Thực hiện Nghị quyết số 1106/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023- 2025 tỉnh Tuyên Quang, huyện Sơn Dương đã sáp nhập xã Hồng Lạc và xã Vân Sơn thành xã Hồng Sơn từ ngày 1-9-2024.
Đây là 2 xã có vị trí liền kề, tiếp giáp nhau thuận lợi để thực hiện việc sáp nhập, trong đó xã Hồng Lạc với 9 thôn, 6.038 nhân khẩu, xã Vân Sơn với 5 thôn, 3.538 nhân khẩu. Sau khi sáp nhập, xã Hồng Sơn có diện tích tự nhiên là 19,35 km2 và quy mô dân số là 9.576 người.
Cán bộ, đảng viên xã Hồng Lạc (Sơn Dương) trao đổi về việc sử dụng tài sản công sau khi sáp nhập thành xã Hồng Sơn.
Nhớ lại những ngày đầu tiên khi thông tin về sáp nhập xã được công bố, không ít người dân cảm thấy lo lắng. Ông Hà Hữu Lượng, thôn Cây Châm, xã Hồng Lạc chia sẻ: Bà con lo lắng về thủ tục hành chính trở nên phức tạp hơn. Nhiều người cũng băn khoăn về việc sau khi sáp nhập làm sao để giữ gìn những nét văn hóa truyền thống của làng mình.
Nhìn lại thời gian đầu thực hiện sáp nhập, Bí thư Đảng ủy xã Hồng Lạc Lê Minh Sơn thẳng thắn thừa nhận, ban đầu một số người dân do vẫn chưa hiểu hết lợi ích cũng như chưa nắm rõ chủ trương của huyện, của tỉnh và của Trung ương nên vẫn còn chưa đồng thuận. Vì vậy, khi khảo sát lấy ý kiến cử tri về việc sáp nhập hai xã, chỉ khoảng 97% nhân dân đồng thuận ngay. Đây là một con số khiến chính quyền địa phương vẫn phải suy nghĩ vì trong quá trình tổ chức lấy ý kiến cử tri còn có những khó khăn nhất định.
“Do chưa được tập huấn bài bản đối với tổ lấy ý kiến cử tri ở thôn, vì vậy tổ chưa tuyên truyền, phổ biến đầy đủ các quy định của Trung ương, của tỉnh vì sao phải sáp nhập, những lợi ích sau khi sáp nhập. Do đó với những người dân đang có tư tưởng đứng giữa thì khi thấy cán bộ chưa tuyên truyền cụ thể, họ sẽ không đồng thuận” - ông Sơn lý giải.
Cũng như Hồng Lạc, việc lấy ý kiến sáp nhập ở xã Vân Sơn cũng gặp không ít khó khăn, đặc biệt là khi toàn bộ địa giới hành chính xã Vân Sơn nhập vào xã Hồng Lạc và lấy tên gọi là Hồng Sơn. Đồng chí Tiêu Mạnh Tường, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Vân Sơn bộc bạch: Trong quá trình lấy ý kiến cử tri, đã có hàng chục ý kiến thêm như: Đề nghị Nhà nước hỗ trợ giải quyết các thủ tục hành chính cá nhân khi thay đổi tên đơn vị hành chính (3 cử tri); đề nghị sau khi sáp nhập xã các cơ quan có thẩm quyền quan tâm thực hiện các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số (3 cử tri); đề nghị đặt tên xã mới sau sáp nhập là Hồng Vân (7 cử tri).
Thậm chí vẫn có ý kiến băn khoăn: Sau sáp nhập nhà nước quan tâm tạo điều kiện để các thôn khó khăn đều có đường bê tông hóa, có điều kiện phát triển kinh tế đồng đều như các xã Hồng Lạc không? Một số người dân tại các thôn An Mỹ, Dộc Vầu, Tân Sơn lo lắng sau khi sáp nhập các chính sách với đối với thôn đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số còn được giữ không? Việc thực hiện các dịch vụ công tại trụ sở UBND xã mới sẽ phải đi xa hơn...
“Qua những băn khoăn của người dân, chính quyền xã Vân Sơn đã yêu cầu Tổ lấy ý kiến cử tri tại 5 thôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền với hình thức phù hợp, dễ hiểu để người dân nắm bắt được thông tin. Đồng thời, rà đúng “nút thắt” trong lòng dân để giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc, tạo sự đồng thuận trong xã hội, các cấp, các ngành, cán bộ và nhân dân về việc sáp nhập đơn vị hành chính” - ông Tiêu Mạnh Tường chia sẻ.
Đồng lòng sáp nhập xã
Với sự tận tình của các cán bộ xã, những lo lắng sáp nhập xã dần tan biến. Ông Hoàng Văn Học, thôn Dộc Vầu, xã Vân Sơn bộc bạch: “Cán bộ xã, thôn thường xuyên đến nhà, ngồi nói chuyện với bà con, giải thích rất rõ ràng về những lợi ích của việc sáp nhập. Nhờ vậy, chúng tôi hiểu rõ hơn và tin tưởng vào quyết định của chính quyền”.
Để quá trình sáp nhập diễn ra thuận lợi, các cán bộ xã, thôn đã không ngại khó khăn, thường xuyên xuống cơ sở, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của bà con. Bí thư Đảng ủy xã Hồng Lạc Lê Minh Sơn cho biết, Đảng ủy đã họp, thống nhất và giao nhiệm vụ cho từng cán bộ trong Ban Chấp hành, các cán bộ phụ trách thôn thường xuyên xuống dự họp để triển khai, tuyên truyền, vận động nhân dân. Nơi nào nhân dân chưa đồng thuận thì tổ công tác của xã xuống tận nơi, tận hộ gia đình, gặp từng người dân để giải thích, tuyên truyền vận động nhân dân để có sự đồng thuận, ủng hộ cao.
Được tuyên truyền, phổ biến về việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã là một chủ trương đúng đắn, phù hợp với vai trò lãnh đạo, công tác quản lý của Nhà nước đối với mọi hoạt động kinh tế, xã hội ở địa phương, đông đảo người dân còn băn khoăn đã đồng lòng hưởng ứng thực hiện. Xã Hồng Lạc và xã Vân Sơn đã cùng tiến hành lấy ý kiến cử tri tại 14 thôn, 100% số cử tri đã đồng thuận chủ trương sáp nhập.
Ông Hà Hữu Lượng, thôn Cây Châm, xã Hồng Lạc phấn khởi nói: đến thời điểm hiện tại, mặc dù người dân còn có những ý kiến về việc giải quyết thủ tục giấy tờ sau sáp nhập, nhưng về cơ bản, nhân dân trong thôn đều đồng thuận với chủ trương sáp nhập xã.
Đồng chí Hoàng Văn Học, Bí thư Chi bộ thôn Dộc Vầu, xã Vân Sơn khẳng định, dù toàn bộ địa giới hành chính xã Vân Sơn nhập vào xã Hồng Lạc, nhưng nhân dân trên địa bàn cơ bản đồng thuận. Có được điều này là do cấp ủy, chính quyền đã đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nắm rõ chủ trương, hiểu rõ ý nghĩa của việc sắp xếp đơn vị hành chính, từ đó “gỡ bỏ” được những gì còn băn khoăn.
“Thôn Dộc Vầu chúng tôi có hơn 120 hộ thì chỉ 4-5 hộ có ý kiến là nơi đi khám chữa bệnh và làm thủ tục hành chính xa, nhưng sau khi vận động thì người dân nhất trí hết. Chúng tôi cùng cán bộ xã giải thích đường sá đã và đang được Nhà nước đầu tư, đường liên xã thuận lợi, đi lại sẽ dễ dàng”, ông Học nói.
Quá trình sáp nhập xã ở Sơn Dương đã diễn ra thành công nhờ vào sự nỗ lực của các cấp, các ngành và sự chung sức đồng lòng của nhân dân. Việc sáp nhập xã Hồng Sơn là một minh chứng cho thấy tầm quan trọng của việc gần dân, hiểu dân trong công tác quản lý nhà nước. Khi cán bộ và nhân dân cùng chung sức, cùng đồng lòng thì mọi khó khăn đều có thể vượt qua