Nhạc sỹ Tân Điều với các ca khúc về phụ nữ

Ở Tuyên Quang Nhạc sỹ Tân Điều được biết đến với những ca khúc đã đi vào lòng công chúng. Nhạc sỹ Tân Điều, dân tộc Tày, sinh năm 1949, quê ở xã Tân Trào (Sơn Dương).

Ông từng làm Trưởng Ban Văn nghệ, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh. Nay nghỉ hưu ông tích cực tham gia hoạt động văn hóa nghệ thuật và là Phân hội trưởng Phân hội Âm nhạc, Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh. Trong quá trình sáng tác âm nhạc của mình, nhạc sỹ Tân Điều có nhiều sáng tác, phổ nhạc các bài hát về đề tài người phụ nữ. Hình ảnh các bà, các mẹ, các chị, các em... hiện lên trong nhạc Tân Điều thật trong trẻo, mượt mà, sâu sắc, đằm thắm, thiết tha.


Nhạc sỹ Tân Điều.

Nhạc sỹ Tân Điều cho biết, đến nay ông có khoảng hơn chục tác phẩm sáng tác, phổ nhạc về đề tài người phụ nữ. Mỗi bài mỗi hoàn cảnh và nội dung sáng tác. Nhưng tựu chung lại đều ca ngợi đức tính hy sinh, cần cù, chịu khó, đảm đang, duyên dáng, thông minh của người phụ nữ Việt Nam. Trong bài “Cái bóng của mẹ”, Nhạc sỹ Tân Điều phổ thơ Mã Văn Tính có đoạn: “Địu con lên nương, địu con xuống chợ/Những đứa con của núi, lớn lên trong nắng mưa/Mẹ như thân cây, con như tán lá/Xòe bóng nhỏ xinh xinh, trên lưng của mẹ”...

Hồi đang công tác, Nhạc sỹ Tân Điều tích cực đi vùng sâu, vùng xa. Đi để ông phát hiện ra đề tài hay và có cảm hứng để viết. Ông tập trung khai thác hình ảnh người phụ nữ dân tộc thiểu số. Bài “Cô cán bộ dân số bản ta” nói về cô y tá thôn, bản đi vận động chị em không đẻ con thứ 3. Vì đẻ nhiều nuôi nấng không cẩn thận dẫn đến còi cọc, thất học, nghèo đói. Ông đã vận dụng tài tình chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước vào ca từ bài hát: “Cô cán bộ dân số bản ta chăm lắm, đến từng nhà vận động đẻ nhiều con khổ lắm/Chỉ một, hai con nuôi chúng lớn khôn gia đình hạnh phúc/Cả những điều khó nói ra cô vẫn ghé tai nói nhỏ, cứ thế, cứ thế”...

Một lần đọc thơ Mai Liễu, Nhạc sỹ Tân Điều thấy bài thơ hay, giàu tính nhạc nên quyết định phổ nhạc cho bài thơ. Ca khúc “Con gái bản tôi” ra đời: “Con gái bản tôi sáng sớm tinh mơ, ống “bắng” trên vai bên bờ suối trong/Con gái bản tôi ai ai cũng khéo, nắng rát trên lưng chưa rời rẫy nương...”. Có thể nói Nhạc sỹ Tân Điều sáng tác về đề tài người phụ nữ đều ở các lĩnh vực. Ca ngợi người con gái đi xây dựng vùng kinh tế mới, trồng rừng phát triển ngành lâm nghiệp ông có bài “Em trồng cây cho màu xanh tổ quốc”. Hay cảm thông với những cô giáo gieo chữ nơi rẻo cao, ông phổ nhạc bài “Hạt nắng ban mai” của Mã Văn Tính. Về đề tài người lính, Nhạc sỹ Tân Điều có bài “Em là chiến sỹ giữ kho”. Đến vùng nông thôn ông có cảm xúc viết bài “Em là thôn nữ giỏi giang”. Khi phải điều trị đông y, ông cầm bút phổ nhạc bài “Nghề của em” thơ Bích Vân để ca ngợi y đức, sự cống hiến của các nữ thầy thuốc...

Hình ảnh người phụ nữ trong ca khúc của Nhạc sỹ Tân Điều chiếm vị trí trang trọng. Mỗi năm đến Ngày quốc tế phụ nữ 8-3 ông lại suy tư về người mẹ. Trong đời ai cũng có một người mẹ lam lũ, tần tảo, chịu khó, hy sinh, tình cảm. Bài “Hoa tặng mẹ” thơ Lý Văn Binh, Nhạc sỹ Tân Điều gửi gắm tình cảm của mình vào đó: “Mồng tám tháng ba cả nhà ta bên nhau/Chị bên ta thì ba bên mẹ, ta cắm hoa thì mẹ bên ba”...

Những bài hát về người phụ nữ luôn là đề tài hấp dẫn đối với các văn nghệ sỹ, nhạc sỹ Tân Điều cũng vậy, bằng âm nhạc ông đã khắc họa lên những vẻ đẹp vừa truyền thống, vừa hiện đại của người phụ nữ Việt Nam. Đó cũng là món quà ý nghĩa dành tặng những người bà, người mẹ, các chị, các em, một nửa thế giới của chúng ta.

Theo Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục