Khai thác hiệu quả các nền tảng số
Các trường học trong tỉnh đã kết nối, khai thác, sử dụng hiệu quả các nền tảng số, phần mềm trong công tác quản lý, dạy và học như nền tảng dạy học trực tuyến Khan Academy, phần mềm sổ kế hoạch điện tử, phần mềm dinh dưỡng cho bậc mầm non, phần mềm xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng cho bậc tiểu học, phần mềm quản lý tài sản, xây dựng Kho học liệu số, nền tảng siêu trí tuệ học đường 5 phút thuộc bài, phần mềm quản lý sổ điểm, học bạ điện tử, quản lý học sinh đầu cấp, phần mềm hỗ trợ giảng dạy như Quizizz, Azota…
Hiện nay, 100% các trường mầm non, phổ thông sử dụng phần mềm quản lý trường học Smas hoặc vnEdu đồng bộ, kết nối cơ sở dữ liệu ngành. Sở Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện thí điểm hệ thống Khaothionline đến 26 đơn vị trực thuộc Sở ngay đầu năm học 2024 - 2025 để tăng cường công tác kiểm tra, quản lý, đánh giá đáp ứng chương trình GDPT 2018. Đến tháng 8 - 2024, các trường học trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được hàng trăm video bài giảng các cấp học sử dụng thiết bị dạy học trên màn hình tương tác thông minh để đưa lên Kho học liệu số của Sở Giáo dục và Đào tạo.
Cô và trò trường Tiểu học Năng Khả (Na Hang) ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học.
Đồng chí Trần Văn Bút, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sơn Dương cho biết, để khai thác hiệu quả các nền tảng số, Phòng đã tham mưu với UBND huyện, Sở GDĐT ưu tiên nguồn lực đầu tư mua sắm thiết bị dạy môn Tin học và thiết bị dạy học trực tuyến phục vụ cho các trường học, giáo viên và học sinh; huy động các nguồn lực xã hội ủng hộ, tài trợ thiết bị dạy học môn Tin học và thiết bị dạy học trực tuyến cho học sinh và giáo viên ở những đơn vị còn khó khăn.
Hiện nay, 100% các đơn vị trường tiểu học, trường THCS, trường liên cấp có cấp học tiểu học đều được trang cấp phòng tin học với 1340 bộ máy vi tính; 126 máy chiếu, 863 màn hình ti vi, 42 màn hình tương tác phục vụ quản lý và dạy học; học sinh thực hiện học chương trình giáo dục phổ thông 2018 đều được học Tin học.
Trên địa bàn huyện, hầu hết các trường tiểu học sử dụng sổ liên lạc điện tử để trao đổi thông tin với cha mẹ học sinh, hoàn thành thí điểm Học bạ số đối với lớp 1, 2, 3 và dữ liệu Học bạ số được đẩy thành công lên trục Học bạ số của Bộ, Sở Giáo dục và Đào tạo.
Tại huyện vùng cao Na Hang, việc ứng dụng các nền tảng số để nâng cao chất lượng công tác quản lý giáo dục cũng được chú trọng. Các trường học đã đổi mới phương pháp dạy học và áp dụng các nền tảng số để giao nội dung học tập cho học sinh, tăng cường khai thác kho học liệu số ngành giáo dục trên trang igiaoduc.vn.
Huyện đã hoàn thành nội dung sử dụng nguồn vốn dân tộc để đầu tư cơ sở vật chất và thiết bị dạy học cho 100% các trường bán trú phục vụ chuyển đổi số. Các trường học dần số hóa các loại hồ sơ, đặc biệt với cấp trung học cơ sở đã số hóa kế hoạch bài dạy, chuyển đổi sử dụng các hồ sơ điện tử (học bạ, sổ liên lạc, sổ điểm).
Chuyển đổi số từ trong trường học
Muốn chuyển đổi số thành công, ngành giáo dục và đào tạo xác định cần phải được thực hiện quyết liệt từ mỗi trường học. Đồng chí Ma Văn Tuân, Hiệu trưởng trường Tiểu học Năng Khả, xã Năng Khả (Na Hang) chia sẻ, Ban Giám hiệu nhà trường luôn động viên, khích lệ giáo viên, các tổ chuyên môn khắc phục khó khăn, tích cực tự học tập, nghiên cứu để ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, công tác dạy và học.
Nhà trường đã tổ chức, hướng dẫn học sinh tham gia các nền tảng số như: trạm không gian năm sao, sân chơi trí tuệ Trạng Nguyên Tiếng Việt. Hàng năm, nhà trường triển khai mô hình trường học mở KAV trên nền tảng Khan Academy miễn phí cho học sinh học tập môn Toán trên tinh thần tự nguyện của học sinh và cha mẹ học sinh đảm bảo đạt tỷ lệ từ 30% trở lên.
Cô và trò trường THPT Nguyễn Văn Huyên ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học.
Nhà trường đã kiểm tra kế hoạch bài dạy của giáo viên trước khi lên lớp trên hệ thống Drive đối với 100% giáo viên.
Trường THCS Sơn Nam (Sơn Dương) những năm qua luôn là điểm sáng trong công tác chuyển đổi số. Đồng chí Nguyễn Văn Hưng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, nhà trường đã chú trọng bồi dưỡng đội ngũ (cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh) có kiến thức, kỹ năng đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số.
Trước hết là kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, kỹ năng an toàn thông tin, kỹ năng khai thác, sử dụng hiệu quả các ứng dụng phục vụ công việc dạy - học hàng ngày. Ban giám hiệu nhà trường thực hiện tốt công tác giám sát việc thực hiện các tiêu chí về mức độ chuyển đổi số để có những chỉ đạo kịp thời. Hiện nay, 90% giáo viên toàn trường sử dụng thành thạo công nghệ thông tin; chia sẻ học liệu vào kho học liệu số của nhà trường và của ngành giáo dục; tham gia làm bài giảng điện tử e-learning có chất lượng.
Với những kết quả trong chuyển đổi số, ngành giáo dục trong tỉnh đã và đang tạo ra những chuyển biến thực chất trong công tác quản lý, dạy và học theo hướng chuyên nghiệp, đồng bộ.