Triển vọng cây gừng trên đất Yên Sơn

Gừng là một cây gia vị, cây thuốc không thể thiếu đối với người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số sống ở vùng cao. Họ thường trồng gừng quanh vườn nhà, rồi lan lên núi cao. Thấy cây gừng phát triển tốt, ăn không hết người ta mang ra chợ bán. Mấy năm trước phong trào trồng gừng để bán bắt đầu phát triển ở một số xã thượng huyện Yên Sơn, trong đó tiêu biểu có xã Kiến Thiết, Trung Trực. Củ gừng được thương lái thu mua chủ yếu xuất đi Trung Quốc. Tuy nhiên do đại dịch Covid - 19, gừng không xuất được, người dân thu giảm diện tích. Hơn một năm trở lại đây cây gừng đang có dấu hiệu phục hồi nhờ giá gừng tăng trở lại.

Ông Trần Hữu Hùng, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Yên Sơn cho biết, hiện nay diện tích cây gừng toàn huyện trên 64 ha, tập trung nhiều ở các xã Kiến Thiết gần 23 ha, Trung Trực 19,5 ha, Trung Minh 6,3 ha, Quý Quân 6 ha. Gừng được thương lái thu mua với giá 1.200 - 1.500 nghìn đồng/kg, góp phần tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống cho bà con. Để có hướng đi cho cây gừng, cũng như tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm, ngày 5-10 vừa qua, UBND tỉnh Tuyên Quang cho phép Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm - Trường Đại học Nông Lâm - Đại học Thái Nguyên và Công ty TNHH Kim-Sonaki Hàn Quốc phối hợp với UBND huyện Yên Sơn, Hội Nông dân huyện Yên có buổi làm việc trực tiếp tại xã Kiến Thiết để tìm hiểu về vùng nguyên liệu, chất lượng gừng. Hiện Công ty TNHH Kim-Sonaki Hàn Quốc đang có nhu cầu nhập 5.000 tấn gừng tốt để chế biến.

Đoàn đi thăm những vườn gừng trải dài trên sườn núi sắp đến kỳ thu hoạch của xã Kiến Thiết. Ông Sùng Seo Hờ, dân tộc Mông, thôn Nặm Bó khẳng định 1 ha gừng, dự kiến 10 tấn củ thu hoạch hằng năm giúp gia đình ông thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Theo ông cây gừng dễ trồng, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản, hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương. Gừng trồng luôn cho năng suất, chất lượng tốt. Đến mùa thu hoạch gừng, lái thương ở các nơi đổ về mua, giá lúc lên, lúc xuống. Bà con trồng gừng trên địa bàn rất muốn có công ty thu mua, bao tiêu, giá cả sản phẩm ổn định.

Tiến sỹ Phạm Bằng Phương, Giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm - Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên, ông Kim IL Hwan, Giám đốc Công ty TNHH Kim-Sonaki Hàn Quốc đã lấy mẫu các củ gừng trồng của các hộ để phân tích, đánh giá. Về cảm quan, đoàn thấy khóm gừng to, củ sai, khi thử rất cay nóng. Qua phân tích chi tiết  mẫu gừng của Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm - Trường Đại học Nông Lâm - Đại học Thái Nguyên, các thành phần sinh hóa học đều đạt và vượt yêu cầu đề ra. Đoàn kết luận, Kiến Thiết và các xã của huyện Yên Sơn có thể mở rộng diện tích thành vùng chuyên canh lớn, nếu công ty đứng ra bao tiêu sản phẩm. Qua tiến hành kiểm tra thực địa và phân tích mẫu, phía Hàn Quốc rất hài lòng về chất lượng cũng như phương thức canh tác của người dân phù hợp với yêu cầu của Công ty TNHH Kim-Sonaki.

Anh Dương Văn Hùng, thôn Nặm Bó, xã Kiến Thiết hy vọng vườn gừng nhà mình sẽ có đầu ra ổn định.

Đồng chí Ma Ngọc Trân, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Kiến Thiết (Yên Sơn) kỳ vọng sau chuyến đi khảo sát, đánh giá vùng nguyên liệu, chất lượng gừng của Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm - Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên và Giám đốc Công ty TNHH Kim-Sonaki Hàn Quốc. Đây là cơ sở ban đầu để hai bên có phương hướng hợp tác cụ thể trong thời gian tới. Hiện xã Kiến Thiết có diện tích gừng lớn nhất huyện với trên 23 ha và có thể mở rộng diện tích. Để cây gừng đi đúng hướng, địa phương mong tỉnh, huyện có những chỉ đạo, quy hoạch vùng chuyên canh cụ thể. Đưa cán bộ khuyến nông về cơ sở giúp người nông dân kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản gừng. Cách chọn giống gừng cho năng suất, chất lượng tốt. Đồng chí cảm ơn Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm - Trường Đại học Nông Lâm - Đại học Thái Nguyên và Hội Nông dân huyện Yên Sơn đã kết nối tốt với Công ty TNHH Kim-Sonaki Hàn Quốc trên tinh thần 3 nhà, nhà nông, nhà khoa học, doanh nghiệp, giúp vùng chuyên canh gừng phát triển bền vững. 

Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục