Các thế hệ phụ nữ Việt Nam mãi tự hào và khắc ghi những chiến công hiển hách, sự hi sinh thầm lặng của cô Ba Định

Đây là lời khẳng định của Ủy viên BCH TW Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga tại buổi sinh hoạt chuyên đề “Nhớ cô Ba Định” nhằm tưởng nhớ 30 năm ngày mất vị nữ tướng tài danh, người con ưu tú của quê hương Đồng khởi Bến Tre - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Thiếu tướng Nguyễn Thị Định, nguyên Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam - người vẫn thường được gọi với tên thân thương “Cô Ba Định”, sáng 22/8.
 Ủy viên BCH TW Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga phát biểu tại buổi sinh hoạt chuyên đề "Nhớ cô Ba Định" diễn ra sáng 22/8 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam

Cổng Thông tin điện tử TW Hội LHPN Việt Nam xin trân trọng đăng toàn văn bài phát biểu của đồng chí Hà Thị Nga, Ủy viên BCH TW Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam:

Kính thưa các vị đại biểu, các vị khách quý,

Thưa các cô, các chị, toàn thể các đồng chí lãnh đạo cơ quan TW Hội, cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan TW Hội và các đơn vị trực thuộc

Thưa toàn thể các vị,

Hôm nay, trong không khí thiêng liêng, bằng tất cả tấm lòng thành kính, tri ân, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức buổi sinh hoạt chuyên đề “Nhớ cô Ba Định” nhằm tưởng nhớ 30 năm ngày mất vị nữ tướng tài danh, người con ưu tú của quê hương Đồng khởi Bến Tre - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Thiếu tướng Nguyễn Thị Định, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam - người vẫn thường được gọi với tên thân thương “Cô Ba Định”. 

Sinh ra và lớn lên trong gia đình nông dân giàu lòng yêu nước và cách mạng, cô Ba Định tham gia cách mạng khi mới 16 tuổi và vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng khi cô tròn 18 tuổi. Trong suốt những năm tháng hoạt động cách mạng, Cô đã đối mặt và vượt qua nhiều mất mát, hi sinh khi gia đình chia cắt, phải xa con khi con còn quá nhỏ, bản thân bị lưu đày khắc nghiệt; chồng bị địch bắt rồi hi sinh. Nén niềm đau riêng, bằng ý chí và nghị lực phi thường, cô đã cùng đồng đội vượt qua mưa bom, bão đạn làm nên những chiến công khiến quân thù khiếp sợ. Cô tích cực hoạt động Mặt trận Việt Minh và tham gia lãnh đạo khởi nghĩa giành chính quyền tại Bến Tre vào Tổng khởi nghĩa tháng 8 năm 1945.

Nói đến sự kiện lịch sử vĩ đại Đồng khởi năm 1960, không thể không nhắc đến đóng góp to lớn của cô Ba Định trên cương vị Phó Bí thư rồi Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre. Ngay cả cái tên “Đồng khởi” cũng do Cô đề xuất, với sự liên tưởng từ cuộc khởi nghĩa đồng loạt trong cách mạng tháng Tám năm 1945, là phải nhất tề nổi dậy mới đi đến thắng lợi. Ra đời trong phong trào Đồng khởi, “Đội quân tóc dài” - gắn với tên tuổi của cô Ba Định - đã trở thành một đội quân độc đáo hiếm có trên thế giới.

Đánh giá về những cống hiến của Nữ tướng Nguyễn Thị Định trong phong trào Đồng Khởi và quá trình ra đời, hoạt động của “Đội quân tóc dài”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Miền Nam anh hùng có đội quân đấu tranh chính trị gồm hàng vạn chiến sĩ toàn là phụ nữ. Họ rất mưu trí và dũng cảm làm cho địch phải khiếp sợ và gọi là “Đội quân tóc dài”. Phó Tổng Tư lệnh Quân Giải phóng là cô Nguyễn Thị Định. Cả thế giới chỉ nước ta có vị tướng quân gái như vậy. Thật là vẻ vang cho miền Nam, cho cả dân tộc ta.”

Hơn nửa thế kỷ hoạt động cách mạng, tên tuổi cô Ba Định không chỉ gắn liền với Đồng Khởi, Đội quân tóc dài, với những danh hiệu cao quý, trách nhiệm quan trọng như Thiếu tướng, Phó Tổng Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam đầu tiên, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước mà với phong trào phụ nữ và công tác Hội, Cô còn là người Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thân thương, đáng kính - người đã sáng tạo nên những phong trào vận động phụ nữ hiệu quả, góp phần nâng cao vai trò, vị thế và uy tín của tổ chức Hội LHPN Việt Nam trong thời kỳ thống nhất đất nước và những năm đầu đổi mới, người đã dìu dắt nhiều thế hệ cán bộ Hội Phụ nữ với muôn vàn kinh nghiệm phong phú, quý báu và thiết thực từ thực tiễn.

Sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất, cô Ba Định luôn quan tâm đến vấn đề quyền phụ nữ và bảo tồn những đóng góp của phụ nữ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Từ thực tiễn sinh động của lịch sử phong trào phụ nữ và đặc biệt từ cuộc đời hoạt động cách mạng của bản thân, Cô luôn trân trọng và đánh giá tiềm năng to lớn, phẩm chất cao đẹp của phụ nữ Việt Nam với những định hướng chiến lược nhằm tập hợp, vận động các tầng lớp phụ nữ Việt Nam phát huy truyền thống cách mạng, giáo dục phẩm chất tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ mới, ra sức lao động sản xuất, công tác, tổ chức cuộc sống gia đình.

Cô đặc biệt quan tâm tới công tác nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước ban hành các chủ trương, chính sách, luật pháp chăm lo đời sống vật chất, tinh thần và khởi dậy, phát huy tiềm năng, sức sáng tạo cùa phụ nữ Việt Nam. Quãng thời gian gắn bó với công tác Hội và phong trào phụ nữ có thể nói là lâu nhất trong sự nghiệp của Cô với nhiều dấu ấn như đề xuất tham mưu Chỉ thị số 44-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về một số vấn đề cấp bách trong công tác cán bộ nữ, đề xuất Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 163-HĐBT ngày 19/10/1988 quy định trách nhiệm của các cấp chính quyền tạo điều kiện để Hội tham gia quản lý Nhà nước - văn bản pháp lý đầu tiên thể chế hóa vai trò đại diện cho quyền làm chủ của các tầng lớp phụ nữ tham gia quản lý Nhà nước của Hội, phát động cuộc vận động “Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế gia đình” và “Nuôi dạy con tốt, góp phần hạn chế trẻ em suy dinh dưỡng và bỏ học”… Cô còn là người đặt nền móng và dành nhiều tâm huyết cho sự ra đời của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.

Chủ tịch Hà Thị Nga cùng các đại biểu lắng nghe giới thiệu về cô Ba Định

Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng phong phú, sôi nổi, dù ở bất cứ đâu, ở cương vị nào, cô Ba luôn thể hiện tinh thần trung kiên, suốt đời phấn đấu, hi sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng phụ nữ, với đức tính khiêm nhường, lòng vị tha, nhân hậu, gắn bó mật thiết với nhân dân và tinh thần làm việc hăng say đến hơi thở cuối cùng. 

Kế thừa và phát huy truyền thống của tổ chức Hội và những thành quả của các thế hệ cán bộ, phụ nữ đi trước, trong đó có cô Ba Định, những năm qua, Hội LHPN Việt Nam đã không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, phát huy tiềm năng, sức sáng tạo và vai trò làm chủ của các tầng lớp phụ nữ, hướng đến nhiều đối tượng khác nhau, mở rộng tính liên hiệp để tăng cường vai trò đại diện và xây dựng, phát huy sự tham gia, vai trò của nguồn nhân lực nữ chất lượng cao đồng thời có nhiều giải pháp cụ thể dành cho nhóm phụ nữ đặc thù, khó khăn; các chương trình “Mái ấm tình thương”, “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, “Mẹ đỡ đầu”... là những ví dụ tiêu biểu.

Ngày hôm nay, nhớ về Cô, cán bộ, hội viên, phụ nữ cả nước và cơ quan TW Hội LHPN Việt Nam xin nguyện noi gương và kế tục xứng đáng truyền thống tốt đẹp của các bà, các mẹ, các cô, các thế hệ phụ nữ đi trước, nguyện một lòng đoàn kết vượt qua khó khăn, thách thức, nắm bắt cơ hội, không ngừng đổi mới, sáng tạo, xây dựng và phát triển tổ chức Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt nam ngày càng vững mạnh, góp phần cùng các cấp, các ngành quyết tâm xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Lịch sử dân tộc và các thế hệ phụ nữ Việt Nam mãi mãi tự hào và khắc ghi những chiến công hiển hách và cả những hi sinh thầm lặng trong cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Cô.

Cuộc sinh hoạt chuyên đề “Nhớ cô Ba Định” hôm nay do Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức là dịp để các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, hội viên phụ nữ cùng nhau chia sẻ những ký ức, kỷ niệm, tưởng nhớ về Cô với tình cảm yêu thương, kính trọng nhất.

Xin trân trọng cảm ơn các quý vị đại biểu và các thế hệ cán bộ Hội đã về dự buổi sinh hoạt chuyên đề hôm nay. Kính chúc các các cô, chú, các quý vị đại biểu mạnh khỏe, hạnh phúc, chúc buổi sinh hoạt chuyên đề thành công tốt đẹp.

Xin trân trọng cảm ơn!

Hội LHPN Việt Nam

Tin cùng chuyên mục