Phát triển nguồn nhân lực văn hóa nghệ thuật: Làm sao để thu hút được người tài?

Số lượng sinh viên dự tuyển luôn thiếu, học bổng đào tạo ở nước ngoài thừa nhưng không có người đi - đó là thực tế đang diễn ra với nhiều ngành nghệ thuật hiện nay. Làm thế nào để thu hút được nhân tài, đó là câu hỏi không dễ trả lời.
 

Đội ngũ làm nghệ thuật chuyên nghiệp đang cần được bổ sung nhân lực chất lượng. Ảnh: Nguyễn Thanh Hà

Khủng hoảng thiếu

Phát triển nguồn nhân lực văn hóa nghệ thuật có vai trò quan trọng trong công cuộc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Tuy nhiên, vấn đề xây dựng nguồn nhân lực trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn đang gặp nhiều trở ngại.

Trong một cuộc hội thảo về văn hóa diễn ra vào năm 2022, PGS.TS Đinh Công Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Hà Nội đưa ra số liệu: Tính đến 30-6-2021, tổng số nhân lực ngành Văn hóa, Thể thao, Du lịch là 899.950 người (trong đó, lĩnh vực văn hóa nghệ thuật có 19.751 người). Riêng lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trực tiếp quản lý 12 nhà hát, ngoài ra còn có các nhà hát, đoàn nghệ thuật trực thuộc các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố trên toàn quốc, các công ty trách nhiệm hữu hạn, các sân khấu hoạt động theo mô hình xã hội hóa. Theo số liệu thống kê đến nửa đầu năm 2021, tổng số cán bộ, viên chức và người đang lao động tại 12 đơn vị nghệ thuật thuộc Bộ là 1.316 người... Theo PGS.TS Đinh Công Tuấn, đây là những con số đáng để chúng ta suy nghĩ, cho thấy phần nào sự thiếu hụt về đội ngũ làm nghệ thuật chuyên nghiệp.

NSND Trần Quốc Chiêm, Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội cũng nhận định: “Trong khi truyền hình, điện ảnh đang “nở rộ” những gương mặt trẻ thì sân khấu lại phải đối mặt với bài toán khủng hoảng diễn viên trẻ, nhất là diễn viên tài năng đủ sức để gìn giữ “ngón nghề cha ông”. Theo thống kê của Cục Nghệ thuật biểu diễn, số diễn viên trong độ tuổi 20 - 25 ở các đơn vị sân khấu cả nước chỉ chiếm tỷ lệ 5,6%, từ 25 - 30 tuổi cũng chỉ chiếm 42,3%. Ở Nhà hát Tuồng Việt Nam, phần lớn diễn viên đều đã ngoài 40, 50 tuổi. Trong khi đó, Nhà hát Cải lương Việt Nam có khoảng hơn 30 diễn viên được coi là trẻ thì lượng đào kép chỉ chiếm khoảng 20%. Bất cập dễ nhận thấy là nhiều diễn viên đã hết tuổi làm nghề nhưng chưa đến tuổi về hưu. Cho nên, xét về chỉ tiêu, các đơn vị cơ bản vẫn đủ người, song thực tế thì khan hiếm đến mức báo động nguồn nhân lực sung sức. Ngay với các cuộc thi tìm kiếm tài năng sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc, Nhà nước cũng buộc phải đưa ra quy định về độ tuổi thí sinh tham dự là dưới 33 - lứa tuổi mà ở loại hình nghệ thuật nào cũng không còn được coi là trẻ”.

Các ngành nghệ thuật truyền thống gặp khó khăn trong công tác tuyển sinh.

Khan hiếm ngay từ "đầu vào"

Tình trạng khan hiếm nhân lực trong ngành nghệ thuật biểu diễn có lẽ sẽ còn kéo dài khi đầu vào của các trường cũng đang ở trong tình trạng “hẻo” dù số lượng cơ sở đào tạo khá lớn. Theo PGS.TS Đinh Công Tuấn, hiện nay, cả nước có 40 cơ sở đào tạo trung cấp, cao đẳng, đại học trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, 1 viện nghiên cứu có đào tạo tiến sĩ và khoảng 80 cơ sở công lập và tư thục tham gia đào tạo các ngành trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật.

Tuy nhiên, rất nhiều đơn vị đào tạo không tuyển đủ chỉ tiêu hằng năm, thậm chí có trường phải cho giáo viên nghỉ bớt vì quá ít sinh viên, như Đại học Nghệ thuật Huế; một số trường phải đóng ngành đào tạo vì không có người học. NSND Quốc Chiêm chia sẻ: “Nhiều năm qua, các đơn vị sân khấu truyền thống hàng đầu như Nhà hát Tuồng Việt Nam, Nhà hát Chèo Việt Nam, Nhà hát Cải lương Việt Nam... luôn không tuyển đủ chỉ tiêu về lượng diễn viên. Đó là chưa kể trong thời gian này, nhiều người đã bỏ dở giữa chừng, vì tự thấy không đủ khả năng, hoặc sau khi “suy đi tính lại” đã xin rút để lựa chọn con đường khác. Các trường nghệ thuật đào tạo nguồn nhân lực cho sân khấu truyền thống cũng rất khó tuyển sinh. Đơn cử như Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, nhiều năm qua không có khóa đào tạo diễn viên tuồng vì không có học viên. Tình hình đào tạo diễn viên cải lương, chèo, múa rối khá phập phù, có năm tuyển đủ chỉ tiêu tuyển sinh, có năm không. Việc đào tạo nhạc công cho kịch hát dân tộc cũng buộc phải ngừng bởi không có người học. Các môn biểu diễn nhạc cụ như đàn tì bà, sáo, đàn bầu tại Trường Cao đẳng nghệ thuật Hà Nội hiện cũng không có người đăng ký theo học”.

Xung quanh vấn đề đào tạo tài năng trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch Tạ Quang Đông cho biết: “Hiện nay, trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật không phải không có sự đầu tư của nhà nước mà thực tế đang thiếu người học. Theo Đề án của Bộ Giáo dục và Đào tạo về đào tạo học sinh ở nước ngoài, riêng với Nga, chúng ta có 1.000 suất học bổng hằng năm nhưng không đủ người để đi. Bên cạnh đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có 2 đề án về đào tạo trong nước và cử người đi đào tạo ở nước ngoài. Hằng năm, chúng tôi vẫn tuyển sinh các cháu trong độ tuổi, đáp ứng được yêu cầu chuyên môn về phía Bộ và đơn vị đào tạo ở nước ngoài để đưa đi. Chúng tôi có quan hệ trực tiếp với tất cả các trường đào tạo nghệ thuật nổi tiếng nhất, danh tiếng trên thế giới để cử sinh viên tới học, nhưng số người đáp ứng được yêu cầu không nhiều. Về lĩnh vực điện ảnh thì trong 3 năm vừa qua, chúng tôi đưa được 30 học sinh tới Mỹ, Australia học đại học và trên đại học, âm nhạc cũng vậy. Đối với ngành múa và xiếc, trong năm tới, chúng tôi xúc tiến việc đưa các cháu nhỏ tuổi hơn đi học từ hệ trung cấp”.

“Nguyệt cô hóa cáo” - Bài thi báo cáo tốt nghiệp môn Kỹ thuật biểu diễn của học sinh Học viện Múa Việt Nam. 
Ảnh: Nguyễn Thanh Hà

Tối ưu hóa các nguồn lực

Thực tế, lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn không thiếu những người trẻ tài năng, có thanh, có sắc song họ đang bị thu hút mạnh mẽ vào những lĩnh vực “hot”, dễ thành sao như điện ảnh, ca nhạc, sáng tạo nội dung trên mạng xã hội... Trong khi đó, với nghệ thuật truyền thống, để nổi tiếng thì phải “đổ mồ hôi, sôi nước mắt”, học tập, rèn luyện cả chục năm trời. Ngay cả khi đã đạt được những thành tích nổi bật thì đa số đào, kép chính ở các nhà hát truyền thống vẫn phải tất tả mưu sinh. Nhiều nghệ sĩ ở Nhà hát Cải lương Hà Nội như Hữu Thuyết, Hồng Tuyến... từng kể rằng họ phải làm các nghề không liên quan đến nghệ thuật như chạy xe ôm, bán hàng online... để trang trải cuộc sống. Theo TS Trần Thị Minh Thu, chế độ phụ cấp cho việc luyện tập và biểu diễn dù đã được nâng lên nhưng vẫn ở mức thấp, chưa có tác dụng kích thích, động viên người nghệ sĩ toàn tâm, toàn ý với công việc. Khi nghề chính không nuôi nổi mình thì họ phải đi làm nghề phụ và “chân ngoài dài hơn chân trong”.

Chính vì vậy, vấn đề mấu chốt để thu hút nhân tài hiện nay chính là làm thế nào để họ cảm thấy “có tương lai”, có thu nhập tương xứng với tài năng và cống hiến nghệ thuật. Thực tế, trong những năm qua, Nhà nước đã có chính sách thiết thực hỗ trợ như miễn giảm học phí, chế độ bồi dưỡng nghề và hỗ trợ trang phục, phụ kiện biểu diễn cho học sinh, sinh viên. Chẳng hạn như người học được giảm 70% học phí, được nhận học bổng, hỗ trợ tác phẩm tốt nghiệp... Tuy vậy, trong những năm gần đây, số lượng thí sinh đăng ký vào các ngành nghệ thuật truyền thống vẫn rất èo uột. Ngược lại, theo học chuyên ngành điện ảnh, truyền hình thì phải đóng toàn bộ học phí, làm bài tập tốn kém, nhưng số thí sinh thi vào lại đông.

Ngay từ "Đề cương về Văn hóa Việt Nam" (năm 1943), Đảng ta đã xác định vai trò, sứ mệnh của văn hóa như nguồn lực nội sinh cho phát triển; sự gắn kết của văn hóa với kinh tế, chính trị, xã hội; ý nghĩa trung tâm của con người trong phát triển văn hóa. Từ đó đến nay, Đảng và Nhà nước ta luôn đặt con người ở vị trí trung tâm của phát triển văn hóa, luôn coi giáo dục là quốc sách hàng đầu với rất nhiều chế độ, chính sách hỗ trợ cho giáo dục văn hóa, nghệ thuật. Tuy nhiên, sự thay đổi về thị hiếu của khán giả cũng đang là trở ngại lớn trên con đường thu hút nhân tài để phát triển nghệ thuật, đặc biệt là các loại hình nghệ thuật truyền thống. Chính vì vậy, muốn giải bài toán này thì cần thực hiện rất nhiều biện pháp nhằm tối ưu hóa các nguồn lực để chấn hưng nghệ thuật. Khi nghệ thuật hấp dẫn người xem, đời sống nghệ sĩ được đảm bảo thì sẽ hấp dẫn được nhiều người học. Đồng thời, khi thu hút được nhiều tài năng thì nghệ thuật cũng có cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn.

Theo Hanoimoi

Tin cùng chuyên mục