Chung tay hành động vì bình đẳng giới và khơi dậy khát vọng phát triển của phụ nữ, trẻ em dân tộc thiểu số

Đây là một trong những cam kết được Ủy viên BCH TW Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga nhấn mạnh tại sự kiện truyền thông “Khát vọng phát triển của phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số” và khai mạc Triển lãm “Khát vọng Phát triển” diễn ra tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam do Hội LHPN Việt Nam tổ chức, tối 25/11.
 Các đại biểu lắng nghe những chia sẻ của đại diện phụ nữ dân tộc thiểu số tiêu biểu tham dự chương trình

Tham dự sự kiện có các đồng chí: Hà Thị Nga, Ủy viên BCH TW Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam; Hầu A Lềnh, Ủy viên BCH TW Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy Ban Dân tộc, Phó trưởng ban Chỉ đạo TW các chương trình MTQG cùng đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể TW và Hà Nội, các tổ chức quốc tế, đoàn ngoại giao và một số phụ nữ dân tộc thiểu số tiêu biểu. 

Sự kiện “Khát vọng phát triển của phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số”   

Sự kiện “Khát vọng phát triển của phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số” được tổ chức nhằm cung cấp các thông tin và kết quả bước đầu của Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” (Dự án 8) thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), giai đoạn 2021 – 2030. Đồng thời, sự kiện cũng là hoạt động khơi dậy tinh thần trách nhiệm, vận động sự vào cuộc của các cấp, các ngành và của toàn xã hội trong việc thực hiện bình đẳng giới và giải quyết các vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ, trẻ em dân tộc thiểu số; khích lệ, tạo điều kiện để phụ nữ, trẻ em dân tộc thiểu số tiếp tục nỗ lực vươn lên và phát triển bền vững với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”. 

Chủ tịch Hà Thị Nga phát biểu khai mạc chương trình 

Phát biểu tại chương trình, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga cho biết: “Trong thời gian qua, Hội LHPN Việt Nam đã có cơ hội gặp gỡ nhiều chị em phụ nữ dân tộc thiểu số. Họ là những cán bộ thôn, bản, những cô giáo vùng cao, y bác sỹ, những người nông dân, nữ doanh nhân, giám đốc HTX, chủ trang trại… Ở lĩnh vực nào, chị em đều luôn nỗ lực vươn lên vượt khó, làm chủ cuộc sống. Cùng với các lực lượng phụ nữ Việt Nam, phụ nữ các dân tộc thiểu số luôn sáng lên niềm tin và khát vọng vào một tương lai tươi đẹp. Các chị đang tiếp tục tô thắm thêm truyền thống và phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam, xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc anh em, góp phần quan trọng xây dựng quê hương, đất nước ngày một phát triển”. 

Chủ tịch Hà Thị Nga tin rằng, mỗi đại biểu sẽ hiểu hơn về đời sống, tình cảm cùng những những ước mơ hạnh phúc chính đáng của phụ nữ, trẻ em và để cùng nhau cam kết “chung tay hành động vì bình đẳng giới”, “thay đổi nếp nghĩ, cách làm”, “xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới”, “khơi dậy khát vọng phát triển của phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số”. 

Tọa đàm Tiếng nói của phụ nữ” với các khách mời là Hoa Hậu Hoàn Vũ Việt Nam 2017 - H’Hen Niê; cô gái H’Mông khởi nghiệp thành công với mô hình du lịch cộng đồng - Sùng Y Múa; cô gái dân tộc Tày đạt giải Đạo diễn xuất sắc tại LHP tài liệu QT Amsterdam - Hà Lệ Diễm; Cô gái Khmer truyền cảm hứng khởi nghiệp – Thạch Thị Chal Thi - Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Trà Vinh FARM (Sokfarm) và Thạc sĩ nghệ thuật đầu tiên và duy nhất của người Chăm – Nữ hoạ sĩ Chế Kim Trung

Tại chương trình, đã diễn ra buổi Tọa đàm “Tiếng nói của phụ nữ” là những câu chuyện về hành trình chinh phục ước mơ và khát vọng của 5 diễn giả là những gương phụ nữ DTTS điển hình, đại diện cho các chị em dân tộc thiểu số Việt Nam đã vươn lên mạnh mẽ, nỗ lực vượt qua định kiến giới, và khẳng định giá trị bằng tài năng, tri thức; lan tỏa tinh thần tích cực trong cộng đồng; góp phần dựng xây quê hương, đất nước… Các diễn giả đã chia sẻ về những cách thức vượt qua hủ tục lạc hậu có hại; định kiến giới, khuôn mẫu giới để thực hiện ước mơ, hoài bão của bản thân đồng thời truyền cảm hứng cho phụ nữ, trẻ em  trong cộng đồng dân tộc thiểu số nỗ lực học tập, tiến bộ để có cuộc sống tốt đẹp hơn và làm giàu trên mảnh đất quê hương mình.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đánh giá cao sự chủ động, tích cực của TW Hội LHPN Việt Nam trong việc ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn triển khai Dự án 8 tới các địa phương và triển khai các hoạt động hỗ trợ phụ nữ, trẻ em vùng DTTS

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đánh giá cao sự chủ động, tích cực của TW Hội LHPN Việt Nam trong việc ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn triển khai Dự án 8 tới các địa phương và triển khai các hoạt động cụ thể theo yêu cầu của Chương trình. “Dự án 8 đã được TW Hội LHPN Việt Nam thiết kế với nhiều hoạt động hỗ trợ, xây dựng mô hình tuyên truyền, vận động thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” xóa bỏ các định kiến, khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng; nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ; các hoạt động đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em DTTS trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội... hướng tới góp phần thực hiện thành công mục tiêu bình đẳng giới và giải quyết có hiệu quả một số vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào DTTS và miền núi”, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh nhận định. 

Ông đề nghị, TW Hội LHPN Việt Nam cần tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án 8; chủ động theo dõi, giám sát, đánh giá thực hiện bình đẳng giới trong quá trình triển khai Dự án; chỉ đạo Hội phụ nữ các cấp phối hợp với các bộ, ngành TW thực hiện tốt các hoạt động để đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu của Dự án, đồng thời lồng ghép giới vào các Dự án, TIểu Dự án do bộ, ngành chủ trì; phối hợp nguồn lực giữa các Dự án trong Chương trình DTTS và MN và Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới. 

Tiết mục văn nghệ tại chương trình

Bình đẳng và Phát triển luôn là khát vọng mạnh mẽ và là một hành trình bền bỉ để đi tới hạnh phúc trọn vẹn của những người phụ nữ, nhất là phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số. Hội LHPN Việt Nam luôn đồng hành cùng các lực lượng phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ yếu thế, phụ nữ ở địa bàn khó khăn trong tiến trình thực hiện khát vọng phát triển và bình đẳng. Trong giai đoạn tới, Hội LHPN Việt Nam tiếp tục hành trình chung tay đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho phụ nữ, trẻ em dân tộc thiểu số và miền núi với vai trò là cơ quan chủ trì thực hiện Dự án 8.  

Các đại biểu gạt cần khai mạc Triển lãm "Khát vọng Phát triển"

Triển lãm “Khát vọng Phát triển” 

Trong khuôn khổ chương trình cũng đã diễn ra lễ khai mạc Triển lãm “Khát vọng Phát triển” do Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam thực hiện và được trưng bày tới ngày 09/12/2022 với 3 chủ đề: “Rào cản cuộc sống”; “Sự thay đổi và điều mong đợi”; “Vì một niềm hạnh phúc trọn vẹn” cùng những câu chuyện về việc nhà, sinh kế, về những vấn đề xã hội như: tảo hôn; tục “nối dây”, gánh nặng kép trong gia đình mẫu hệ…  

Các đại biểu tham quan Triển lãm “Khát vọng Phát triển” do Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam thực hiện và được trưng bày tới ngày 09/12/2022 

Triển lãm sẽ giúp người xem hiểu rõ hơn những thực trạng, rào cản, định kiến giới và khó khăn trong cuộc sống đang diễn ra tại nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số mà phụ nữ và trẻ em phải đối mặt và cảm nhận sâu sắc khát vọng phát triển, khát vọng cống hiến, sự thay đổi mạnh mẽ của những người phụ nữ trong thực hiện ước mơ, khẳng định những giá trị bản thân. Chất liệu chính của triển lãm là những hình ảnh, thước phim sống động, câu chuyện được sẻ chia chân thực tại địa bàn 4 tỉnh: Điện Biên, Quảng Bình, Gia Lai và Sóc Trăng - 4 trong 51 tỉnh, thành vùng đồng bào DTTS&MN triển khai các mô hình của Dự án 8. 

Một số hình ảnh tại Triển lãm “Khát vọng Phát triển” 

 

* Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, 1 trong 10 dự án thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ, và trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới. 

Dự án được thiết kế chú trọng 4 nội dung can thiệp đó là: (1) Tuyên truyền, vận động thay đổi "nếp nghĩ, cách làm" xóa bỏ các định kiến, khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại và một số vấn đề xã hội cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; (2) Xây dựng và nhân rộng các mô hình nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em; (3) Đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế xã hội, giám sát và phản biện xã hội, nâng cao năng lực cho cán bộ nữ dân tộc thiểu số; (4) Nâng cao năng lực thực hiện lồng ghép giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị và già làng/trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng. 

Một số kết quả bước đầu trong triển khai thực hiện Dự án 8: Tổ chức Hội nghị hướng dẫn triển khai Dự án 8 tới các bộ, ngành và địa phương, với sự tham gia của khoảng 700 đại biểu; Tổ chức các lớp tập huấn TOT hướng dẫn triển khai các mô hình, hoạt động thực hiện của dự án tới 51 tỉnh, thành địa bàn Dự án, với 13 lớp tập huấn, cho khoảng hơn 700 đại biểu là lãnh đạo, cán bộ Hội LHPN tỉnh, các Sở, ngành liên quan tham dự; Xây dựng khoảng 2.200 áp phích tuyên truyền và 10 chương trình sitcom, phát trên truyền hình và chuyên trang điện tử... 

 
 

Theo Hội LHPN Việt Nam

Tin cùng chuyên mục