Nhớ ngày khoét núi, làm đường

70 năm đã trôi qua, nhưng ký ức về những ngày “Khoét núi, ngủ hầm, mở đường...” để vận chuyển lương thực, đạn dược cho tiền tuyến vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí của bà Lương Đoàn Thị Tý, thôn Làng Cả, thị trấn Sơn Dương (Sơn Dương) - một dân công hỏa tuyến chiến trường Điện Biên năm xưa.

Năm 1952, khi ấy bà Tý mới 17 tuổi, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, bà Tý cùng nhiều thanh niên trong thôn xung phong đi phá đá, mở đường trên đèo Pha Đin. Bà Tý nhớ lại: Thời điểm ấy, không chỉ tham gia sửa đường, mở đường mà các bà còn tham gia vận chuyển lương thực, đạn dược và chuyển thương binh từ chiến trường về các trạm hậu cần để điều trị. Càng gần đến ngày đỉnh cao chiến dịch, máy bay địch hoạt động càng ráo riết, chúng ném bom, bắn phá rất dữ dội, nên mọi công việc phải chuyển sang làm vào ban đêm. Bà Tý  bảo, “lúc ấy phấn khởi lắm chả thấy mệt đâu. Cả công trường như ngày hội, ai cũng mong góp sức vào chiến dịch để ta thắng nhanh, giải phóng sớm.  Đèo Pha Đin khi ấy gần như không một bóng cây vì sức tàn phá của bom đạn. Thực dân Pháp ngày đêm bắn phá ác liệt, nhằm cắt đứt huyết mạch giao thông của ta. Bảo toàn tuyến đường qua đèo Pha Đin luôn thông suốt cho các đoàn xe đạp thồ, pháo binh, phương tiện, cứ đến tối là dân công, thanh niên xung phong, bộ đội cùng nhau sửa đường”.

Niềm vui chiến thắng ngày 7-5-1954 vẫn vẹn nguyên trong tâm trí bà Tý. Bà bảo, buổi chiều hôm đó, tôi và rất nhiều thanh niên, dân công tập trung cuốc đất, đá lấp hố bom, khi nghe chỉ huy thông báo bộ đội ta chiến thắng, ai cũng vui mừng và hò reo. Bây giờ, các chị em đi dân công hỏa tuyến thời đó, nhiều người đã không còn nữa.

Sau 2 năm tham gia dân công hỏa tuyến chiến dịch Điện Biên Phủ, bà Tý trở về quê hương. Đến giữa năm 1955 bà Tý lại xung phong đi phá đá, mở đường tàu ở Yên Bái theo phương châm “bộ đội ở đâu, dân công hỏa tuyến ở đó”. Mỗi ngày đều cuốc đất, đào núi mở đường với tâm thế ngày mai đất nước sẽ đổi mới nhờ giao thương thuận lợi nên bao khó khăn đều ở lại phía sau. Hơn 8 tháng mở đường, năm 1956, bà Tý về địa phương lập gia đình.  Năm nay bà hơn 80 tuổi rồi nhưng ký ức về những ngày hào hùng ấy vẫn còn nguyên trong trái tim bà. Đó là niềm tự hào, động lực để bà nuôi dạy con cháu trưởng thành, xây đắp cuộc sống mới hôm nay.                  

Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục