Phụ nữ Tuyên Quang thúc đẩy bình đẳng giới

Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em" (gọi tắt là Dự án 8) thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn 1: từ năm 2021 đến năm 2025. Với mục tiêu góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và tập trung giải quyết hiệu quả một số vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em tại các thôn, xã đặc biệt khó khăn. Hiện các cấp Hội phụ nữ toàn tỉnh đã và đang triển khai thực hiện các nội dung hoạt động, phấn đấu đạt các chỉ tiêu đề ra trong kế hoạch.
 

Dự án 8 được triển khai tại 121 xã và 570 thôn đặc biệt khó khăn thuộc 7 huyện, thành phố trong tỉnh. Đối tượng thụ hưởng là phụ nữ và trẻ em gái tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn, ưu tiên phụ nữ và trẻ em gái là người dân tộc thiểu số trong các hộ nghèo, cận nghèo, nạn nhân bị mua bán, bị bạo lực gia đình, bị xâm hại tình dục, di cư lao động không an toàn, lấy chồng nước ngoài trở về, phụ nữ khuyết tật.

Các nội dung của Dự án tập trung tuyên truyền, vận động thay đổi "nếp nghĩ, cách làm" góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại và một số vấn đề xã hội cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em; xây dựng và nhân rộng các mô hình thay đổi "nếp nghĩ, cách làm" nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ; thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em; đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của cộng đồng; giám sát và phản biện; hỗ trợ phụ nữ tham gia lãnh đạo trong hệ thống chính trị và trang bị kiến thức về bình đẳng giới, kỹ năng thực hiện lồng ghép giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị, già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo và người có uy tín trong cộng đồng.

Lãnh đạo Hội LHPN tỉnh và Hội LHPN huyện Sơn Dương tuyên truyền về thay đổi khuôn mẫu giới trong việc nhà với phụ nữ thôn Bẫu, xã Tân Thanh (Sơn Dương).

Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nguyễn Thị Thanh Xuân cho biết, Hội LHPN tỉnh đã thành lập Ban điều hành, Tổ giúp việc thực hiện Dự án 8; phân công các Ban chuyên môn chịu trách nhiệm tham mưu, tổ chức các hoạt động theo đúng tiến độ đề ra; hướng dẫn, đôn đốc Hội LHPN các huyện triển khai thực hiện. Hội LHPN tỉnh đã phối hợp với các ban, ngành liên quan đề xuất với UBND tỉnh về các nội dung, kinh phí thực hiện dự án. Sau 2 năm thực hiện, các nội dung của dự án được các cấp Hội triển khai đồng bộ, bước đầu có một số kết quả.

Năm 2022 và năm 2023, các cấp Hội phụ nữ tỉnh đã được cấp trên 25,7 tỷ đồng để thực hiện Dự án 8. Các cấp Hội đã tổ chức 20 hội nghị tập huấn, hướng dẫn triển khai các nội dung Dự án 8; hướng dẫn hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ nâng cao quyền năng kinh tế cho tổ, nhóm sinh kế; triển khai hoạt động của các mô hình địa chỉ tin cậy, tổ chức đối thoại chính sách ở cấp cơ sở; vận hành mô hình và phương pháp hỗ trợ nạn nhân; tập huấn cách thức thành lập, vận hành hoạt động quản lý Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi". Đồng thời, hướng dẫn thành lập, vận hành 133 Tổ truyền thông cộng đồng...

Tổ truyền thông cộng đồng thôn Khuôn Then, xã Hùng Đức (Hàm Yên) được thành lập gồm 8 thành viên, gồm: bí thư chi bộ, trưởng thôn, chi hội trưởng phụ nữ, thôn đội trưởng, công an viên, các đoàn thể thôn, người có uy tín trong thôn có tinh thần đổi mới, tiên phong đi đầu và có khả năng tuyên truyền, vận động. Chị Vương Thị Duyên, Chi hội trưởng phụ nữ, Tổ trưởng Tổ truyền thông cộng đồng thôn Khuôn Then cho biết, ngay khi được thành lập, Tổ đã xây dựng quy chế, nguyên tắc hoạt động và nhiệm vụ cụ thể, bám sát các hướng dẫn của Hội LHPN các cấp và tình hình thực tế tại địa bàn để tập trung thực hiện.

Các chị em Câu lạc bộ dệt Thổ Cẩm xã Yên Hoa (Na Hang) được tập huấn kỹ năng bán hàng trên sàn thương mại điện tử, ứng dụng 4.0 vào sản xuất và tiêu thụ nông sản hàng hóa.

Các thành viên của Tổ đã tích cực theo dõi, nắm bắt tâm tư nguyện vọng, tình hình đời sống của người dân nói chung và phụ nữ, trẻ em gái nói riêng; tuyên truyền, vận động nhân dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong cuộc sống, lao động, phát triển kinh tế... để góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình, cộng đồng...

Chị Nguyễn Thị Mừng, dân tộc Tày, hộ nghèo, thôn Tân Thành, Chủ nhiệm Câu lạc bộ dệt Thổ Cẩm, xã Yên Hoa (Na Hang) chia sẻ, vừa qua 15 thành viên của CLB được tham gia lớp tập huấn do Hội LHPN tỉnh tổ chức. Sau khi học xong các chị em đã biết thêm các kiến thức, kỹ năng bán hàng trên sàn thương mại điện tử; được hỗ trợ mở tài khoản, gian hàng, biết sử dụng các tính năng trên nền tảng, trải nghiệm mua sắm trên DES DT. Đồng thời, đã đưa sản phẩm dệt thổ cẩm lên bán trên sàn giao dịch của Công ty CP công nghệ DES Group... Hy vọng thời gian tới, CLB sẽ giới thiệu, quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường, nhận được nhiều đơn hàng để nâng cao thu nhập cho chị em.

Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nguyễn Thị Thanh Xuân cho biết, quá trình thực hiện triển khai Dự án 8 còn gặp một số khó khăn do các nguyên nhân như: công tác tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn, đề xuất triển khai thực hiện Dự án 8 có nội dung còn lúng túng; tiến độ giải ngân vốn chậm. Hội LHPN tỉnh đã có những kiến nghị, đề xuất với Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu, xem xét điều chỉnh, bổ sung các văn bản, hướng dẫn chỉ đạo thực hiện Dự án 8 phù hợp với thực tiễn; phối hợp với các bộ, ngành liên quan tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của Hội LHPN tỉnh Tuyên Quang. Đồng thời, đề xuất với UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng hướng dẫn thực hiện thanh quyết toán các nội dung của Dự án 8 theo quy định.

Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục