Được đưa vào hoạt động từ ngày 1-11-2021, Trung tâm Phục vụ hành chính công đã khẳng định vai trò quan trọng trong nền hành chính phục vụ, chuyên nghiệp, được nhân dân tin cậy. Để hiện đại hóa nền hành chính, Trung tâm đã tập trung đầu tư các hệ thống thông tin, đường truyền, trang thiết bị, máy móc tại Trung tâm đồng bộ, hiện đại đảm bảo khả năng kết nối, liên thông chia sẻ dữ liệu, đáp ứng yêu cầu phục vụ hoạt động và triển khai thực hiện các giao dịch điện tử.
Việc tra cứu thông tin, quy trình giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) tại Trung tâm được thực hiện nhanh chóng, chính xác và thuận tiện với 1.427 TTHC của 20 cơ quan, đơn vị, gồm 17 sở, ban, ngành và 3 cơ quan ngành dọc. Nhờ vậy, người dân, doanh nghiệp dễ tiếp cận, thực hiện và giám sát việc giải quyết TTHC.
Người dân được hướng dẫn các thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa UBND huyện Na Hang.
Bà Nguyễn Thị Nga, tổ 13, phường Minh Xuân (TP Tuyên Quang) chia sẻ: "Từ khi Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đi vào hoạt động và triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong các dịch vụ công trực tuyến, tôi thấy rất thuận lợi cho người dân. Cán bộ trung tâm tiếp đón và hướng dẫn người dân, doanh nghiệp tận tình, chuyên nghiệp. Các thủ tục đều được giải quyết nhanh chóng và có giấy hẹn đến lấy kết quả cụ thể, rõ ràng. Điều đó giúp người dân và doanh nghiệp tiết giảm được thời gian, chi phí”.
Đồng chí Nguyễn Văn Hiếu, cán bộ phụ trách quản lý Trung tâm Phục vụ hành chính công cho biết, xác định Trung tâm Hành chính công của tỉnh là nơi tiên phong trong thực hiện chủ trương chuyển đổi số toàn diện theo chỉ đạo của tỉnh, Trung tâm đang đẩy mạnh ứng dụng CNTT, tích hợp toàn bộ dữ liệu về TTHC lên phần mềm một cửa điện tử liên thông Cổng dịch vụ công trực tuyến. Công chức, viên chức, người lao động làm việc tại trung tâm lấy người dân làm trung tâm phục vụ.
Đồng thời lấy sự hài lòng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp là thước đo sự thành công của cải cách TTHC. Kết quả trong 9 tháng năm 2023, số hồ sơ tiếp nhận tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh là hơn 6.800 hồ sơ, trong đó hồ sơ tiếp nhận trực tuyến đạt trên 76%. Điều này cho thấy việc cung cấp và giải quyết dịch vụ công trực tuyến đã đạt được những kết quả tích cực, đáp ứng được yêu cầu của tổ chức và cá nhân trong thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.
Là một trong những đơn vị tiên phong trong lĩnh vực chuyển đổi số, Công ty Điện lực Tuyên Quang xác định hướng dẫn các thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp là một trong những yếu tố then chốt quyết định sự thành công của chuyển đổi số của doanh nghiệp. Công ty đã tập trung đầu tư các thiết bị công nghệ mới và tiến hành số hóa tất cả các hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ khách hàng.
Theo đó, đơn vị đẩy mạnh số hóa toàn bộ hồ sơ khách hàng, hợp đồng mua bán điện, dữ liệu thanh toán cung cấp dịch vụ trên môi trường điện tử qua các phần mềm chuyên ngành được kết nối liên thông với hệ thống dịch vụ công trực tuyến; đẩy mạnh thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt; quy trình số hóa các lĩnh vực như dịch vụ khách hàng, kỹ thuật, tài chính kế toán... Đặc biệt, việc tuyên truyền cho người dân thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt được công ty chỉ đạo xuyên suốt từ cấp công ty đến các điện lực trực thuộc.
Năm 2022, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Tập đoàn Bưu chính viễn thông (VNPT) chi nhánh Tuyên Quang triển khai sử dụng thử nghiệm phần mềm VNPT-iLIS trong quản lý dữ liệu đất đai. Qua hơn 1 năm triển khai, đến nay, phần mềm VNPT-iLIS đã khẳng định tính ưu việt, tự động hóa quy trình xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai trên nền tảng công nghệ số, nhằm quản lý hiệu quả dữ liệu đất đai. Đây được coi là bước đi quan trọng trong tiến trình chuyển đổi số của ngành tài nguyên và đã mang lại hiệu quả trong quản lý, tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân sử dụng đất.
Nhằm thực hiện tốt vai trò cầu nối an sinh, hướng đến nền hành chính phục vụ, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh đã tập trung xây dựng, phát triển ứng dụng, dịch vụ phục vụ người dân, doanh nghiệp. Ngành đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, khuyến khích người dân thực hiện các thủ tục hành chính qua phương thức giao dịch điện tử. Trong đó, bao gồm Cổng dịch vụ công quốc gia tại địa chỉ https://dichvucong.gov.vn; Cổng giao dịch điện tử Ngành BHXH Việt Nam tại địa chỉ https://dichvucong.baohiemxahoi.gov.vn; các tổ chức cung cấp dịch vụ BHXH điện tử (I-VAN); Ứng dụng VssID - Bảo hiểm xã hội số…
Ông Nguyễn Mạnh Ngọc, xã Trung Môn (Yên Sơn) chia sẻ, nếu như trước đây ông mất khá nhiều thời gian để tra cứu thông tin đóng, hưởng bảo hiểm xã hội hoặc làm thủ tục xin cấp lại thẻ bảo hiểm y tế thì giờ đây ông được cán bộ của Bảo hiểm xã hội hướng dẫn thủ tục hành chính trên ứng dụng VssID, có thể dễ dàng thao tác bất cứ lúc nào, các thủ tục được giải quyết nhanh gọn, chính xác hơn.
Có thể thấy rằng, với sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, các ngành trong lĩnh vực cải cách thủ tục hành chính trong chuyển đổi số đã giúp giảm chi phí, tạo sự hài lòng nhất cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp, hướng tới xây dựng nền hành chính phục vụ, chuyên nghiệp, hiện đại và thân thiện. Nhằm cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết 48 của BCH Đảng bộ tỉnh về Chuyển đổi số tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.