Phát huy hơn nữa vai trò của MTTQ tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền

Tiếp tục tham gia vào các nội dung của Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ 10, chiều 17-10, Đoàn đại biểu tỉnh Tuyên Quang tham gia thao luận tổ tại Trung tâm thảo luận số 2. Đồng chí Tăng Thị Dương, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh tham gia tham luận với chủ đề “Phát huy quyền làm chủ của Nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh.

Đồng chí nhấn mạnh: Trong những năm qua, MTTQ các cấp trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang thường xuyên lắng nghe và phản ánh những ý kiến, kiến nghị chính đáng của Nhân dân tới các cấp uỷ Đảng, chính quyền. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tới Nhân dân và góp phần đưa Hiến pháp, pháp luật sớm đi vào cuộc sống. Hướng dẫn và vận động Nhân dân thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở.

Từ đó Nhân dân đã có ý thức hơn trong thực hiện dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện, nhất là khi bàn về những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, như: Tổ chức họp dân để Nhân dân tham gia ý kiến vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội ở địa phương; xây dựng và bổ sung hương ước, quy ước ở địa phương; kế hoạch xây dựng các công trình dân sinh, công trình phúc lợi; các khoản đóng góp và mức đóng góp của Nhân dân.

Cùng với đó, MTTQ các cấp trong toàn tỉnh đã phối hợp với Thường trực HĐND cùng cấp tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri của Đoàn ĐBQH tỉnh và đại biểu HĐND các cấp; tích cực tham gia ý kiến xây dựng luật, các văn bản quy phạm pháp luật, nghị quyết, quyết định, dự án, đề án của chính quyền các cấp liên quan đến quyền, lợi ích của cán bộ, đoàn viên, hội viên và Nhân dân.

Đoàn đại biểu tỉnh tại phiên thảo luận.

Đặc biệt, trong nhiệm kỳ qua, MTTQ các cấp trên địa bàn tỉnh đã làm tốt vai trò tham mưu cho cấp ủy, phối hợp với chính quyền tổ chức 302 cuộc đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Nhân dân, trong đó: Cấp tỉnh tổ chức 1 hội nghị; cấp huyện 13 hội nghị; cấp xã 288 hội nghị, qua đó kịp thời tháo gỡ khó khăn, giải tỏa bức xúc, tạo sự đồng thuận xã hội, làm cơ sở, động lực phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo đời sống Nhân dân.

Công tác giám sát đã trở thành hoạt động thường xuyên, trọng tâm của MTTQ các cấp trong tỉnh. Nội dung giám sát tập trung vào cơ chế, chính sách, các chủ trương, đường lối, chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh có tác động đến đời sống Nhân dân như: Các chính sách đối với người có công với cách mạng; giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở; việc thu, chi quản lý các quỹ do phụ huynh đóng góp; làm đường giao thông nông thôn….

Những báo cáo, kiến nghị sau giám sát của Mặt trận, đặc biệt là những vấn đề bức xúc trong Nhân dân đã được các cấp ủy, chính quyền tiếp nhận, kịp thời chỉ đạo giải quyết và thông báo đến các tầng lớp Nhân dân.

Trong nhiệm kỳ, MTTQ Việt Nam các cấp cũng đã tổ chức 613 hội nghị phản biện xã hội, trong đó: Cấp tỉnh tổ chức 17 hội nghị; cấp huyện tổ chức 54 hội nghị; cấp xã 542 hội nghị (vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội và tăng 605 hội nghị so với nhiệm kỳ 2014-2019); đã chuyển 2.439 ý kiến kiến nghị đến các cơ quan chủ trì soạn thảo; có 1.463 ý kiến kiến nghị được tiếp thu, xử lý, 976 ý kiến được giải trình đầy đủ...

Đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Tăng Thị Dương cũng đề xuất một số giải pháp để nâng cao vai trò của MTTQ Việt Nam trong việc phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền vững mạnh trong thời gian tới.

Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục