Hiệu quả khám, chữa bệnh từ xa

Khám, chữa bệnh từ xa đang dần trở thành xu hướng, giúp giảm tải bệnh viện; người bệnh được khám chữa bệnh với các bác sỹ giỏi, đỡ tốn kém, mất thời gian đi lại. Đặc biệt đối với nhiều bệnh nhân nặng, cấp cứu không kịp chuyển tuyến, các bác sỹ sẽ hội chẩn, tư vấn trực tuyến, giúp cứu chữa người bệnh.

Đề án Khám chữa bệnh từ xa đã được ban hành tại Quyết định số 2628/QĐ-BYT ngày 22-6-2020 với mục tiêu mọi người dân đều được quản lý, tư vấn, khám bệnh, chữa bệnh, hỗ trợ chuyên môn của các bác sỹ từ tuyến xã đến tuyến Trung ương; người dân được sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng của tuyến trên ngay tại cơ sở y tế tuyến dưới. Các cơ sở y tế được hỗ trợ chuyên môn thường kỳ và đột xuất từ các bệnh viện tuyến cuối dựa trên nền tảng công nghệ thông tin; góp phần giảm quá tải bệnh viện tuyến trên, nâng cao chất lượng, hiệu quả khám, chữa bệnh và sự hài lòng của người dân.

Một ca mổ cấp cứu thành công cho cụ ông 80 tuổi tại Trung tâm Y tế huyện Chiêm Hóa thông qua hội chẩn với Bệnh viện Bạch Mai.

Thạc sỹ, bác sỹ Lê Đào Bích, Trưởng phòng Nghiệp vụ Y, Dược, Sở Y tế Tuyên Quang cho biết, thực hiện Đề án Khám chữa bệnh từ xa giai đoạn 2020 - 2025 của Bộ Y tế, Sở Y tế Tuyên Quang đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn rà soát, đăng ký nhu cầu tham gia Đề án. Theo đó, đến nay có 13 điểm cầu khám chữa bệnh từ xa được kết nối với các bệnh viện tuyến Trung ương, trong đó có 2 đơn vị y tế là Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Trung tâm Y tế huyện Chiêm Hóa tham gia trực tiếp hội chẩn khám chữa bệnh từ xa, còn lại 11 đơn vị y tế hội chẩn với tư cách là dự thính các buổi họp trực tuyến của Bệnh viện Bạch Mai, Trường Đại học Y Hà Nội và các bệnh viện chuyên ngành.

Nhờ có chương trình khám chữa bệnh từ xa mà bà con ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa không còn phải đi lại vất vả mà vẫn có thể được các bác sỹ tuyến Trung ương khám, tư vấn, hội chẩn và đưa ra phác đồ điều trị. Điển hình như trường hợp của bệnh nhân nhi Hoàng Văn M, xã Xuân Quang (Chiêm Hóa) nhập viện với tình trạng đau tức ngực trái, đau âm ỉ liên tục, đau tăng khi vận động, kèm theo khó thở nhẹ, sốt nhẹ 3 ngày từng cơn, gầy sút 3 kg trong vòng 1 tháng... Nhận định ca bệnh khó, kíp trực tại Trung tâm Y tế huyện Chiêm Hóa đã tiến hành hội chẩn trực tuyến với đầu cầu Bệnh viện Bạch Mai qua hệ thống khám, chữa bệnh từ xa. Sau hội chẩn trực tuyến, bệnh nhân được chẩn đoán là do ăn cua đá nướng bị nhiễm sán, bệnh nhân sau ăn bị nhiễm sán lá phổi. Sau hội chẩn bệnh nhân được điều trị theo hướng tiêu diệt sán lá phổi, sức khỏe đã ổn định trở lại.

Bác sỹ Trần Tuấn Bình, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Na Hang cho biết, từ khi đơn vị tham gia hội chẩn với tư cách là dự thính, các bác sỹ của Trung tâm cũng được trang bị thêm nhiều kiến thức về chẩn đoán bệnh và hướng điều trị chuyên sâu hơn cho các ca bệnh đến khám và điều trị tại Trung tâm. Việc tham dự các buổi hội chẩn từ xa sẽ giúp bệnh nhân được kiểm tra, kiểm soát sức khỏe kịp thời.

Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, hệ thống khám chữa bệnh từ xa được khai trương từ cuối năm 2020. Hệ thống khám chữa bệnh từ xa của Bệnh viện bao gồm các nội dung: tư vấn phòng bệnh, chăm sóc người bệnh, khám chữa bệnh từ xa; hội chẩn, tư vấn chẩn đoán hình ảnh; hội chẩn tư vấn phẫu thuật từ xa... dựa trên nền tảng hệ thống công nghệ thông tin, nhằm nâng cao năng lực chuyên môn, tạo sự liên thông trong hệ thống y tế, giảm quá tải bệnh viện tuyến trên, nâng cao hiệu quả khám, chữa bệnh và sự hài lòng của bệnh nhân.

Trong năm 2022, Bệnh viện đăng ký tham gia khám chữa bệnh từ xa với các Bệnh viện tuyến trung ương được 22 ca bệnh với Bệnh viện tim Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức... Tham gia dự thính hội chẩn khám chữa bệnh, sinh hoạt khoa học được gần 30 lượt với các bệnh viện tuyến Trung ương.

Chị Nguyễn Thị Mai Duyên, phường Phan Thiết (TP Tuyên Quang) chia sẻ: trước kia, gia đình chị có người bị bệnh nặng là đưa về khám và điều trị tại các bệnh viện ở Trung ương, vừa mất thời gian đi lại, vừa tốn kém, nhất là gia đình không tiện chăm sóc. Bây giờ gia đình chị có ai đi khám, điều trị hay làm các phẫu thuật tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh vẫn được các bác sỹ uy tín ở Trung ương chẩn đoán bệnh, điều trị nên đỡ vất vả, tiết kiệm được thời gian và chi phí rất nhiều.

Đề án “Khám, chữa bệnh từ xa” của Bộ Y tế là một giải pháp quan trọng, mang đến lợi ích cho cả người bệnh và cơ sở y tế, đóng góp vào tiến trình chuyển đổi số của ngành Y tế. Đây được coi là “cánh tay nối dài” của hệ thống y tế, xóa nhòa ranh giới giữa các tuyến, phát huy hiệu quả cao nhất công tác chăm lo sức khỏe cho nhân dân.

Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục