Gợi mở sáng kiến thúc đẩy bình đẳng, an toàn cho phụ nữ, trẻ em trong tiếp cận và tham gia công nghệ số

Đây là nội dung xuyên suốt Diễn đàn quốc tế “Phụ nữ, An ninh Mạng và STEM” được TW Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ tại Việt Nam (UN Women) tổ chức thực hiện vào sáng 29/3.
 Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế TW Trần Tuấn Anh (giữa ảnh); Ủy viên BCH TW Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga (thứ 2 từ phải sang) cùng đại diện Đại sứ quán, cơ quan Liên hợp quốc, tổ chức quốc tế tại Việt Nam thực hiện nghi thức cam kết hành động tại Diễn đàn

Chia sẻ kinh nghiệm và kêu gọi nỗ lực chung thúc đẩy bình đẳng giới

Diễn đàn có sự tham dự của các đồng chí: Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế TW; Hà Thị Nga, Ủy viên BCH TW Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành TW, lãnh đạo Hội LHPN Việt Nam và hơn 400 đại biểu tham dự theo hình thức trực tiếp và trực tuyến từ các Đại sứ quán, cơ quan Liên hợp quốc, tổ chức quốc tế tại Việt Nam, Hội LHPN cấp TW và 63 tỉnh/thành.

Các đại biểu là lãnh đạo Đảng, Nhà nước; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành TW; lãnh đạo Hội LHPN Việt Nam và đại diện Đại sứ quán, cơ quan Liên hợp quốc, tổ chức quốc tế tại Việt Nam tham dự Diễn đàn

Diễn đàn được tổ chức nhằm chia sẻ kinh nghiệm và kêu gọi nỗ lực chung thúc đẩy bình đẳng giới, khuyến khích phụ nữ làm chủ Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học (STEM) và không gian mạng. Đây cũng là hoạt động để góp phần hỗ trợ phụ nữ hội nhập quốc tế theo tinh thần Nghị quyết 18 của Hội LHPN Việt Nam.

Công nghệ và các giải pháp kỹ thuật số đang trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, tỷ lệ nữ giới lãnh đạo trong lĩnh vực kỹ thuật số còn thấp; định kiến giới tiếp tục cản trở phụ nữ tiếp cận công nghệ và kỹ thuật số. Thúc đẩy phụ nữ và trẻ em gái tiếp cận và tham gia một cách bình đẳng trong lĩnh vực STEM sẽ tạo thêm cơ hội để phụ nữ và trẻ em gái đóng góp và thụ hưởng bình đẳng từ những tiến bộ của khoa học, công nghệ, đồng thời tự bảo vệ mình trước những thách thức về an ninh vô hình và phi truyền thống. Diễn đàn “Phụ nữ, An ninh Mạng và STEM” sẽ góp phần gợi mở thêm những sáng kiến thúc đẩy phụ nữ tham gia trong lĩnh vực STEM và đảm bảo môi trường mạng an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái.  

Các đại biểu tham dự chương trình

Không để phụ nữ, trẻ em nào bị bỏ lại phía sau trong thời đại công nghệ số

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Ủy viên BCH TW Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga cho biết, Hội LHPN Việt Nam với tư cách là một tổ chức chính trị - xã hội đại diện cho quyền lợi hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, đã có những hoạt động thúc đẩy phụ nữ tham gia khoa học, công nghệ cũng như đảm bảo an toàn cho phụ nữ, trẻ em, trong đó có an toàn trên môi trường mạng. Tháng 1/2021, Hội LHPN Việt Nam ban hành Nghị quyết “hỗ trợ phụ nữ hội nhập quốc tế” đến năm 2030 trên các lĩnh vực trong đó có khoa học, công nghệ. Hội cũng đã triển khai các chương trình, đề án, các giải thưởng, cuộc thi nhằm khuyến khích, hỗ trợ phụ nữ nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, tham gia hiệu quả vào kinh tế số, xã hội số.

Bà Hà Thị Nga, Ủy viên BCH TW Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, phát biểu khai mạc Diễn đàn

Chủ tịch Hà Thị Nga khẳng định: "Với chủ đề “Phụ nữ, An ninh Mạng và STEM”, Diễn đàn sẽ gợi mở thêm những sáng kiến thúc đẩy phụ nữ tham gia các lĩnh vực STEM và đảm bảo môi trường mạng an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái. Về phần mình, Hội LHPN Việt Nam sẽ nỗ lực hơn nữa để triển khai các chương trình, hoạt động thiết thực đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước với tinh thần “không phụ nữ nào bị bỏ lại phía sau” trong thời đại công nghệ số”.

Nhìn nhận vẫn còn nhiều thách thức, khó khăn khi không gian mạng đang trở thành một phần của cuộc sống, Đại sứ Úc tại Việt Nam, ông Andrew Goledzinowski nhấn mạnh về những vấn đề cụ thể cần chú ý hiện nay. Đặc biệt, môi trường không gian mạng có rất nhiều thông tin thậm chí là cả thông tin trái chiều, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn đối với phụ nữ và trẻ em. “Khái niệm xã hội trên nền tảng số hiện đã vô cùng quen thuộc với người dân, nhưng đằng sau đó bao gồm cả những cuộc thảo luận, bình luận tiêu cực, do đó, trên phương diện bình đẳng giới, cần quan tâm, đưa ra phương thức quản lý thiết thực để mang lại nhiều điều tốt nhất cho phụ nữ và trẻ em”, theo ông Andrew Goledzinowski.

Đại sứ Úc tại Việt Nam Andrew Goledzinowski nhìn nhận vẫn còn nhiều thách thức, khó khăn về môi trường không gian mạng

Tại Diễn đàn, bà Elisa Fernandez, Trưởng Đại diện UN Women Việt Nam cho biết, phụ nữ và trẻ em gái cần được bình đẳng trong các mối quan hệ, đặc biệt là trong cách tiếp cận công nghệ, giáo dục. “Cần đảm bảo thế giới số, đảm bảo nguy hại cho phụ nữ và trẻ em gái khi họ tham gia môi trường không gian mạng. Đồng thời, cần có nhiều nghiên cứu, chương trình hỗ trợ để phụ nữ tham gia một cách an toàn, thúc đẩy công nghệ, hỗ trợ tăng cường giáo dục, ứng dụng công nghệ thông tin, giảm bớt tình trạng về định kiến giới”, bà Elisa Fernandez nhấn mạnh.

Bà Elisa Fernandez, Trưởng Đại diện UN Women Việt Nam chia sẻ tại Diễn đàn

Bên cạnh đó, bà cũng đánh giá cao về những nhìn nhận, sáng kiến của Hội LHPN Việt Nam, các cơ quan, bộ, ngành ở Việt Nam về an ninh mạng, STEM và qua đó, cần thúc đẩy các chính sách không khoan nhượng liên quan đến bạo lực mạng, phối hợp với các bên để đảm bảo quyền cho phụ nữ và trẻ em gái, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ, STEM và trí tuệ nhân tạo.

Tại chương trình, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Hội LHPN Việt Nam và lãnh đạo các cơ quan, đối tác cùng thể hiện nghi thức cam kết hành động vì an ninh mạng và bình đẳng giới trong STEM. 

Tọa đàm: “Phụ nữ với An ninh Mạng và STEM”

Trong khuôn khổ chương trình, các đại biểu thảo luận và chia sẻ về những sáng kiến, kinh nghiệm đa dạng trong việc thúc đẩy phụ nữ và trẻ em gái tham gia STEM cũng như xây dựng môi trường mạng an toàn cho phụ nữ và trẻ em thông qua Tọa đàm: “Phụ nữ với An ninh Mạng và STEM”.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại chương trình

 

Trên thực tế, còn những khoảng trống về giới trong khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học (gọi tắt theo tiếng Anh là STEM). Số lượng phụ nữ tham gia các lĩnh vực STEM, nhất là ở vị trí lãnh đạo, còn hạn chế. Theo báo cáo của Liên hợp quốc năm 2022, phụ nữ chỉ chiếm 22% lực lượng lao động trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và 28% sinh viên tốt nghiệp các ngành kỹ thuật. Đồng thời, sự phát triển như vũ bão của khoa học, công nghệ, nhất là quá trình số hóa đang mang đến cả cơ hội và thách thức cho phụ nữ và trẻ em gái. Số liệu nghiên cứu cho thấy, có 38% phụ nữ hoạt động trực tuyến ở các nước đã từng bị bạo lực trên mạng.

Để góp phần thay đổi thực trạng này, chúng ta rất cần có sự nỗ lực chung của các bên liên quan, để cùng hướng đến những thay đổi trong chính sách vĩ mô cũng như các can thiệp cụ thể nhằm tăng cường sự tham gia đóng góp và thụ hưởng bình đẳng của phụ nữ và trẻ em gái từ những tiến bộ của khoa học, công nghệ, đồng thời giúp họ có được kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ mình trước các thách thức phi truyền thống, nhất là an ninh mạng” - Ủy viên BCH TW Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga.

Hội LHPN Việt Nam

Tin cùng chuyên mục