Muốn xây dựng chế độ xã hội mới phải giải phóng phụ nữ

“Phụ nữ là phân nửa xã hội, muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội phải giải phóng phụ nữ, thực hiện nam - nữ bình quyền”, đó là lời khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi nói đến vai trò to lớn của phụ nữ trong đời sống xã hội. Nhân dịp kỷ niệm 112 năm ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3/1910 - 08/3/2022) - ngày biểu dương cho ý chí đấu tranh của phụ nữ trên khắp thế giới vì độc lập dân tộc, dân chủ, hòa bình và tiến bộ xã hội, bài viết xin đúc kết một số nội dung quan trọng trong tư tưởng của Hồ Chí Minh về giải phóng phụ nữ, thực hiện nam - nữ bình quyền và cùng suy nghĩ về vai trò người phụ nữ Việt Nam hiện nay.

Giải phóng phụ nữ, thực hiện nam - nữ bình quyền là một trong những mục tiêu quan trọng của cách mạng và phải được tiến hành trên tất cả lĩnh vực của đời sống xã hội.

Nhận thức rõ những nỗi thống khổ cũng như vai trò to lớn của phụ nữ trong xã hội, từ rất sớm, Hồ Chí Minh đã coi giải phóng phụ nữ, thực hiện nam - nữ bình quyền là một trong những mục tiêu quan trọng của cách mạng Việt Nam, là một trong những nhân tố quyết định nhằm bảo đảm thắng lợi cho công cuộc giành độc lập dân tộc và xây dựng xã hội mới. Giải phóng phụ nữ - bản thân nó cũng là một cuộc cách mạng, là một trong những mục tiêu lớn của cách mạng, luôn gắn với sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp. “Bây giờ toàn dân ta ai cũng muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội. Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội phải làm gì? Nhất định phải tăng gia sản xuất cho thật nhiều. Muốn sản xuất nhiều thì phải có nhiều sức lao động. Muốn có nhiều sức lao động thì phải giải phóng sức lao động của phụ nữ. Nói phụ nữ là nói phân nửa của xã hội. Nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng một nửa loài người. Nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng chủ nghĩa xã hội chỉ một nửa”[[1].

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm hỏi chị em dân công lao động đào mương

chống hạn ở Từ Liêm, Hà Nội, ngày 16/12/1958. Ảnh Tư liệu.

Muốn giải phóng phụ nữ, trước hết phải giải phóng họ khỏi sự trói buộc của tư tưởng trọng nam khinh nữ, khỏi sự bất công ngay trong chính gia đình của mình. Giải phóng phụ nữ từ trong gia đình phải đi liền với giải phóng phụ nữ về mặt xã hội và nâng cao vị thế của phụ nữ trong xã hội. Tham gia vào công việc xã hội, tham gia làm chủ đất nước là quyền lợi, đồng thời là trách nhiệm to lớn mà phụ nữ phải “hăng hái nhận lấy”. Giải phóng phụ nữ về mặt kinh tế, trọng tâm là giải phóng sức lao động của phụ nữ, không chỉ tạo thêm cho người phụ nữ những cơ hội phát triển tài năng, trí tuệ của mình mà còn đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế quốc dân trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội đòi hỏi ngày càng nhiều nguồn nhân lực. Giải phóng phụ nữ về mặt chính trị thể hiện cụ thể ở quyền tham gia các hoạt động chính trị, tham gia các tổ chức chính trị, trở thành cán bộ lãnh đạo, quản lý một cách bình đẳng với nam giới.

Giải phóng phụ nữ, thực hiện nam - nữ bình quyền là nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước và bản thân chị em phụ nữ.

Giải phóng phụ nữ, thực hiện nam - nữ bình quyền không chỉ trông chờ vào Đảng, Chính phủ, vào nam giới, vào các giai cấp, tầng lớp khác trong xã hội, mà phụ thuộc phần lớn vào chính phụ nữ: “Về phần mình, chị em phụ nữ không nên ngồi chờ Chính phủ, chờ Đảng ra chỉ thị giải phóng cho mình mà tự mình phải tự cường, phải đấu tranh”[2].

Trải qua hàng nghìn năm dưới chế độ phong kiến, những chuẩn mực đạo đức khắc nghiệt và tư tưởng trọng nam khinh nữ đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi con người Việt Nam. Điều này đã khiến cho phụ nữ hình thành tâm lý tự ti, đầu óc phụ thuộc bởi thân phận của mình. Ngay cả khi đã được giải phóng, một bộ phận không nhỏ phụ nữ trong xã hội luôn cho rằng mình thua kém nam giới và không thể gánh vác những công việc xã hội. Họ nghĩ rằng mình vẫn chỉ phù hợp với những công việc nội trợ trong gia đình, chăm sóc chồng và con cái để người đàn ông yên tâm làm việc. Cũng bởi tâm lý tự ti, phụ thuộc của chính bản thân phụ nữ đã làm cho việc thực hiện bình đẳng giới và ngăn chặn bạo lực gia đình trở nên khó khăn hơn. Sinh thời,Hồ Chí Minh luôn động viên phụ nữ vượt qua tâm lý tự ti, vượt khỏi tư tưởng an phận, động viên họ mang những khả năng của mình tham gia và đóng góp cho các công việc xã hội. Phụ nữ phải phấn đấu, học tập, tự tin, tự giải phóng mình về tình cảm, tâm lý, trí tuệ và hành động. “Muốn làm tròn nhiệm vụ vẻ vang đó, phụ nữ ta phải xóa bỏ cái tâm lý tự ti và ỷ lại; phải có ý chí tự cường, tự lập; phải nâng cao lên mãi trình độ chính trị, văn hóa, kỹ thuật”[3]; làm cho mọi người đều thấy được khả năng và đóng góp của phụ nữ, lúc đó sẽ cất nhắc, đề cử vào những vị trí xứng đáng.

Phụ nữ Việt Nam ngày càng có nhiều đóng góp to lớn trong sự nghiệp đổi mới đất nước. Ảnh: Lễ trao Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam năm 2020.

Mặc dù khẳng định rằng, phụ nữ phải là người tự vươn lên để giải phóng mình, thực hiện nam - nữ bình quyền, nhưng Hồ Chí Minh cũng cho rằng, để giành được thắng lợi trong sự nghiệp này, bản thân mỗi con người và toàn thể xã hội cũng cần phải có sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức về tư tưởng thành kiến với phụ nữ. Xóa bỏ tư tưởng trọng nam khinh nữ, tâm lý coi khinh người phụ nữ, một hệ quả tất yếu của xã hội phong kiến truyền thống, là một công việc không hề dễ dàng. Chính vì thế, việc giải phóng phụ nữ, tiến tới nam - nữ bình quyền thực sự là một cuộc cách mạng hết sức lâu dài và khó khăn. Giải phóng phụ nữ không phải là công việc riêng của phụ nữ, mà là công việc quan trọng của Đảng, Nhà nước và toàn thể xã hội.

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về vị trí, vai trò của người phụ nữ và thực hiện nam - nữ bình quyền, cùng với quá trình phát triển của đất nước, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam về phụ nữ, thực hiện quyền bình đẳng cho phụ nữ ngày càng được quan tâm và coi trọng; vị trí và vai trò của người phụ nữ trong đời sống xã hội ngày càng được khẳng định, thừa nhận và tôn vinh. Tuy nhiên, vẫn còn những ý kiến sai lệch cho rằng, bình đẳng giới thì phụ nữ phải làm những công việc dành cho đàn ông. Trên thực tế, thiên chức của nữ giới và nam giới là khác nhau, một số công việc chỉ phù hợp với phụ nữ, không phù hợp với đàn ông và ngược lại. Nữ giới và nam giới sẽ không cảm thấy bất bình đẳng khi mà họ được sống vui vẻ, làm được những gì họ mong muốn trong cuộc đời mình. Mặt khác, cũng có ý kiến cho rằng bình đẳng giới là đấu tranh cho phụ nữ, chống lại đàn ông. Về mặt pháp lý, theo quy định của pháp luật Việt Nam cũng như hầu hết các nước trên thế giới thì bình đẳng giới là đấu tranh cho mọi giới tính, cho tất cả mọi người. Mục tiêu của bình đẳng giới là giới tính, không phải là giới hạn. Trong xã hội hiện nay, đã có nhiều người đàn ông đang phải chịu không ít bất công, hạn chế, khuôn mẫu xuất phát từ giới tính của mình. Những niềm tin đó đang khiến nhiều người phải chịu gánh nặng, không được sống đúng với con người thật của mình. Bình đẳng thực chất chỉ đạt được khi đấu tranh cho những quyền lợi chính đáng của tất cả các giới tính.

Như vậy, tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng phụ nữ, thực hiện nam - nữ bình quyền thể hiện vai trò quan trọng của phụ nữ trong xã hội không chỉ vì họ là lực lượng lao động to lớn, mà còn vì họ là những người tham gia xây dựng, cải tạo xã hội. Sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội sẽ không mang tính cách mạng đầy đủ nếu không thực sự giải phóng phụ nữ, bởi vì, họ là một nửa nhân loại, một nửa xã hội. Lịch sử dân tộc ta cũng đã chứng minh rằng, phụ nữ Việt Nam có thể làm được và làm tốt mọi công việc to lớn mà lịch sử đòi hỏi, đất nước trao cho. Trong sự nghiệp đổi mới đất nước, công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế hiện nay, phụ nữ Việt Nam đang tiếp tục và ngày càng phát huy vai trò của mình trên tất cả các lĩnh vực, đóng góp to lớn vào sự nghiệp chung của cả dân tộc, hướng tới xây dựng thành công nước Việt Nam thịnh thượng, phồn vinh và hạnh phúc.


[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 12, tr. 300.

[2] Sđd, tập 12, tr. 301.

[3] Sđd, tập 13, tr. 59.

vietnamthinhvuong

Tin cùng chuyên mục