Hiện nay, xã Tân Thịnh đã hình thành các vùng sản xuất tập trung theo chuỗi liên kết như trồng dưa chuột ở thôn Phúc Linh, trồng mía nguyên liệu ở thôn An Nghĩa, trồng tre bát độ ở các thôn Lăng Luông, Nà Nghè, Phúc Linh, trồng lúa hữu cơ BC15 tại thôn Phúc An… Trên địa bàn xã đã hình thành 7 liên kết sản xuất theo chuỗi đem lại thu nhập cho người dân như: Liên kết sản xuất và tiêu thụ dưa chuột với diện tích 18,1 ha; liên kết sản xuất và tiêu thụ ngô sinh khối diện tích 26 ha; liên kết sản xuất, tiêu thụ vỏ khô cây Gai xanh AP1, diện tích 1,8 ha; liên kết sản xuất và tiêu thụ ớt chỉ thiên, chỉ địa diện tích 4,5 ha; liên kết trồng mía nguyên liệu diện tích 29,3 ha; liên kết trồng tre lấy măng, lấy lá diện tích 5,26 ha; liên kết chăn nuôi lợn đen quy mô 11 hộ. Ngoài ra hiện nay trên địa bàn xã đang triển khai mô hình liên kết trồng cây giang nhung lấy lá, liên kết trồng gấc.
Nông sản của người dân thôn An Phong được giới thiệu tại Hội chợ quê của xã.
Đồng chí Hoàng Thị Thúy Thương, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thịnh chia sẻ, hàng năm UBND xã bám sát sự lãnh đạo của Đảng ủy để xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, xác định rõ thế mạnh, cây trồng, vật nuôi mũi nhọn của từng thôn để tập trung chỉ đạo, vận động Nhân dân thực hiện. Xã cũng quan tâm hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi, cập nhật thông tin về quảng bá sản phẩm để các hợp tác xã, tổ hợp tác tham gia trưng bày các sản phẩm nông sản. Năm 2024 là năm đầu tiên xã tổ chức Hội chợ quê nhằm giới thiệu, quảng bá nông sản của xã. Hội chợ thu hút sự tham gia của Nhân dân ở tất cả các thôn với hàng trăm mặt hàng nông sản. Xã cũng đã có 1 sản phẩm “trứng gà Tân Thịnh” của Hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ Tân Hòa đạt OCOP 3 sao.
Nhờ phát triển nông sản hàng hóa, nhiều lao động ở Tân Thịnh đã được giải quyết việc làm, có thu nhập ổn định cuộc sống, góp phần hiệu quả vào chương trình giảm nghèo. Từ đầu năm đến nay, toàn xã có 141 lao động nông thôn được tạo việc làm tại địa phương, đạt tỷ lệ 183,8% kế hoạch. Toàn xã đã giảm được 23 hộ nghèo và cận nghèo, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của xã chỉ còn trên 11%.
Đồng chí Lý Thị Hồng, tổ phó tổ hợp tác chăn nuôi gà thuộc Hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ Tân Hòa cho biết, trước đây, chỉ có 7 hộ chăn nuôi gà ri đẻ trứng, trong quá trình chăn nuôi cho giá trị kinh tế cao nên chị Hồng đã tuyên truyền, phổ biến kinh nghiệm cho các hộ khác cùng làm. Đến nay đã có 14 hộ tham gia vào tổ hợp tác chăn nuôi gà ri lấy trứng và gà thịt. Trung bình mỗi năm, tổ hợp tác xuất bán trên 6 tấn gà thịt và 350.000 quả trứng ra thị trường, trung bình mỗi hộ chăn nuôi gà trong tổ hợp tác thu lãi từ 8 đến 9 triệu đồng/tháng từ chăn nuôi gà.
Đồng chí Hà Cảnh Dũng, công chức Địa chính - Nông nghiệp - Xây dựng và Môi trường xã Tân Thịnh cho biết, tiềm năng để phát triển nông sản hàng hóa ở Tân Thịnh còn khá lớn. Điển hình như sản phẩm dưa chuột được trồng theo chuỗi liên kết ở 10/10 thôn những năm gần đây trở thành chuỗi liên kết chủ lực, mang lại giá trị kinh tế cao và cuộc sống khấm khá cho Nhân dân. Nhiều hộ dân trồng dưa chuột vụ 3 nhưng cũng có một số hộ dân chuyển hẳn diện tích đất ruộng sang trồng 3 vụ dưa chuột liên tiếp. Riêng năm 2024 với diện tích là 18,1 ha, năng suất bình quân 30 tấn/ha, sản lượng ước đạt 540 tấn, đã mang đến cho người dân thu nhập ước đạt 160 triệu đồng/ha.
Hay như tiềm năng phát triển diện tích trồng lúa hữu cơ ở hai thôn Phúc Linh và Phúc An với diện tích 30 ha cho chất lượng gạo đặc biệt thơm ngon, xã đang hướng tới xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho sản phẩm này.
Phát triển nông sản đã khơi dậy được tinh thần tự lực làm giàu của người dân, góp phần tạo việc làm, đa dạng nguồn thu nhập cho người dân. Từ đó thúc đẩy phong trào sản xuất kinh doanh giỏi ở Tân Thịnh.