Kỷ niệm 77 năm Cách mạng Tháng Tám: Phụ nữ Tuyên Quang tích cực giữ gìn và phát huy mạch nguồn truyền thống

Thời gian qua, phụ nữ Tuyên Quang trở thành nhân tố tích cực trong việc giữ gìn bản sắc văn hoá các dân tộc, tham gia tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử Cách mạng, di tích lịch sử văn hóa; góp phần giữ gìn và vun đắp truyền thống quê hương Cách mạng, Thủ đô khu giải phóng - Thủ đô kháng chiến.
 
 Truyền nghề dệt thổ cẩm đồng bào Dao (Thanh Y) cho thế hệ trẻ ở thôn Éo, xã Phúc Ninh, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: TTXVN

Công tác tuyên truyền, vận động giáo dục truyền thống Cách mạng với hội viên, phụ nữ là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp Hội LHPN tỉnh Tuyên Quang thời gian qua. 

Bà Nguyễn Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Tuyên Quang, chia sẻ: Tuyên Quang là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, có vị trí chiến lược quan trọng, nơi diễn ra những sự kiện lịch sử trọng đại của Cách mạng, dân tộc. 

Tháng 5/1945, Bác Hồ chuyển từ Cao Bằng về Tuyên Quang để chỉ đạo phong trào Cách mạng cả nước. Người đã chọn xã Tân Trào làm Thủ đô Khu giải phóng, căn cứ địa Cách mạng của cả nước. Tại đây, Trung ương Đảng và Bác Hồ đã có những quyết định quan trọng, lãnh đạo thành công cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước tháng 8/1945.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, cơ quan TƯ Hội LHPN Việt Nam đã đặt trụ sở làm việc tại thôn Nà Lá, xã Xuân Quang, huyện Chiêm Hóa (từ tháng 7/1950 đến cuối năm 1951); tiếp đó dời trụ sở về thôn Lũng Búng, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương (từ năm 1952 đến năm 1954) và đã lãnh đạo phụ nữ cả nước tích cực tham gia kháng chiến, lập nhiều thành tích vẻ vang, góp phần xứng đáng vào thắng lợi vĩ đại trong cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc.

Phụ nữ là nhân tố tích cực trong việc giữ gìn bản sắc văn hoá các dân tộc của tỉnh Tuyên Quang. Ảnh minh họa

Vùng Thủ đô Khu giải phóng đã trở thành "địa chỉ đỏ" để giáo dục truyền thống đấu tranh Cách mạng cho phụ nữ, nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang nói riêng và cả nước nói chung. Trong mạch nguồn truyền thống Cách mạng oanh liệt ấy, phụ nữ các dân tộc Tuyên Quang vẫn luôn gìn giữ, phát huy phẩm chất, đạo đức Cách mạng trong sự nghiệp xây dựng đất nước ngày nay. 

Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ tỉnh Tuyên Quang nhiệm kỳ 2021-2026, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp Hội tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động, giáo dục truyền thống Cách mạng gắn với việc vận động hội viên, phụ nữ tham gia thực hiện phong trào "Xây dựng người phụ nữ Tuyên Quang có trí tuệ, có trách nhiệm với gia đình và cộng đồng, có khát vọng vươn lên"; rèn luyện phẩm chất đạo đức "Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang"; đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Cùng với đó, kịp thời quán triệt, tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của TƯ Hội LHPN Việt Nam, của tỉnh.

Để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ này, theo bà Nguyễn Thị Thanh Xuân, thời gian qua, Hội LHPN tỉnh luôn có định hướng nội dung tuyên truyền hằng tháng cho các cấp Hội trong tỉnh; coi trọng hoạt động tuyên truyền nhân kỷ niệm ngày lễ lớn, sự kiện quan trọng của đất nước, của địa phương. Cụ thể, tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên phụ nữ tham gia các cuộc thi tìm hiểu lịch sử: Tìm hiểu "60 năm nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam", "Tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam", "Bác Hồ với Tuyên Quang - Tuyên Quang với Bác Hồ", "Tuyên Quang 190 năm hình thành và phát triển (1831-2021)"... Chú trọng tuyên truyền, vận động thực hiện việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đăng ký "làm theo Bác" từ những việc gần gụi nhất như: mô hình tiết kiệm, thu gom rác thải nhựa bảo vệ môi trường, giúp nhau phát triển kinh tế, xóa nghèo, phòng, chống dịch.

Cùng với đó, các cấp Hội LHPN tỉnh Tuyên Quang không ngừng đổi mới, sáng tạo, phối hợp với chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống Cách mạng bằng các hoạt động phong phú như: Hội thảo, tọa đàm, nói chuyện truyền thống Cách mạng; các hoạt động văn hoá, văn nghệ ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương, đất nước; các hoạt động về nguồn tại các khu di tích lịch sử Cách mạng…

Theo Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Tuyên Quang, thời gian qua, phụ nữ Tuyên Quang trở thành nhân tố tích cực trong việc giữ gìn bản sắc văn hoá các dân tộc, tham gia tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử Cách mạng, di tích lịch sử văn hóa. Phụ nữ tích cực tham gia bảo tồn, phát huy các giá trị phi vật thể của các dân tộc thiểu số trong tỉnh như: Các làn điệu dân ca, nhạc cụ dân tộc, nghi lễ cấp sắc của người Dao, hát Then - đàn tính, hát Páo dung; tham gia các lễ hội truyền thống như: Lễ hội Lồng tông, lễ hội nhảy lửa, lễ hội thành Tuyên…

Theo Hội LHPN Việt Nam

Tin cùng chuyên mục