Khích lệ đội ngũ làm công tác văn hóa cơ sở

Ngày 14-11, Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” thành phố Hà Nội tổ chức họp báo thông tin về chung khảo Hội thi “Trưởng thôn thân thiện” thành phố Hà Nội lần thứ III - năm 2022.
 

Sự kiện nhằm nâng cao vai trò, vị trí của trưởng thôn trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ; củng cố kiến thức, kỹ năng trong triển khai các phong trào văn hóa ở địa phương, qua đó thực hiện có hiệu quả chủ đề năm công tác 2022 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về “Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và công tác tổ chức cán bộ”.

Theo đó, Hội thi “Trưởng thôn thân thiện” thành phố Hà Nội lần thứ III - năm 2022 được phát động từ tháng 8-2022, với sự tham gia, hưởng ứng của 18 huyện, thị xã trên địa bàn thành phố.

Với mục tiêu lan tỏa rộng khắp, hội thi được tổ chức từ cấp cơ sở, theo 3 cụm khu vực, tạo thành phong trào thi đua sôi nổi. Từ đây, ban tổ chức chọn ra 5 thí sinh xuất sắc nhất để tham gia vòng chung khảo. Đó là các đại diện đến từ các huyện: Gia Lâm, Đông Anh, Quốc Oai, Thường Tín và thị xã Sơn Tây. 

Phát biểu tại họp báo, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh cho biết, hội thi là cơ hội giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm trong việc triển khai các nội dung xây dựng đời sống văn hóa cơ sở nói chung, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” nói riêng. Đây cũng là dịp động viên đội ngũ làm công tác phong trào ở cơ sở, khích lệ các cán bộ cơ sở, mà cụ thể là vị trí trưởng thôn, thêm gắn bó mật thiết với phong trào, đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao ở địa phương. 

“Với mục tiêu sự kiện không chỉ dừng lại ở một hội thi, mà sẽ tiếp tục lan tỏa hiệu quả sâu rộng, những thí sinh bước ra từ hội thi, cùng với các nhiệm vụ đang đảm đương ở cơ sở, sẽ trở thành những báo cáo viên, trực tiếp trao đổi kinh nghiệm, thuật lại những câu chuyện triển khai thực hiện đời sống văn hóa nơi cơ sở một cách sinh động, thiết thực nhất”, bà Trần Thị Vân Anh nói.  

Cụ thể, chung khảo hội thi diễn ra ngày 15-11, tại huyện Đông Anh, với 3 phần thi: Chào hỏi, Kiến thức và Thuyết trình. Trong đó, phần Chào hỏi sẽ giới thiệu những nét nổi bật của các huyện, thị xã, xã, thôn về kết quả trong phong trào xây dựng làng văn hóa, xây dựng nông thôn mới, công tác tuyên truyền vận động nhân dân trong công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Tại phần thi Kiến thức, các thí sinh sẽ trả lời 5 câu hỏi bằng hình thức chọn đáp án đúng A-B-C. 

Thuyết trình là phần thi có nội dung chuyên sâu, thể hiện kiến thức, kỹ năng của mỗi thí sinh. Ở phần thi này, mỗi trưởng thôn sẽ đưa ra những kiến thức, kinh nghiệm, sáng kiến cá thân trong việc nâng cao chất lượng các mô hình văn hóa, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, xây dựng hương ước, quy ước, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, vận động toàn dân tham gia rèn luyện sức khỏe, nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”…

Dựa trên kết quả trình diễn của các thí sinh trong hai vòng thi sơ khảo và chung khảo, Ban tổ chức sẽ chọn ra 2 giải Nhất, 2 giải Nhì, một số giải Ba và Khuyến khích.

Theo Hanoimoi

Tin cùng chuyên mục