Lưu giữ nghề dệt thổ cẩm ở Nà Chang

Với đôi tay khéo léo và sự sáng tạo, hội viên phụ nữ ở thôn Nà Chang, xã Khuôn Hà (Lâm Bình) vẫn đang hàng ngày dệt nên những sản phẩm thổ cẩm nhiều màu sắc, được đông đảo du khách đón nhận. Qua đó, không chỉ tạo thêm nguồn thu nhập cho chị em, mà còn góp phần lưu giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc.
 

Chị Ma Thị Chấp, Nhóm trưởng Nhóm sở thích dệt thổ cẩm thôn Nà Chang, xã Khuôn Hà cho biết, để nghề dệt thổ cẩm truyền thống không bị mai một, năm 2022, thôn đã thành lập Nhóm sở thích dệt thổ cẩm là các chị em thuộc Chi hội Phụ nữ, Chi hội Nông dân của thôn. Hiện nhóm có 15 thành viên thuộc các lứa tuổi khác nhau tham gia. Các thành viên có người đã dệt thành thạo, có người mới học dệt, nhưng trên hết mọi người đều say mê với nghề đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo và cũng phải luôn sáng tạo này.  

 Du khách tìm hiểu các sản phẩm của Nhóm sở thích dệt thổ cẩm thôn Nà Chang, xã Khuôn Hà (Lâm Bình).

Mỗi thành viên trong nhóm đều có khung dệt để có thể tranh thủ dệt tại nhà. Có chị thạo dệt khăn, có chị thạo dệt chăn… mọi người tự phân chia công việc, cùng tranh thủ những lúc rảnh rỗi để làm. Sản phẩm hoàn thành được Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện nhận bao tiêu sản phẩm. Ngoài ra, các sản phẩm còn được trưng bày tại các homestay ở địa phương, các gian hàng tại hội chợ để giới thiệu sản phẩm đến du khách gần xa. Chị Quan Thị Chất, thành viên của nhóm dệt chia sẻ, tham gia từ khi nhóm được thành lập, đến nay chị đã dệt được 30 chiếc khăn thổ cẩm. Chị em đều tranh thủ làm thêm bằng niềm đam mê với mong muốn giữ gìn nghề truyền thống, để nhiều người biết đến các sản độc đáo của dân tộc mình.

Đặc biệt, trong nhóm không chỉ có các bà, các mẹ đã biết dệt thành thạo, mà còn thu hút các bạn trẻ tham gia. Em Lương Thị Chiến, sinh năm 1986, thành viên trẻ nhất trong nhóm cho biết, em đã thích nghề dệt từ lâu nhưng chưa có thời gian để học. Vì vậy, khi nhóm thành lập, em đã đăng ký tham gia. Những ngày đầu, em thấy chân tay cứng, rất khó dệt, nhưng chỉ sau 1 tuần được mọi người hướng dẫn tỉ mỉ em đã biết dệt và cảm thấy rất thích. Không chỉ dệt theo mẫu, hiện nay em còn tự mình nghĩ ra một số hoa văn mới để sản phẩm thêm phong phú, đẹp mắt hơn.

Phụ nữ thôn Nà Chang, xã Khuôn Hà (Lâm Bình) dệt thổ cẩm.

Với tình yêu nghề, những chiếc khăn, chiếc chăn, túi thổ cẩm có chữ Lâm Bình, Tuyên Quang, Việt Nam… đa dạng màu sắc đã được nhiều du khách lựa chọn mua làm quà, hoặc sử dụng như một kỷ niệm đẹp khi đến với mảnh đất Lâm Bình. Hy vọng rằng, trong thời gian tới với sự phát triển của du lịch địa phương, những chiếc khăn, chiếc túi... của Nhóm sở thích dệt thổ cầm thôn Nà Chang, xã Khuôn Hà (Lâm Bình) sẽ trở thành sản phẩm du lịch độc đáo được nhiều du khách lựa chọn. Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn.

Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục