hữu cơ. Sở cũng đề xuất UBND tỉnh đánh giá, công nhận các vùng sản xuất rau tập trung, sản xuất rau theo tiêu chuẩn, quy chuẩn VietGAP. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác sản xuất rau, củ ứng dụng kỹ thuật, đầu tư làm nhà màng, nhà kính, lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm, tưới tự động, thực hiện sản xuất rau, củ theo tiêu chuẩn. Đồng thời, kết nối tìm kiếm bạn hàng tiêu thụ sản phẩm, nâng cao hơn nữa giá trị kinh tế từ canh tác cây rau, củ, trong đó có cây rau vụ đông cho người dân nông thôn.   

Theo Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục