Về Quan Hạ nghe tiếng hát thần tiên

Tiếng Ới la vi vút trong gió ngàn. Quan Hạ như dịu đi trong cái nắng đầu hè chao chát. Những thành viên trong Câu lạc bộ hát Then đàn Tính Quan Hạ, Trung Yên (Sơn Dương) như quên thời tiết, người hát người múa, say sưa...

Nên duyên nhờ tiếng Then

Ở tuổi 65, nhưng bà Ma Thị Lệ vẫn giữ được nhiều nét duyên từ thời con gái. Nước da mịn màng, và đặc biệt, giọng hát vẫn trong và ngọt như thuở đôi mươi. Chỉnh chiếc đàn Tính cho đúng tông, bà Lệ cất giọng hát lại bài Then Hoa của núi:  

Ới la
Anh đã đến một vùng núi cao
Gặp em trong hương sắc gieo tình
Dạo bước xuân say khắp ngàn hoa
Nụ cười em nắng lên sưởi ấm đất trời...

Ngày còn trẻ, những người phụ nữ Tày như bà Lệ tranh thủ lúc làm đồng, lại cất lên tiếng Then, Lượn Cọi... để vơi bớt mệt mỏi. Người ở ruộng này cất giọng, người bên thửa kia đối đáp, nỗi mệt nhọc khi làm đồng cũng nhờ thế mà tan biến.
Ở làng, nhiều đôi nên duyên nhờ những lời đối đáp trong lúc lao động như thế. Như vợ chồng bà, cũng thành vợ thành chồng nhờ “phải lòng nhau” trong tiếng Then, tiếng Cọi.

Các thành viên Câu lạc bộ hát Then đàn Tính Quan Hạ.

Sau này, sinh con đẻ cái, cuộc sống cơm áo gạo tiền vất vả quá, bà Lệ cũng như những phụ nữ ở Quan Hạ “quên” mất tiếng Then trong cuộc sống của mình. Chỉ khi con cái lớn lên, nỗi nhớ lời hát của mẹ của cha lại ùa về. Bà Lệ lập một nhóm các bà các mẹ còn luyến nhớ tiếng hát truyền thống để cùng sinh hoạt.

Bà Ma Thị Lệ, Trần Thị Yên, Đàm Thị Trọng, Đàm Thị Thơm, Đàm Thị Hương, Đàm Thị Vui, Ma Thị Nguyệt, đều đã ở độ tuổi 50, 60, cứ mỗi cuối tuần lại họp nhau ở nhà bà Lệ để ôn lại những làn điệu cũ.

Bà Nguyệt, năm nay 56 tuổi bảo, tiếng Then với người dân tộc Tày quan trọng lắm. Người già bảo nhau, nó là tiếng hát của thần tiên truyền lại. Ngày bà còn trẻ, hát Then diễn ra trong đủ mọi hoàn cảnh, từ lao động sản xuất, đến chuyện tình yêu, ma chay, cưới hỏi... Ở cái tuổi ngũ tuần, được hát lại lời hát của tuổi mười tám, đôi mươi, bà Nguyệt cười ví von, bảo mình như được sống lại những ngày tuổi trẻ ấy, chẳng biết có phải vì thế mà những bệnh tuổi già như đau lưng mỏi gối... mấy năm nay cũng không tìm đến bà nữa.

Câu lạc bộ 3 thế hệ

Nhóm của bà Lệ sinh hoạt tự phát được 2 năm, thì phát triển lên thành Câu lạc bộ hát Then đàn Tính. Công này, nhờ vào cô con gái của làng - Đàm Thanh Hiền. Hiền sinh năm 1993. Năm 2018, được tham gia vào lớp truyền dạy Then, đàn Tính của nghệ nhân Hà Thuấn, nghệ nhân Chu Văn Thạch, Hiền thấy tiếc những làn điệu đã mất của quê mình lắm.

Những buổi được cùng mẹ tham gia vào nhóm hát của bà Ma Thị Lệ, Hiền quyết tâm phải nâng tầm nhóm lên thành Câu lạc bộ. Những lời bài hát mới, Hiền kết nối với các nghệ nhân trong và ngoài tỉnh sáng tác. Hiền cũng dành thời gian đến nhà những người già trong bản, sưu tầm lại những lời Then cổ.

Hiền khoe, giờ trong cuốn sổ tay của mình đã có nhiều bài Then cổ như Cung bướm pây tàng (Cung bướm đi đường), Bản noọng tỏn xuân (Bản em đón xuân), Cung ve sầu, Bảy sắc cầu vồng... Những ngày nhóm sinh hoạt Câu lạc bộ, Hiền rủ thêm người già, người trẻ đến cùng chung vui.

Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đàm Thanh Hiền và các thành viên nhỏ tuổi.

Cách làm này đã giúp số lượng người tham gia ngày càng đông. Từ 7-8 người ban đầu, giờ đã lên 22 người. Đặc biệt, Câu lạc bộ có đủ mọi lứa tuổi, từ 8-9 tuổi đến gần 70. Một tuần 2 lần, thứ 5 và thứ 7, các thành viên Câu lạc bộ hẹn nhau ở Nhà văn hóa để cùng giao lưu, sinh hoạt. Người già dạy người trẻ cách phát âm, luyến láy, người trẻ hướng dẫn người già cách múa đàn, múa quạt...

Cô bé Lương Ngọc Hà năm nay mới 8 tuổi. Hà được bà dẫn đi cùng giao lưu từ những ngày còn sinh hoạt nhóm. Tiếng Then mượt mà ngấm vào em lúc nào không hay. Khi biết cô Đàm Thanh Hiền thành lập Câu lạc bộ và dạy hát Then, đàn Tính cho những người chưa biết, Hà xin bà, xin mẹ cho tham gia ngay. Hà bảo em phải học cả tiếng Tày để phát âm cho chuẩn vì ngày thường chỉ nói tiếng phổ thông, rồi được các cô, các bà dạy đàn, học những bài hát đơn giản...

Chị Phùng Thị Toàn, sinh năm 1975, chị Đào Thị Xuyến, sinh năm 1985 cũng vừa tham gia Câu lạc bộ cách đây không lâu. “Thấy các bà tiếc nuối những ngày trẻ quên lời hát của dân tộc, mình không muốn sau này cũng thế, nên tranh thủ sắp xếp việc nhà để được cùng sinh hoạt... Ham lắm. Vui lắm. Được đi giao lưu như này, mệt mỏi của cả tuần làm việc cũng tan nhanh hơn đấy” - Chị

Những thành viên cao tuổi trong Câu lạc bộ.

Toàn cười giòn giã, khoe với khách.

Đầu năm 2022, khi hoạt động trải nghiệm bơi mảng, hát Then đàn Tính trên Hồ Nà Nưa được Ban Quản lý các khu du lịch đưa vào khai thác ở Tân Trào, thì Câu lạc bộ hát Then đàn Tính của chị Đàm Thị Hiền là chủ lực. Chị Hiền khoe, hầu như ngày nào cũng có khách đặt dịch vụ này. Chị em trong thôn nhờ thế mà vừa giữ được bản sắc, vừa có thêm nguồn thu nhập để thêm yêu, thêm quý tiếng hát dân tộc mình.

Số lượng thành viên Câu lạc bộ không ngừng tăng lên. Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đàm Thanh Hiền cho biết, trong năm nay, chị sẽ mở thêm một lớp dạy hát Then đàn Tính cho hơn chục em ở độ tuổi từ 8 - 12 tuổi nữa, để có lớp kế cận.

Ới la
Hoa núi rừng nở khắp đất trời
Đẹp rạng rỡ cô gái của lòng anh
Đôi bàn tay em trắng nõn nà
Bên chợ tình bên nhau vấn vương...

Tiếng Then cất lên sau những chia sẻ, tâm tình. Với người Quan Hạ, tiếng hát thần tiên này đang ngày càng ngấm vào máu, vào thịt của người Tày nơi đây, như một cách nhắc nhớ đến truyền thống, đến ông bà tổ tiên. Và sau tất cả, lời hát này đã thực sự bắt nhịp với cuộc sống muôn màu này, để cất vang từ vùng đất cách mạng đi khắp muôn nơi.

Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục