Vẻ đẹp phụ nữ qua thi ca

Người phụ nữ từ bao đời luôn là cội nguồn sáng tạo nghệ thuật. Là một nửa nhân loại, họ muôn đời vẫn luôn là nguồn cảm hứng bất tận thăng hoa cho các thi sỹ.

Mỗi tác giả khai thác hình tượng phụ nữ ở những khía cạnh khác nhau nhưng tất thảy đều ca ngợi vẻ đẹp nội lực tiềm ẩn của người mẹ, người chị, người vợ… Dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, họ luôn biết hy sinh, biết vươn lên tìm kiếm hạnh phúc cho người khác và cho bản thân mình.


Đoàn viên Công đoàn viên chức tỉnh hưởng ứng Tuần lễ mặc áo dài Việt Nam do 
Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động. Ảnh: Tôn Dương.

Hình tượng người mẹ trong thơ Mai Liễu là một người mẹ Tày tần tảo làm lụng, yêu thương và thầm lặng hy sinh cho con cái: “Mẹ còm cõi như quê nghèo ven núi/Sớm tối ra vào góc bếp lui cui...” (Gọi vía). Với ông, mẹ bao giờ cũng là nguồn suối trong trẻo mát lành cho những đứa con tha hồ ngụp lặn trong những trưa hè oi ả của cuộc đời: “Tình vẫn đầy như nguồn suối ấy/Thỏa thuê ta vục buổi hè oi ả”. (Mưa chiều).

Đến với bài thơ Khi tôi lớn, độc giả bắt gặp những câu thơ khá tinh tế khi nói về sự vất vả người mẹ quê nghèo: “Mẹ tôi làm ruộng/Mồ hơi rơi dọc xá cày/Như người tra hạt”. Một cách cảm nhận rất riêng, mồ hôi ở đây đã thành hạt giống trao vào đất. Phải chăng, giọt mồ hôi của mẹ đang cựa quậy trong đất, hồi sinh mầm chồi, nhú lên một mùa vàng đầy hứa hẹn. 

Cùng chung cảm xúc bất tận về “nửa thế giới”... trong hành trình sáng tạo văn chương, nhà thơ Nguyễn Tuấn đã dành thời gian viết về người mẹ bằng những tình cảm trân trọng nhất, yêu thương nhất: “Tay cầm dải yếm mẹ ơi/Bắc cầu con bước bời bời gió mưa/Dải yếm mẹ bắc từ xưa/Một bên bờ lở mẹ chờ con thôi” (Dải yếm). Hình ảnh “dải yếm” xuyên suốt trong bài thơ - ẩn dụ cho vẻ đẹp, sự mềm mại, bền bỉ, tảo tần của người đàn bà. Chỉ đọc 4 câu thơ nhưng cũng đủ để độc giả thấu cảm những hy sinh, vất vả mà người mẹ dành cho con cái suốt năm tháng chông chênh cuộc đời.

Trong đôi mắt người đàn ông, người phụ nữ luôn hiện hữu với vẻ đẹp riêng có. Họ luôn là nguồn cảm xúc mạnh mẽ để một nửa còn lại thể hiện sự chở che, trao gửi lời yêu thương. Nhiều người từng nói, nhà thơ là những kẻ lãng mạn, đa tình và si tình nhất thế gian; Ngọc Hiệp cũng không ngoại lệ. Ông mang cái lãng mạn, bay bổng, khờ khạo của một chàng trai mới yêu; mang say mê, đắm đuối và cả chút vội vàng, luyến tiếc vào những trang thơ chất chứa bao xúc cảm. Đứng bên dòng sông Đáy, ông mênh mang nỗi nhớ yêu thương: “Ơi dòng sông Đáy xanh/Như tóc dài em chải/Một lần anh chạm phải/Suốt cuộc đời không quên”  (Tình yêu sông Đáy).


Vẻ đẹp phụ nữ luôn là mạch nguồn sáng tác trong tác phẩm thi ca.
Ảnh: Lê Đức (Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh).

Đúng là “vẻ đẹp phụ nữ không nằm trên má hồng mà nằm trên đôi mắt kẻ si tình”, dường như, đối với những người đang yêu mọi điều xung quanh cuộc sống đều đẹp tuyệt vời. Trong  thơ Tạ Bá Hương tình yêu anh dành cho người con gái thật tha thiết, say mê. Những câu thơ anh miêu tả đầy sức gợi: “Bến quê chiều nao em gánh nước/Bắp chân tròn in dấu trăng trên quê” (Chiều sông quê).

Nhiều người đọc bảo, trong thơ Tạ Bá Hương có họa, anh vẽ những nét vẽ văn chương tinh tế, hình ảnh núi rừng và người thiếu nữ hòa quyện tạo nên bức tranh thật đẹp: “Váy áo của cô gái bản/Đính vào triệu triệu hạt trăng” (Làm mùa). Và rồi người thi sỹ ấy si tình mãi: “Gặp nhau giữa phố đông người/Tôi yêu mê mải nụ cười của em/Nắng chiều ai đổ thêm men/Hình như cọng cỏ xanh mềm dưới chân...” (Khi phố không em).

Qua các thi phẩm, độc giả nhận thấy các tác giả xứ Tuyên thể hiện thành thật tình yêu, lòng biết ơn, sự tôn vinh người phụ nữ. Hình ảnh “một nửa của thế giới” mãi là nguồn cảm hứng bất tận cho văn nghệ sỹ hôm nay và mai sau.

Theo Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục