Tiến Bộ đổi thay nhờ xuất khẩu lao động

Trung tâm xã Tiến Bộ (Yên Sơn) giờ đã như một phố thị. Những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát, đường làng, ngõ xóm sạch đẹp, người xe ra vào tấp nập, nhộn nhịp. Để có được như ngày hôm nay nhờ những năm qua xã có nhiều người đi xuất khẩu lao động đã gửi tiền về làm giàu cho gia đình, góp phần xây dựng quê hương ngày càng phát triển.
 

"Thôn Đài Loan"

Tân Biên 1 còn được bà con trong xã gọi là "Thôn Đài Loan". Là bởi thôn có 168 hộ thì có đến 30 hộ có người đi xuất khẩu lao động. Đồng chí Nguyễn Thị Nguyệt, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Tân Biên 1, phấn khởi chia sẻ,  nhiều hộ trước kia thuộc hộ nghèo nhưng sau khi có người đi xuất khẩu lao động trở về đã thoát nghèo, thành hộ khá, giàu.

Gia đình bà Lê Thị Chanh, thôn Tân Biên 1, là hộ có 3 người con đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan. Bà Chanh cho biết, hơn chục năm về trước gia đình bà thuộc hộ nghèo, thiếu đất canh tác, nhà lại đông con. Để cải thiện đời sống gia đình bà đã bàn với các con, nếu các con không học đại học thì mẹ cho đi xuất khẩu lao động nước ngoài, có như vậy thì gia đình mình mới thoát nghèo được.

Nhờ huyện, xã có những buổi tuyên truyền kết nối với các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ xuất khẩu lao động có uy tín, chất lượng, năm 2011, bà đã dành một phần vốn của gia đình và vay của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện 50 triệu đồng cho cậu con trai cả là anh Trần Xuân Trường, xuất khẩu lao động đi Đài Loan.

Gia đình bà Lê Thị Chanh, thôn Tân Biên 1, xã Tiến Bộ (Yên Sơn) phát triển kinh tế chăn nuôi ong, trồng rừng.

Sau 3 năm, cậu cả đã gửi tiền về cho gia đình trả nợ và cho em trai út Trần Văn Sơn sang Đài Loan cùng. Đến nay con trai cả của bà đi xuất khẩu được 11 năm, người con út được 8 năm, người con dâu là chị Đoàn Thị Quy được 4 năm. Bình quân mỗi năm các con bà gửi về được 500 – 600 triệu đồng. Kể về các con mình bà Chanh tự hào nói, từ ngày con trai, con dâu đi làm ăn xa, cứ mỗi ngày 2 lần các con gọi điện bằng Zalo hỏi thăm sức khỏe ông bà, bố mẹ.

Hàng tháng còn chuyển tiền về cho bà gửi tiền tiết kiệm và đầu tư phát triển kinh tế. Nhờ các con đi xuất khẩu lao động mà gia đình bà đã có vốn làm kinh tế, hiện nay bà có 100 đõ ong, 4 ha rừng, mỗi năm từ nguồn thu nhập này bà có trên 200 triệu đồng/năm. Bà Chanh khoe với chúng tôi, bà đang hoàn thiện ngôi nhà nữa để cho vợ chồng con trai cả khi về nước có nhà riêng để ở ngay gần trung tâm thôn, ngôi nhà này hoàn thiện xong cũng trên 1,5 tỷ đồng.

Năm 2016, ngoài số tiền dành dụm được, ông Đỗ Minh Phi, thôn Tân Biên 1, vay mượn thêm họ hàng hơn 100 triệu đồng cho con trai Đỗ Như Quỳnh đi lao động tại Đài Loan. Trong câu chuyện với chúng tôi, anh Quỳnh con trai ông Phi cũng chia sẻ về cuộc sống bên Đài Loan, từ việc sinh hoạt hàng ngày, đến những người đồng hương xa quê, cho đến mối quan hệ với người dân bên nước sở tại.

Gia đình ông Đỗ Minh Phi, thôn Tân Biên 1, xã Tiến Bộ (Yên Sơn) mô hình chăn nuôi trâu

Anh Quỳnh bảo, ban đầu sang cũng gặp nhiều khó khăn vì mình chưa quen hết được tiếng của họ, rồi ăn ở sinh hoạt khác hẳn so với ở nhà. Dần dần thì anh cũng bắt nhịp được công việc và cuộc sống. Anh chỉ mong làm có chút vốn về quê hương lập nghiệp, rồi đầu tư cho bố mẹ chăn nuôi phát triển kinh tế gia đình. Niềm vui là sau 6 năm bên nước bạn, đầu năm 2023 anh đã trở về quê hương. Có chút vốn anh cùng bố mẹ chăn nuôi, làm vườn, rồi sẽ mở rộng cửa hàng làm máy xay xát phục vụ cho bà con trong thôn. 

Trong câu chuyện với đồng chí Nguyệt, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Tân Biên 1, chúng tôi được biết, khoảng những năm 2010, thôn bắt đầu có người đi xuất khẩu lao động với mong muốn thay đổi cuộc sống gia đình. Thôn có 30 hộ gia đình có người đi xuất khẩu lao động, thì có 28 hộ đi Đài Loan, còn 2 hộ đi Nhật Bản. Nhờ vậy mà đến nay toàn thôn chỉ còn 5 hộ nghèo, nhiều hộ xây được nhà đẹp đầy đủ tiện nghi, kinh doanh buôn bán, mua xe ô tô.

Công trình phúc lợi đường bê tông, xã Tiến Bộ (Yên Sơn) có một phần đóng góp của những người con đi lao động xuất khẩu.

Hướng đi đúng

Đồng chí Trần Văn Sự, Phó Chủ tịch UBND xã Tiến Bộ cho biết, phong trào đi xuất khẩu lao động ở xã bắt đầu từ những năm 2010, ban đầu chỉ vài hộ, nhưng khi thấy một số hộ kiếm được tiền gửi về cho gia đình, xây dựng nhà cửa, mua sắm tài sản có giá trị thì mọi người bảo nhau đi nhiều. Đến nay toàn xã có trên 50 người đi xuất khẩu lao động chủ yếu ở các nước Malaysia, Đài Loan, Dubai, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga. Trong năm 2022, xã có 8 lao động xuất khẩu; 3 tháng đầu năm 2023, có 2 lao động xuất khẩu.

Để công tác xuất khẩu lao động đạt hiệu quả hơn, cấp ủy đảng và chính quyền xã tăng cường công tác tuyên truyền, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp đến tuyển sinh, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động phù hợp với nguyện vọng của nhân dân. Đồng thời để đảm bảo cho người lao động đi làm việc tại nước ngoài theo đúng thủ tục, xã thực hiện việc chứng thực hồ sơ theo đúng quy định pháp luật, tránh làm ảnh hưởng tới việc xuất khẩu của người lao động. Xã luôn khuyến khích thanh niên trẻ đi xuất khẩu lao động, coi đây là giải pháp để nâng cao thu nhập cho nhân dân và động lực kinh tế xã hội ngày càng phát triển. 

Nhiều ngôi nhà xây cao tầng ở xã Tiến Bộ (Yên Sơn) được xây dựng khang trang là nhờ vào xuất khẩu lao động

Đồng chí Nguyễn Văn Chính, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Trung Tâm cho biết, trên địa bàn thôn có 15 người đi xuất khẩu lao động ở các nước với công việc cơ khí, nấu ăn, nhà xưởng… Hằng tháng mỗi lao động gửi về quê cho gia đình từ 500-1.000USD, số tiền này sẽ được gia đình xây dựng nhà cửa, gửi tiết kiệm, đầu tư làm kinh tế. Điều đáng trân trọng khi những lao động trở về đã đóng góp một phần tiền kiếm được để chung sức xây dựng quê hương như nâng cấp đường thôn, các công trình phúc lợi, một số lại đầu tư mở xưởng sản xuất gỗ, cơ khí, chạy dịch vụ xe tải giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.

Xuất khẩu lao động đã giúp cho xã Tiến Bộ có sự thay da đổi thịt, đời sống vật chất ngày càng nâng lên, góp phần xây dựng nông thôn mới cho địa phương. 

Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục