Đầm ấm gia đình nhiều thế hệ

Xã hội ngày càng phát triển theo hướng hiện đại, nhiều gia đình, nhất là các gia đình trẻ có xu hướng muốn sống riêng để có điều kiện thích hợp cho công việc bận rộn. Nhưng không ít gia đình hiện nay vẫn lựa chọn sống chung với ông bà, bố mẹ trong một ngôi nhà. Những tổ ấm nhiều thế hệ cùng chung sống là sự kết hợp giữa những giá trị hiện đại nhưng cũng thẩm thấu những giá trị truyền thống.

Đến thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm (Lâm Bình) hỏi thăm nhà ông Vi Văn Thân ai cũng biết. Gia đình ông Thân hiện có 3 thế hệ cùng chung sống hòa thuận, hạnh phúc và nhiều năm liên tục đạt danh hiệu Gia đình văn hóa tiêu biểu. Hai vợ chồng ông Thân năm nay đã gần 80 tuổi nhưng được sống quây quần, vui vẻ bên con, cháu nên vẫn khỏe mạnh. Ông bà vẫn say sưa lao động để phụ giúp cho con trai và con dâu làm kinh tế. Ông Thân và vợ sau khi nghỉ hưu vừa ở nhà trông cháu cho con trai vừa trồng rừng, nuôi cá, nuôi gia cầm để cải thiện bữa ăn. Bà Hỏa Thị Nại, vợ ông ngoài thời gian giúp chồng làm kinh tế còn lo nội trợ để mỗi bữa cơm các con đi làm, các cháu đi học về có cơm ngon, canh ngọt.


Gia đình anh Lê Hồng Khanh, tổ 5, phường Tân Hà (TP Tuyên Quang) luôn sống chan hòa,
vui vẻ dù có nhiều thế hệ cùng chung sống.

Con trai và con dâu của ông Thân và bà Hỏa làm trang trại tổng hợp cách nhà khá xa nhưng buổi trưa đều tranh thủ về nhà để ăn cơm với bố mẹ. Chị Hoàng Thị Đanh, con dâu của ông Thân cho biết, ở trong trang trại, vợ chồng chị đều có thể nấu ăn ở trong đó nhưng trưa nào anh chị cũng thu xếp thời gian về sớm để ăn trưa cùng với cả nhà cho đông vui. Những hôm ông bà đau ốm, anh chị đều nghỉ hẳn công việc để ở nhà trông nom bố mẹ. Ông Thân bảo: “Trong nhà, mỗi người đều có một việc, làm sao để phấn đấu kinh tế gia đình ngày càng khấm khá lên. Vì vậy, ai cũng có ý thức bảo ban, giúp đỡ nhau làm ăn và sống chan hòa”.

Chúng tôi tìm đến gia đình anh Lê Hồng Khanh, tổ 5, phường Tân Hà (TP Tuyên Quang). Gia đình anh Khanh cũng có 3 thế hệ cùng chung sống. Anh Khanh là công nhân Công ty cổ phần Xây dựng thủy lợi, vợ làm giáo viên trường tiểu học. Anh Khanh là con thứ 6 trong số 8 anh, chị em. Chưa khi nào, anh Khanh và vợ có ý định ra ở riêng. Chị Trương Hải An, vợ của anh Khanh chia sẻ: "Ở cùng người già không hề dễ dàng. Đi đứng, nói năng đều phải nhẹ nhàng. Thói quen ăn uống của mình đôi khi cũng phải thay đổi để phù hợp với bố mẹ và các thành viên trong gia đình. Người già thường dậy sớm, ăn sáng muộn hơn và đi ngủ tối cũng sớm hơn. Các món ăn khi mình nấu phải thay đổi liên tục để bố mẹ không bị nhàm chán. Bởi vậy, mỗi sáng sớm, mình thường phải dậy sớm đi chợ, bỏ chút thời gian để nấu ăn sáng cho mọi người trong gia đình".

Những hôm chị An phải đi dạy học sớm, chồng chị lại thay vợ làm những công việc ấy. Nhờ có sự giúp đỡ lẫn nhau nên chị An luôn cảm thấy công việc trong gia đình được chồng chia sẻ, cảm thông. Bởi vậy, bao năm qua, dù có lúc bị luân chuyển công tác xa nhà tận Chiêm Hóa nhưng chị An vẫn chăm sóc gia đình chu toàn. Chị An cho biết thêm, việc chung sống nhiều thế hệ trong một ngôi nhà sẽ tạo sự gắn kết hơn trong gia đình làm cho mỗi người biết sống vì cái chung nhiều hơn.

Cũng là gia đình văn hóa tiêu biểu có nhiều thế hệ chung sống ở thôn Lập Thành, xã Mỹ Bằng (Yên Sơn), gia đình ông Vũ Xuân Tình cũng được nhiều người biết tới bởi lối sống gương mẫu, đoàn kết, yêu thương lẫn nhau. Ngôi nhà nhỏ có 8 nhân khẩu cùng chung sống nhưng đối với vợ chồng ông Tình và con trai không lấy đó là bất tiện mà nó thực sự là tổ ấm của cả gia đình. Ông Tình có 4 người con gồm 3 trai, 1 gái. Ông chọn ở cùng với người con trai út là anh Vũ Xuân Hảo làm dịch vụ vận tải hành khách. Vợ anh Hảo làm nghề buôn bán tự do nên thường đi sớm về muộn. Anh Hảo cũng chạy xe khách đường dài nên khá vất vả. Công việc trong gia đình được vợ chồng ông Tình và con trai, con dâu phân công hợp lý và dân chủ. Biết con dâu đi làm thường về muộn nên bà Dung, vợ ông Tình thường nhận việc dọn dẹp nhà cửa và công việc bếp núc. Các con của anh Hảo cũng được ông bà chăm nom, chỉ bảo học hành.

Bà Dung cho biết, vợ chồng bà luôn tạo điều kiện tốt nhất về mặt thời gian để con trai và con dâu bà làm ăn. Bởi vậy bà thường đảm nhận việc nhà mà chẳng mấy khi kêu ca, trách móc, nặng lời với con dâu. Bà Dung quan niệm “Mình cứ thương con dâu hết lòng như con gái thì con dâu cũng thương mình”. Suy nghĩ như vậy nên mối quan hệ giữa bà với cô con dâu luôn vui vẻ.

Để có hạnh phúc và duy trì ngọn lửa hạnh phúc trong mỗi gia đình là điều không đơn giản. Song để có được hạnh phúc trong ngôi nhà chung sống nhiều thế hệ càng không dễ vì đòi hỏi mỗi thành viên phải biết cách dung hòa lối sống, thói quen, quan điểm sống của nhau, biết tha thứ và bao dung cho nhau. Nếu mỗi người làm được như vậy thì mỗi gia đình có nhiều thế hệ cùng chung sống sẽ thực sự là một mái ấm gìn giữ những giá trị truyền thống của gia đình Việt trong môi trường sống hiện đại.

Theo Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục