Phụ nữ vừa là người trực tiếp sản xuất, kinh doanh, vừa là đối tượng thụ hưởng sản phẩm thực phẩm an toàn

Hội nghị sơ kết 2 năm Chương trình phối hợp giữa Chính phủ với Hội Nông dân Việt Nam và Hội LHPN Việt Nam về “Tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm chất lượng, an toàn vì sức khỏe cộng đồng, phát triển bền vững giai đoạn 2021 - 2025” (Chương trình phối hợp số 01) đã diễn tại TP Hải Phòng ra vào sáng 16/6.
 Các đại biểu trao đổi tại Hội nghị

Tiếp nối hiệu quả Chương trình phối hợp giai đoạn 2017-2020 (Chương trình 526), xác định vai trò nòng cốt quan trọng của các lực lượng phụ nữ, nông dân trong đảm bảo an toàn thực phẩm, Chính phủ đã tiếp tục ký kết Chương trình phối hợp số 01 giai đoạn 2021-2025 nhằm tiếp tục phát huy vai trò của hai tổ chức trong việc tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức, trách nhiệm tuân thủ pháp luật về an toàn thực phẩm của các tổ chức, cá nhân (đặc biệt là cơ sở nhỏ lẻ, hộ cá thể) tham gia sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm, thể hiện sự tin tưởng giao trách nhiệm của Chính phủ đối với hai tổ chức Hội LHPN Việt Nam và Hội Nông dân Việt Nam.

An toàn thực phẩm là một nội dung trọng Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc XIII

Báo cáo tại Hội nghị sơ kết đánh giá,  Chương trình phối hợp số 01 đã được Hội LHPN Viêt Nam triển khai nhiêm túc, hiệu quả với sự vào cuộc 100% tỉnh, thành Hội, đơn vị và sự hưởng ứng tích cực của cán bộ, hội viên, phụ nữ.

Nội dung về an toàn thực phẩm được đưa vào Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII; được lồng ghép trong triển khai thực hiện các tiêu chí Phong trào thi đua “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới”, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các chương trình, đề án của Chính phủ và các nhiệm vụ công tác Hội.

Đây cũng chính là 1 trong 3 nội dung can thiệp chính của Đề án 938, nằm trong tiêu chí “sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ” của Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, “Gia đình 5 có 3 sạch”; vấn đề an toàn thực phẩm cũng được chú trọng trong quá trình hỗ trợ phát triển các hợp tác xã, tổ hợp tác, nhất là đề án số 01 của Chính phủ về “Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030.

Các đại biểu tham dự Hội nghị

Trong quá trình thực hiện, Hội LHPN các tỉnh, thành đã chủ động đề xuất với Ủy ban nhân dân nội dung thực hiện Chương trình phối hợp cấp tỉnh; các cấp Hội đã phối hợp chặt chẽ với các ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Hội Nông dân và các ngành liên quan để triển khai hoạt động bằng nhiều hình thức sáng tạo, thiết thực, phù hợp với tình hình thực tế địa phương. Đến nay, 51/63 tỉnh, thành đã có phối hợp với UBND các tỉnh và các đơn vị liên quan để triển khai thực hiện Chương trình, 12 tỉnh, thành còn lại xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện chương trình phối hợp, lồng ghép các nội dung về an toàn thực phẩm vào kế hoạch triển khai hoạt động công tác Hội hằng năm.

Công tác tuyên truyền, vận động được thực hiện nhiều hình thức đa dạng, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội; các hoạt động hỗ trợ kết nối, tiêu thụ sản phẩm an toàn, những mô hình sáng tạo của Hội được đánh giá cao. Qua hai năm thực hiện Chương trình phối hợp, các cấp Hội đã tuyên truyền, vận động được hơn 186 nghìn hộ hội viên, phụ nữ, người dân sản xuất, kinh doanh ký cam kết tuân thủ quy định về an toàn thực phẩm, tích cực tham gia hưởng ứng các hoạt động bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và tạo thói quen lựa chọn, sử dụng thực phẩm sạch, an toàn, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; không mua bán hàng giả, hàng nhái, không rõ nguồn gốc và không sử dụng các chất cấm trong chăn nuôi, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất kháng sinh trong bảo quản, chế biến thực phẩm; phê phán mạnh mẽ, tiến tới loại bỏ dứt điểm tư tưởng “Rau hai luống, lợn hai chuồng”/phân biệt sản xuất để sử dụng và để kinh doanh.

Gian hàng trưng bày sản phẩm an toàn của phụ nữ tại Chợ quê an toàn được tổ chức sáng 15/6

Tổ chức được trên 4 nghìn buổi truyền thông, trên 5 nghìn lượt tin bài trên hệ thống loa phát thanh, đài, truyền hình và các trang thông tin của Hội; tập huấn nâng cao năng lực cho 125 cán bộ chủ chốt của Hội LHPN 63 tỉnh/thành; 22.712 cuộc tập huấn/hội thảo/nói chuyện chuyên đề về công tác an toàn thực phẩm, giúp cho cán bộ Hội các cấp, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên trong cả nước nâng cao kiến thức, kỹ năng tuyên truyền, vận động, hỗ trợ phụ nữ thực hiện đảm bảo an toàn thực phẩm. Tổ chức các lớp tập huấn kiến thức dinh dưỡng và xây dựng lối sống vui khỏe với sự tham gia của 8.000 hội viên, trong đó có 3.000 hội viên khởi tạo và duy trì quầy hàng “An toàn - Vui khỏe - Tiện lợi”…

Mô hình điểm “Phụ nữ nói không với thực phẩm không an toàn” và nhiều mô hình hiệu quả về thực hiện an toàn thực phẩm được các cấp Hội phụ nữ duy trì và nhân rộng như: mô hình “Làng 3 sạch” (Bắc Ninh)mô hình “2 dao 2 thớt”, “Nói không với chất cấm trong chăn nuôi, trồng trọt” (Bình Định), Tổ phụ nữ tiểu thương nói không với thực phẩm bẩn (Khánh Hòa), Chi hội tự quản về vệ sinh, an toàn thực phẩm (Thanh Hóa), “Nữ tiểu thương 3K, 3C - không mua, không bán, không sử dụng - có tâm, có uy tín, có khách hàng” (Long An)“Góc chợ phiên - Thực phẩm tin cậy” (TP Đà Nẵng)…

Hội nghị là dịp để chia sẻ kinh nghiệm hay, cách làm tốt trong công tác tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ, người dân thực hiện an toàn thực phẩm

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Hà Thị Nga, Ủy viên BCH TW Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam đánh giá cao những kết quả đạt được, hiệu quả thực tiễn của Chương trình phối hợp giữa Chính phủ, Hội Nông dân và Hội LHPN Việt Nam trong tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm chất lượng, an toàn vì sức khỏe cộng đồng, phát triển bền vững.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, số lượng các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm trên toàn quốc vẫn còn rất lớn, chủ yếu là các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ; nguy cơ mất an toàn thực phẩm còn hiện hữu, nhiều vụ ngộ độc thực phẩm gây hậu quả nghiêm trọng, tình trạng phân biệt sản xuất để kinh doanh và sử dụng; việc kết nối sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chất lượng, an toàn còn gặp khó khăn, chưa bền vững.

Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga phát biểu tại Hội nghị

Từ thực tế đó, Chủ tịch Hội Hà Thị Nga tin tưởng, Hội nghị sơ kết là dịp để Chính phủ, Hội Nông dân, Hội LHPN Việt Nam đánh giá những kết quả nổi bật đạt được, chia sẻ kinh nghiệm cách làm tốt trong quá trình triển khai Chương trình phối hợp; đồng thời thẳng thắn phân tích nhìn nhận, những vấn đề hạn chế, bất cập cần được quan tâm tháo gỡ và rút kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện hoạt động tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, hội viên, phụ nữ và người dân trong việc tuân thủ các quy định về sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm chất lượng, an toàn; đề xuất những kiến nghị, giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả Chương trình phối hợp trong thời gian tới.

Tại Hội nghị sơ kết, Hội LHPN các tỉnh, thành Hội LHPN TP Hồ Chí Minh, Thanh Hóa, Hải Phòng, Thái Bình, Hà Tĩnh đã có bài tham luận và giao lưu chia sẻ sáng kiến về công tác tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ và cộng đồng tham gia thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm; chia sẻ những cách làm tốt, các mô hình sáng tạo, hiệu quả trong triển khai Chương trình phối hợp gắn với nhiệm vụ công tác Hội. Các đại biểu tham dự Hội nghị cũng đã có những ý kiến đóng góp, chia sẻ nhằm xây dựng các giải pháp tiếp tục triển khai Chương trình phối hợp đạt được các mục tiêu, nội dung đề ra như: xây dựng mô hình thực hiện nông nghiệp cao, sản phẩm hữu cơ, chuỗi nông sản an toàn theo tiêu chuẩn trong nước và quốc tế theo quy mô hộ gia đình; quan tâm tổ chức các hoạt động hỗ trợ, kết nối tiêu thụ sản phẩm an toàn do phụ nữ sản xuất; có cơ chế nguồn vốn ưu đãi để hỗ trợ các gia đình đầu tư sản xuất, kinh doanh sản phẩm an toàn.

Chủ tịch Hội LHPN TP Hải Phòng Nguyễn Thị Kim Liên chia sẻ tại Hội nghị

Bà Nguyễn Thị Kim Liên, Chủ tịch Hội LHPN TP Hải Phòng chia sẻ: Hải Phòng hiện nay là thành phố trung tâm du lịch, dịch vụ sôi động, nổi tiếng của cả nước, trong đó có trào lưu Food tour đang được du khách quan tâm, yêu thích với 90% địa điểm food tour của TP là do phụ nữ phụ trách. Chính vì vậy, công tác tuyên truyền, vận động phụ nữ thực hiện bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm là rất quan trọng, được Hội LHPN TP quan tâm, hỗ trợ. Hội LHPN TP đã có danh sách các địa chỉ cung cấp thực phẩm an toàn, có xuất xứ cho các nhà hàng Food tour; phối hợp giám sát, hướng dẫn các hộ gia đình cách bảo quản, lưu trữ thức ăn; định kỳ khám sức khỏe cho các thành viên làm kinh doanh Food tour; biểu dương, tôn vinh các gia đình thực hiện tốt quy định an toàn thực phẩm.

Điểm nhấn của Hội nghị là tiết mục truyền thông sân khấu hóa với tiểu phẩm “Thực phẩm thời công nghệ” của Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa; liên khúc dân ca chèo có chủ đề về tuyên truyền, vận động sản xuất kinh doanh thực phẩm an toàn của Hội LHPN tỉnh Thái Bình biểu diễn đã mang lại nhiều thông điệp ý nghĩa về sự cần thiết, ý thức trách nhiệm trong sản xuất an toàn, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm an toàn vì chính sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng và tương lai bền vững.

Tiểu phẩm "Thực phẩm thời công nghệ" của Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa

Tiết mục liên khúc chèo với nội dung tuyên truyền về an toàn thực phẩm của Hội LHPN tỉnh Thái Bình

Mỗi cơ sở Hội xây dựng mô hình về an toàn thực phẩm; làm tốt vai trò giám sát

Kết luận Hội nghị, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Tôn Ngọc Hạnh nhấn mạnh, hội viên, phụ nữ vừa là người trực tiếp sản xuất, kinh doanh vừa là đố tượng thụ hưởng sản phẩm thực phẩm an toàn, do đó các cấp Hội có trách nhiệm tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, hỗ trợ chị em hiểu biết, tự giác tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm.

Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Tôn Ngọc Hạnh phát biểu kết luận Hội nghị

Phó Chủ tịch Hội đề nghị thời gian tới, ban chuyên môn của TW Hội tăng cường số hóa, cập nhật tài liệu; tập hợp các mô hình thực phẩm an toàn cập nhật lên phương tiện truyền thông của Hội, giúp các tỉnh, thành Hội thuận tiện trong chia sẻ, học tập, vận dụng phù hợp với điều kiện của địa phương.

Hội LHPN các tỉnh/thành phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo tiếp tục tập trung chỉ đạo các cấp Hội thực hiện có hiệu quả các nội dung của Chương trình phối hợp. Cập nhật các quy định, pháp luật về an toàn thực phẩm để tuyên truyền, phổ biến tới cán bộ, hội viên, phụ nữ. Sáng tạo để có nhiều mô hình đa dạng, hiệu quả, trong đó, mỗi cơ sở Hội có mô hình “Phụ nữ nói không với thực phẩm không an toàn” ở cả góc độ tiêu dùng và sản xuất, kinh doanh; thí điểm và nhân rộng mô hình “Chợ bảo đảm an toàn thực phẩm”, đồng thời vận động, xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, sản phẩm đặc thù OCOP; các mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, cung ứng nông sản thực phẩm chất lượng, an toàn do phụ nữ tham gia quản lý, được Hội hỗ trợ thành lập qua đó góp phần hỗ trợ nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ.

Tổ chức các hoạt động hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm, kết nối với các sàn giao dịch thương mại, hội chợ xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm chất lượng, an toàn, trong đó tập trung hỗ trợ các cơ sở kinh doanh, buôn bán nhỏ lẻ do phụ nữ tham gia quản lý có điều kiện khó khăn sản xuất thực phẩm an toàn theo quy trình quản lý chất lượng.

Cùng với đó, các cấp Hội từ TW đến cơ sở cần thể hiện rõ vai trò của tổ chức Hội trong giám sát, lên tiếng, chủ động phát hiện, lên án các trường hợp sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm không an toàn với các cơ quan chức năng; tham gia kiểm tra liên ngành, tập trung kiểm tra các cơ sở, địa điểm có nguy cơ cao về công tác an toàn thực phẩm; nghiên cứu, đề xuất các chính sách hỗ trợ hội viên phụ nữ trong xây dựng các mô hình thực hiện an toàn thực phẩm.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam

Tin cùng chuyên mục