Tập huấn cho 140 đại biểu về đối thoại chính sách và công tác chính sách, luật pháp khu vực phía Nam

Từ ngày 11- 12/5/2023, TW Hội LHPN Việt Nam đã tổ chức lớp tập huấn về đối thoại chính sách và công tác chính sách, luật pháp khu vực phía Nam theo hình thức trực tiếp và trực tuyến tại Bình Định.
 Các học viên trao đổi, thảo luận tại lớp tập huấn

Trong 2 ngày tập huấn, hơn 60 đại biểu đến từ 20 tỉnh/thành phố tham gia tập huấn trực tiếp và 80 cán bộ của 19 tỉnh, thành phố tham gia tập huấn trực tuyến đã được cung cấp thông tin, cập nhật và hướng dẫn triển khai các nội dung về công tác giám sát, phản biện xã hội; phổ biến, giáo dục pháp luật; giải quyết đơn thư, quy trình lên tiếng tham gia giải quyết vụ việc bạo lực, xâm hại phụ nữ và chuyên đề đối thoại chính sách cấp xã, cụm thôn bản trong khuôn khổ Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ, trẻ em" thuộc Chương trình MTQG vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 - 2030.

Phát biểu khai mạc chương trình, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương nhấn mạnh, trong năm 2023, công tác chính sách – luật pháp được triển khai với những căn cứ, định hướng quan trọng: Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành văn bản chỉ đạo, đồng thời tiến hành sơ, tổng kết một số Nghị quyết, Chỉ thị quan trọng liên quan đến công tác chính sách – luật pháp; các vấn đề liên quan đến chính sách an sinh xã hội đang được thảo luận, xây dựng; nhiều văn bản Luật mới được thông qua và sẽ được thảo luận trong năm có liên quan trực tiếp đến phụ nữ. Tình trạng bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em tiếp tục xảy ra với mức độ ngày càng nghiêm trọng. Bên cạnh đó, TW Hội cũng đã ban hành các văn bản định hướng chiến lược và hướng dẫn triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác chính sách – luật pháp.

Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương phát biểu mở đầu chương trình

Học viên tham dự tập huấn đã có cơ hội thực hành xây dựng kế hoạch, trình diễn đối thoại chính sách cấp xã và cụm thôn bản theo các nội dung cụ thể được lựa chọn từ các tỉnh tham dự tập huấn. Đồng thời, các ý kiến đưa ra tập trung vào các nội dung giải quyết những tồn tại, hạn chế và đảm bảo chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của tổ chức Hội, thực hiện Chỉ thị 18-CT/TW của Ban Bí thư về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Theo đó, cách thức thực hiện công tác chính sách – luật pháp, đặc biệt là công tác lên tiếng, bảo vệ phụ nữ, trẻ em cần được đa dạng hóa phù hợp với bối cảnh chuyển đổi số hiện nay, trọng tâm là đẩy mạnh ứng dụng CNTT. Việc phát hiện, lên tiếng, tham gia giải quyết các vụ việc xâm hại, bạo lực phụ nữ, trẻ em cần đảm bảo quy trình, thời hạn và tính cập nhật, thể hiện rõ vai trò và tiếng nói của tổ chức Hội.

Toàn cảnh buổi tập huấn

Thảo luận tại lớp tập huấn, các đại biểu cũng cho rằng, trong khuôn khổ Dự án 8, nội dung tăng cường tiếng nói và sự tham gia của phụ nữ được triển khai thông qua đối thoại chính sách cấp xã và cụm thôn bản, do đó, cần tập trung cho việc lập kế hoạch, quy trình và cách thức tổ chức thực hiện đối thoại chính sách cấp xã và cụm thôn bản, nhất là những địa bàn có số lượng lớn các cuộc đối thoại theo chỉ tiêu đã được phân bổ.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam

Tin cùng chuyên mục