Tại tiết Toán học, Trường THCS Lê Quý Đôn (TP Tuyên Quang), các em học sinh đang hát vang bài hát về sự đồng quy của ba đường trung trực. Giai điệu thân quen, lời bài hát dễ nhớ, dễ thuộc đã khiến cho không khí dạy và học của thầy và trò thêm sôi nổi, hào hứng.
Thầy giáo Trần Quang Hà, Giáo viên Toán học, Trường THCS Lê Quý Đôn chia sẻ, tất cả các kiến thức về môn học như các: Định nghĩa, định lý, công thức toán học, bài toán khó, hình vẽ... nếu chỉ viết lên bảng sẽ rất khô khan, không sinh động, trực quan. Do đó, thầy đã tìm hiểu, nghiên cứu biên soạn lại thành bài giảng video, bài hát, hình động với nhiều hình ảnh trực quan, vui nhộn, gần gũi cuộc sống của các em thông qua một số phần mềm vẽ hình, phần mềm AI làm thơ, làm nhạc như Geogabra, Skedpad... Điều này, không chỉ giúp các em dễ học, dễ nhớ mà còn thu hút các em tham gia vào tiết học.
Em Tống Bảo Trâm Anh, lớp 7E, Trường THCS Lê Quý Đôn hào hứng cho biết, việc kết hợp công nghệ vào các bài giảng của thầy cô giúp chúng em tiếp thu bài giảng trực quan và sinh động hơn. Qua đó, em và các bạn rất thích, dễ hiểu và dễ nhớ bài học hơn.
Thầy và trò Trường THCS Lê Quý Đôn (TP Tuyên Quang) sử dụng các phần mềm trong dạy và học.
Còn tại Trường THPT Hàm Yên, không chỉ được ngành quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, việc ứng dụng công nghệ vào giảng dạy còn giúp các giáo viên có những hình thức, phương pháp dạy hay, sáng tạo. Thầy giáo Phạm Văn Dũng, Giáo viên bộ môn Vật lý chia sẻ, để tạo tiết học sinh động, thầy thường xuyên ứng dụng công nghệ vào xây dựng bài học bằng các phần mềm mô phỏng vật lý như PhET, Quizizz, Canva, Azota, CamEdu… với các video thí nghiệm ảo mô phỏng thực tế, các trò chơi liên quan đến nội dung bài học, giúp cho tiết học khô khan trước đây trở thành tiết học vui vẻ, học sinh thích, tập trung, trao đổi bài sôi nổi, phát huy năng lực học tập của các em.
Hiện Trường THPT Hàm Yên có 39 phòng học với gần 1.500 học sinh. Trường có 1 phòng máy vi tính; 1 phòng học màn hình tương tác thông minh. Ngoài ra, nhà trường còn trang bị đầy đủ máy tính, ti vi kết nối internet ở 34 phòng học; triển khai các phần mềm quản lý nhà trường VnEdu; sử dụng sổ điểm điện tử, học bạ điện tử; bài giảng điện tử, thí nghiệm ảo, các phần mềm dạy học...
Thầy Nguyễn Văn Hanh, Hiệu trưởng Trường THPT Hàm Yên (Hàm Yên) cho biết, trước đây thực hiện quản lý và giảng dạy bằng phương pháp cũ mất nhiều thời gian, không cuốn hút học sinh. Từ khi áp dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, giúp nhà trường thuận lợi trong quản lý, giáo viên rèn luyện được nhiều kỹ năng và phối hợp tốt các phương pháp dạy học tích cực, giảm tải công việc.
Năm học 2024 - 2025, ngành Giáo dục Tuyên Quang có 459 cơ sở giáo dục với hơn 225 ngàn học sinh ở các cấp học. Xác định ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số là một trong những đột phá giúp nâng cao chất lượng dạy và học, ngành Giáo dục tỉnh đã triển khai đồng bộ tới 100% cơ sở giáo dục trên địa bàn các phần mềm quản lý trường học Smas hoặc vnEdu kết nối đồng bộ với cơ sở ngành của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), cơ sở dữ liệu của tỉnh; triển khai sổ điểm điện tử, học bạ điện tử; 100% giáo viên phổ thông có khả năng sử dụng máy vi tính, truy cập Internet khai thác kho học liệu số của Bộ GDĐT tại trang igiaoduc.vn; soạn, giảng qua Powerpoint, sử dụng các phần mềm tiện ích, phần mềm thí nghiệm ảo… phục vụ giảng dạy. Toàn tỉnh hiện có 328 phòng máy vi tính với 7.446 máy vi tính, 806 máy chiếu; 22 trường tiểu học, 100% trường THCS, 100% trường THPT được Sở GDĐT trang cấp màn hình tương tác thông minh…
Để ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số đi vào thực chất, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, ngành Giáo dục tỉnh đã triển khai Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030” của Thủ tướng Chính phủ; bám sát sự chỉ đạo của Bộ GDĐT, Sở GDĐT đã xây dựng kế hoạch tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số theo từng năm học. Theo đó, năm học 2023 - 2024, ngành Giáo dục tỉnh thực hiện đổi mới phương thức tổ chức giáo dục, đưa dạy và học trên môi trường số trở thành hoạt động giáo dục thường xuyên, liên tục; đổi mới mạnh mẽ phương thức quản lý giáo dục dựa trên công nghệ số và dữ liệu.
Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số của ngành Giáo dục tỉnh đã và đang đạt được những kết quả tích cực, làm thay đổi phương pháp quản lý cũng như dạy học từ truyền thống sang phương pháp giảng dạy tích cực, giúp giáo viên và học sinh phát huy được khả năng tư duy, sáng tạo, thích đến trường. Từ đó giáo viên nâng cao năng lực, học sinh hứng thú tiếp thu bài học, tạo được niềm vui khi đến trường, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trên địa bàn tỉnh.