Những phụ nữ chọn “nghề của đàn ông”

Nghe tiếng búa gõ chan chát, tiếng vặn cờ lê chắc nịch những tưởng là một đấng nam nhi lực lưỡng, nhưng đó lại là một cô gái trẻ làm nghề sửa chữa các thiết bị xe nâng. Cô gái ấy cùng biết bao phụ nữ khác trong xã hội đã lựa chọn nghề nặng nhọc để làm kế sinh nhai. 2 chị em đều làm nghề sửa chữa ô tô

Nguyễn Thị Thu Trang, 23 tuổi từng là sinh viên lớp Cao đẳng Công nghệ ô tô K16, trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang đã ra trường và làm việc tại thủ đô Hà Nội được hơn 2 năm với công việc hàng ngày là đến các công trình bảo dưỡng, sửa chữa các thiết bị xe nâng, xe ô tô. Khác với những “bóng hồng” khác với quần là áo lượt, váy áo điệu đà thì Trang luôn lấm lem dầu mỡ, chân tay không lúc nào yên.

Trang kể, có lẽ học nghề sửa chữa ô tô nó là cái duyên với em. Từ hồi đi học em được bạn bè đánh giá là đứa cá tính, tính tình chẳng khác đàn ông. Và sau này khi em quyết định đăng ký học nghề sửa chữa ô tô thì nhiều người bạn lại được phen mắt “chữ a”, mồm “chữ o”. Gia đình lúc đầu cũng không ủng hộ vì “con gái ai lại sửa chữa ô tô”.

Những “bóng hồng” học nghề Điện công nghiệp tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Lâm Bình.

Thế nhưng chí đã quyết và đến nay em vẫn rất yêu thích nghề này, càng làm nghề lại càng gắn bó với nghề cũng thật thú vị, những bạn hàng, chủ lái máy đều là đàn ông lúc đầu thấy em họ e ngại nhưng em được học hành tử tế, có tay nghề, làm được việc nên họ rất nể phục. Hiện thu nhập của em mỗi tháng cũng được từ 15 đến 20 triệu đồng.

Lương cao là một chuyện nhưng để gắn bó với những nghề vất vả như sửa chữa ô tô thì không phải ai cũng làm được. Đối với Trang chuyện đi công trường hay thường xuyên phải tiếp xúc với máy móc đã tôi luyện trong em sự rắn rỏi, tinh thần vượt qua khó khăn. Trang bảo, có lẽ em làm nghề này cánh con trai sợ nên giờ này em vẫn chưa có mảnh tình vắt vai.

Biết công việc của chị vất vả nhưng em gái Trang là Nguyễn Thị Huyền Trang cũng lựa chọn học nghề sửa chữa ô tô và đến nay cả 2 chị em đều làm việc tại Công ty TNHH Thiết Bị & Xây Dựng Công Trình Hải Vân (Hà Nội). Tại đây 2 chị em luôn hoàn thành tốt công việc, được công ty đánh giá cao bởi sự chăm chỉ và phong cách làm việc khoa học. Công ty cũng tạo điều kiện hết sức để “những tay ốc bu lông” là phụ nữ hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Chị Nguyễn Thị Thu Trang làm nghề sửa chữa ô tô, xe nâng.

Ông Trần Nhữ Thanh, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh - Liên kết và Giới thiệu việc làm, trường cao đẳng nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang cho biết, thỉnh thoảng ở các lớp như Điện Công nghiệp, Công nghệ sửa chữa ô tô vẫn có học sinh nữ đến đăng ký học nghề. Bộ phận tuyển sinh của nhà trường đã tư vấn cụ thể để các em hiểu rõ về ngành nghề theo học và nhiều em vẫn quyết định tham gia. Điều đó cho thấy xã hội ngày càng bình đẳng và ngày càng có nhiều ngành nghề được phụ nữ lựa chọn, nhiều người nghĩ những nghề đó chỉ dành cho đàn ông nhưng điều đó chưa đúng bởi phụ nữ lại học tốt và ra trường làm nghề rất giỏi.

“Phụ nữ làm việc gì cũng giỏi”

Đó là nhận xét của cô giáo Ma Thị Hồng, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Lâm Bình đối với các học viên nữ lớp trung cấp Điện Công nghiệp K3 chuẩn bị ra trường. Lớp này có 30 học viên nhưng chiếm gần 1/3 là nữ, một điều hết sức lạ lùng đối với nghề được nhiều người coi chỉ phù hợp đối với đàn ông. Theo cô Hồng thì đây cũng là lớp học nghề điện có đông các bạn nữ học nhất từ trước đến nay.

Các bạn nữ ở lớp này rất chịu khó học nghề, không chỉ chịu khó học nghề, học văn hóa, nhiều bạn còn tích cực tham gia nhóm khởi nghiệp tại HTX Thổ cẩm Lâm Bình để góp phần bảo tồn, giữ gìn văn hóa truyền thống. Không biết có phải là do hoàn cảnh không nhưng các em rất nỗ lực, quyết tâm trong học tập bởi gần như 100% học viên đều thuộc hộ khó khăn, hộ nghèo.

Em Nguyễn Thị Tiếp, dân tộc Tày, nhà ở huyện Na Hang chia sẻ lý do chọn học nghề điện công nghiệp rằng, em nghĩ đây là nghề học xong cũng dễ có khả năng xin được việc và có thể đăng ký đi xuất khẩu lao động. Nhà em thuộc diện hộ nghèo nên em quyết tâm học nghề để sau này phụ giúp gia đình. Dù nhiều người bảo con gái học nghề điện không hợp nhưng em đã quyết tâm rồi và em nghĩ trong xã hội nghề nào cũng thật đáng quý, nếu mình tâm huyết, mình cố gắng “sống chết” với nghề sẽ không phụ mình.

Học viên nữ thực hành nghề điện tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Lâm Bình.

Đối với các học viên học tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên các huyện và trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang thì học xong đều được tư vấn, giới thiệu việc làm tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh bởi thế trong những năm gần đây tỷ lệ học viên học xong xin được việc làm ngay càng tăng.

Hiện nay, trong xã hội, không ít phụ nữ chọn những công việc nặng nhọc mà vốn được coi là chỉ phù hợp với đàn ông như lái xe, thợ xây, bốc vác, sửa chữa điện, sửa chữa ô tô… Chị Hoàng Thị Quỳnh ở xã Kim Phú (TP Tuyên Quang) làm nghề lái xe tải tâm sự: “thân gái dặm trường, nhiều lúc cho kịp giờ giao hàng phải ăn tạm ổ bánh mỳ để lấy sức vượt quãng đường cả trăm km nhưng nghĩ về gia đình về các con nên mình phải cố gắng thôi, nghề nào cũng có sự vất vả riêng nên mình chấp nhận và thấy hạnh phúc với nghề, ngày nào không được ôm vô lăng là lại thấy nhớ”.

Có thể nói, không chỉ hoàn thành tốt thiên chức làm mẹ, làm vợ, những người phụ nữ Việt Nam vẫn luôn cố gắng tìm chỗ đứng phù hợp với mình, khẳng định vai trò bản thân trong gia đình và xã hội... Họ đã góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế của quê hương, đất nước.

Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục