Agribank tăng sức hấp thụ vốn cho khách hàng

Sản xuất kinh doanh cần rất nhiều nguồn vốn, tuy nhiên không phải doanh nghiệp, cơ sở, hộ gia đình nào cũng có đủ vốn để đầu tư phát triển. Thấu hiểu những khó khăn về thiếu vốn, Agribank Tuyên Quang đã có nhiều biện pháp nhằm tăng cường sức hấp thụ vốn cho khách hàng.

Ra đời cách đây 7 năm, Hợp tác xã Chăn nuôi gia súc Yên Vân (Yên Sơn) đã từng có giai đoạn không quan tâm đến tín dụng ngân hàng bởi khi đó, quy mô chăn nuôi chưa “đủ lớn”. Thế nhưng, vài năm gần đây, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19, nhu cầu của thị trường tăng cao, yêu cầu về nguồn vốn để đầu tư phát triển quy mô, mở rộng sản xuất cũng được đặt ra với hợp tác xã. Anh Phạm Đức Mạnh, Giám đốc HTX cho biết, năm 2020, đầu năm 2021 ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 thị trường tiêu thụ trâu, bò thịt giảm hẳn, đứng trước nguy cơ thua lỗ lớn.

Cán bộ Ngân hàng Agribank tư vấn, hướng dẫn khách hàng vay tiếp cận các gói tín dụng ưu đãi.

Rất may trong thời điểm đó, HTX được vay 2,6 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi từ Agribank. Nhờ nguồn vốn mà các thành viên HTX có nguồn lực để chi phí thức ăn, duy trì đàn trâu, bò. Anh Mạnh khoe, hiện nay thị trường đã mở cửa, sản phẩm trâu, bò thịt gần như trở lại bình thường nên hoạt động chăn nuôi của HTX có chiều hướng phát triển khá. Hiện tại đàn trâu, bò thịt, sinh sản của HTX duy trì ở mức gần 100 con, ngoài ra HTX liên kết chăn nuôi, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi cho hàng chục hộ chăn nuôi trên địa bàn. Theo chia sẻ của anh Mạnh, việc tiếp cận vốn của hợp tác xã rất dễ dàng, khi hợp tác xã có nhu cầu, cán bộ Agribank đến tận trang trại, hướng dẫn thủ tục, tư vấn gói tín dụng, hỗ trợ hoàn thiện các thủ tục vay vốn.  

Cũng như hợp tác xã Yên Vân, gia đình ông Nguyễn Văn Cường, thôn Cây Xi, xã Cấp Tiến (Sơn Dương) cũng được Agribank tạo thuận lợi để tiếp cận gói vay ưu đãi để phát triển kinh tế gia đình. Theo ông Cường, tiếp cận được gói vay ưu đãi đã giảm được áp lực, tạo tâm lý thoải mái cho khách hàng như ông yên tâm đầu tư, phát triển sản xuất. Được biết ông Cường là khách hàng thân thiết của Agribank, cũng từ nguồn vốn vay của ngân hàng, gia đình ông đã gây dựng phát triển kinh tế trang trại chăn nuôi lợn với quy mô lên đến 600 con/lứa.

Theo lãnh đạo Phòng Dịch vụ - Maketing, Chi nhánh Agribank Tuyên Quang, trên thực tế, kinh tế hộ, doanh nghiệp nhỏ và vừa - thành phần đóng góp vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, luôn là đối tượng khách hàng chiến lược và được Agribank ưu tiên dành một nguồn lực lớn để xây dựng các chính sách, sản phẩm đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Agribank cũng luôn xem trọng và đặt lợi ích của đôi bên. Tăng cường sức hấp thụ vốn cho khách hàng, Agribank đang triển khai các gói tín dụng hỗ trợ khách hàng như gói tín dụng 30.000 tỷ đồng theo chương trình cho vay nhà ở xã hội theo Nghị quyết 33/NQ-CP của Chính phủ; chương trình tín dụng dành cho lĩnh vực lâm, thủy sản với quy mô dự kiến khoảng 3.000 tỷ đồng, giúp doanh nghiệp duy trì sản xuất ổn định nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng là doanh nghiệp, hộ gia đình mở rộng quy mô sản xuất và kinh doanh.

Cũng theo lãnh đạo Phòng Dịch vụ  - Maketting Agribank Tuyên Quang, mặc dù phải cạnh tranh huy động vốn theo cơ chế thị trường, song mỗi năm, Agribank vẫn dành hàng nghìn tỷ đồng để hỗ trợ cho vay lãi suất thấp đối với các đối tượng khách hàng, cùng tháo gỡ khó khăn, phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. Chỉ riêng năm 2023, Agribank đã có nhiều lần điều chỉnh giảm lãi suất cho vay. Lãi suất các khoản cho vay thông thường phát sinh mới giảm từ 2 - 4%/năm so với đầu năm; điều chỉnh giảm lãi suất tối đa 3% đối với khách hàng là pháp nhân vay vốn với mục đích kinh doanh bất động sản gặp khó khăn; điều chỉnh giảm tối thiểu 0,5% lãi suất cho các khách hàng hiện có dư nợ trung dài hạn bằng VND tại Agribank.

Thời gian tới, Agribank tiếp tục triển khai các Chương trình hỗ trợ tín dụng của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, trong đó, Agribank sẽ tiếp tục điều hành lãi suất linh hoạt, nỗ lực tiết giảm chi phí, tiếp tục giảm lãi suất đầu vào để giảm lãi suất cho vay; đẩy mạnh các chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất dành cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu quy mô 25.000 tỷ đồng, doanh nghiệp vừa và nhỏ quy mô 20.000 tỷ đồng; đa dạng hóa sản phẩm tín dụng phù hợp với các phân khúc khách hàng, theo từng ngành nghề, lĩnh vực, theo từng địa bàn; chuẩn hóa quy trình, giảm thiểu thủ tục và thời gian xét duyệt khoản vay; đẩy mạnh các kênh truyền thông để các thông tin về các chương trình cho vay ưu đãi đến được với rộng khắp khách hàng, trong đó có doanh nghiệp.

Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục