Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga: Hướng về cơ sở, nâng cao năng lực cán bộ Hội là nhiệm vụ trọng tâm năm 2023

Trong cuộc trò chuyện cùng phóng viên Báo Phụ nữ Việt Nam đầu Xuân Quý Mão 2023, Ủy viên Trung ương Đảng, đại biểu Quốc hội, Bí thư Đảng Đoàn, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga đã có những chia sẻ mang tính định hướng, gợi mở nhiều nội dung về vận động, thu hút, tập hợp phụ nữ trong hoạt động Hội cũng như quan tâm chăm lo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ cán bộ Hội cơ sở.

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga tham gia điệu xòe cùng thầy trò Trường Phổ thông dân tộc bán trú - THCS Lùng Phình (Bắc Hà, Lào Cai) nhân dịp ra mắt Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại trường

Trong cuộc trò chuyện cùng phóng viên Báo Phụ nữ Việt Nam đầu Xuân Quý Mão 2023, Ủy viên Trung ương Đảng, đại biểu Quốc hội, Bí thư Đảng Đoàn, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga đã có những chia sẻ mang tính định hướng, gợi mở nhiều nội dung về vận động, thu hút, tập hợp phụ nữ trong hoạt động Hội cũng như quan tâm chăm lo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ cán bộ Hội cơ sở.
Sau một năm nhiều dấu ấn trong tổ chức và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, năm 2023, định hướng nhiệm vụ được Trung ương Hội LHPN Việt Nam xác định là "Xây dựng tổ chức cơ sở Hội, trọng tâm là đội ngũ cán bộ Hội cơ sở". 

Trong cuộc trò chuyện cùng phóng viên Báo Phụ nữ Việt Nam đầu Xuân Quý Mão 2023, Ủy viên Trung ương Đảng, đại biểu Quốc hội, Bí thư Đảng Đoàn, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga đã có những chia sẻ mang tính định hướng, gợi mở nhiều nội dung về vận động, thu hút, tập hợp phụ nữ trong hoạt động Hội cũng như quan tâm chăm lo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ cán bộ Hội cơ sở.

PV: Kính thưa đồng chí Hà Thị Nga, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, năm 2022 khép lại với nhiều hoạt động sôi động đầy ý nghĩa đối với công tác Hội và phong trào phụ nữ cả nước, Chủ tịch thấy ấn tượng với những hoạt động nào?

Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga: Có thể nói, 2022 là một năm rất đặc biệt khi mà chúng ta phải đương đầu với khó khăn, thách thức của đại dịch Covid-19, thiên tai cùng những vấn đề đặt ra trong việc phục hồi kinh tế, phát triển sản xuất kinh doanh thời kỳ hậu Covid… Nhưng trong bối cảnh đó, cán bộ, hội viên, phụ nữ cả nước kiên cường vượt qua thử thách, sáng tạo trong tổ chức hoạt động. Đối với tôi, ấn tượng trước hết là chúng ta đã tổ chức được một kỳ Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc thực sự thành công. Sự thành công không chỉ ở chỗ tuyệt đối an toàn trước đại dịch mà còn thể hiện ở nội dung Đại hội. Lần đầu tiên, bên cạnh các tham luận trình bày trong phiên toàn thể, Đại hội đã tổ chức đồng thời 5 trung tâm thảo luận về 5 chủ đề thuộc những nội dung lớn trong phương hướng hoạt động của nhiệm kỳ. Cách làm này đã phát huy được trí tuệ của đại biểu đại diện cho các lực lượng phụ nữ về dự Đại hội.

Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga: Hướng về cơ sở, nâng cao năng lực cán bộ Hội là nhiệm vụ trọng tâm năm 2023 - Ảnh 1.

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga

Một điều mà tôi tâm đắc nữa là ngay sau Đại hội, các cấp Hội trong toàn hệ thống đã nhanh chóng triển khai đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII vào cuộc sống. Việc triển khai thực hiện Nghị quyết cũng có nhiều đổi mới, sáng tạo như kết hợp trực tiếp với trực tuyến trong học tập nghị quyết; các cuộc thi tìm hiểu nội dung Nghị quyết online, phổ biến nội dung Nghị quyết qua zalo, facebook… Ví dụ Hội nghị học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII được tổ chức kết hợp 2 hình thức trực tiếp và trực tuyến tới 4.000 điểm cầu, cho 60.000 cán bộ Hội từ Trung ương đến các cấp Hội trong cả nước (có gần 48.000 chị là Chi hội trưởng). Đây chính là vận dụng một cách sáng tạo công nghệ thông tin vào hoạt động Hội, một xu thế tất yếu trong sự phát triển chung của xã hội mà chúng ta phải sớm tham gia, thích ứng.

PV: Thưa đồng chí Chủ tịch Hội, thời gian qua, ngoài những phong trào phụ nữ và hoạt động Hội diễn ra sôi nổi, rộng khắp thì còn có một hoạt động do Trung ương Hội LHPN Việt Nam khởi xướng đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của các cấp, các ngành, cán bộ, hội viên, phụ nữ và được xã hội đánh giá cao về tính nhân văn, đó là Chương trình "Mẹ đỡ đầu"?

Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga: Có thể nói, "Mẹ đỡ đầu" là một chương trình rất đặc thù của Hội LHPN Việt Nam. Với thiên chức làm mẹ, phụ nữ là người thấu cảm sâu sắc nỗi đau của trẻ mồ côi, nhất là những trẻ em không may bị mất cha, mẹ trong đại dịch Covid-19 khủng khiếp vừa qua. Bởi vậy, ngay giữa lúc đại dịch căng thẳng, Chương trình "Mẹ đỡ đầu" được phát động. Chương trình đã nhận được sự quan tâm đặc biệt từ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến cán bộ, hội viên, phụ nữ cả nước; sự chung tay hưởng ứng của các cấp, các ngành và toàn xã hội. Tính đến ngày 31/10/2022, các cấp Hội đã vận động được trên 87 tỷ đồng, hỗ trợ, đỡ đầu cho 16.612 trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn trong đó có 2.991 trẻ mồ côi do Covid-19.

PV: Để tạo được những phong trào, hoạt động Hội như vậy, theo Chủ tịch, điều gì là quan trọng có tính then chốt?

Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga: Thấm nhuần quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc", Đảng ta đã nhiều lần nhấn mạnh: Xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt và xây dựng đội ngũ cán bộ là nhiệm vụ "then chốt của then chốt". Vì vậy, để tạo được phong trào, hoạt động Hội có sức sống và lan tỏa sâu rộng trong xã hội, tôi cho rằng công tác cán bộ Hội có vị trí đặc biệt quan trọng. Bám sát, cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII đã xác định: "Xây dựng đội ngũ cán bộ Hội, nhất là người đứng đầu có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, năng lực, tư duy đổi mới, có kỹ năng vận động phụ nữ và khả năng thích ứng với thực tiễn, đáp ứng tiêu chuẩn cán bộ, yêu cầu công tác phụ nữ và là hình ảnh tiêu biểu của phụ nữ Việt Nam thời đại mới".

PV: Đội ngũ cán bộ Hội có ở cả 4 cấp, tại sao trong kế hoạch trọng tâm hoạt động năm 2023, Trung ương Hội LHPN Việt Nam lại "Tập trung xây dựng cơ sở Hội, trọng tâm là nâng cao năng lực cán bộ Hội cơ sở"?

Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga: Mỗi cấp Hội và cán bộ ở từng cấp đều có vai trò, vị trí quan trọng và đều phải "đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ" như quan điểm chỉ đạo của Đảng đối với xây dựng đội ngũ cán bộ nói chung. Công tác xây dựng tổ chức Hội và nâng cao năng lực cho cán bộ Hội các cấp là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của toàn hệ thống. Tuy nhiên, năm 2023, Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội định hướng nhiệm vụ là "Tập trung xây dựng cơ sở Hội, trọng tâm là nâng cao năng lực cán bộ Hội cơ sở" bởi vì cán bộ cơ sở hết sức quan trọng. Suy cho cùng, việc hiện thực hóa tất cả các nội dung trong mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp… đều từ cơ sở. Cán bộ Hội ở cơ sở, đặc biệt là đội ngũ chi hội trưởng chính là những người trực tiếp tổ chức thực hiện phong trào và hoạt động trong hội viên, phụ nữ. Do đó, Hội muốn nâng cao chất lượng hoạt động thì phải quan tâm, chăm lo, phát triển đội ngũ cán bộ Hội cơ sở.

PV: Thực tế cho thấy đội ngũ cán bộ Hội ở chi, tổ hiện gặp nhiều khó khăn, Trung ương Hội đã và đang tìm cách tháo gỡ, hỗ trợ thế nào?

Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga: Cán bộ Hội ở chi, tổ hiện nay quả thực đang phải đối diện với không ít áp lực từ yêu cầu đặt ra đối với cán bộ Hội ở cấp cơ sở. Trước hết, thực hiện chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, cán bộ Hội ở chi, tổ phải kiêm nhiệm, đảm trách công việc nhiều hơn, địa bàn rộng hơn, số hội viên, phụ nữ đông hơn. Cùng với sự phát triển của xã hội, thành phần, ngành nghề của hội viên, phụ nữ trên địa bàn cũng đa dạng hơn đòi hỏi cán bộ Hội phải có những phương thức tập hợp, thu hút phụ nữ tham gia tổ chức Hội phù hợp từng đối tượng. Với yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cán bộ Hội ở chi, tổ cũng phải cập nhật kiến thức, kỹ năng về công nghệ thông tin phục vụ cho công tác. Ngoài ra, đại dịch Covid-19 vừa qua cũng bộc lộ những vấn đề đối với phụ nữ, nhất là với nhóm phụ nữ dễ bị tổn thương. Điều đó đòi hỏi cán bộ ở chi, tổ không chỉ ở sự thấu hiểu mà còn cả khả năng thuyết phục, phối hợp để hỗ trợ, đồng hành cùng hội viên, phụ nữ ở cơ sở. Còn một khó khăn nữa là chế độ, chính sách hiện nay với đội ngũ cán bộ Hội ở chi, tổ còn có những hạn chế, bất cập. Nhiều nơi cán bộ Hội ở chi, tổ không có phụ cấp, thù lao hay bồi dưỡng, họ hoạt động vì đam mê và nhiệt huyết là chính.

Theo tôi được biết, những khó khăn của cán bộ tham gia công tác ở thôn, tổ dân phố (trong đó có cán bộ Hội) đã được Ban Bí thư chỉ đạo về việc nghiên cứu, đề xuất giải pháp sửa đổi cho phù hợp hơn trong tình hình thực tiễn hiện nay. Ở địa phương, Ban Chấp hành Hội LHPN một số tỉnh/thành phố cũng đã có tham mưu để chính quyền có những quyết sách về chế độ bồi dưỡng cho cán bộ Hội không còn chế độ phụ cấp hằng tháng theo Nghị định 34/2019.

Trong phạm vi hệ thống Hội, Trung ương Hội đã có những kế hoạch cho nhiệm vụ trọng tâm của năm 2023 đối với việc nâng cao chất lượng cán bộ Hội cơ sở, như: Tăng cường các hoạt động hỗ trợ tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ Hội cơ sở; liên hoan cán bộ Hội cơ sở cấp vùng và toàn quốc ở cơ sở. Ngoài ra, để động viên, khích lệ đội ngũ cán bộ Hội, Ban Chấp hành Trung ương Hội đã thống nhất ban hành Giải thưởng Nguyễn Thị Định. Giải thưởng được xét tặng định kỳ nhằm ghi nhận và đánh giá công lao của đội ngũ cán bộ Hội các cấp. Đây cũng là cách chúng ta tôn vinh và khích lệ tinh thần của đội ngũ cán bộ Hội nói chung và đội ngũ cán bộ Hội cơ sở nói riêng để các chị tiếp tục cống hiến cho sự phát triển của tổ chức Hội.

PV: Phụ nữ ngày nay cùng lúc phải tham gia nhiều hoạt động trong cả gia đình, xã hội và cho chính mình. Chủ tịch có thể chia sẻ kinh nghiệm của bản thân trong việc cân đối thời gian để tổ chức cuộc sống?

Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga: Bất cứ người phụ nữ nào trong bối cảnh hiện nay thì cũng đều phải giải bài toán về cân đối quỹ thời gian của mình trong một ngày, một tháng, một năm để có thể hài hòa công việc ở vị trí công tác, trách nhiệm với gia đình cũng như tự chăm sóc bản thân. Ai cũng phải có trách nhiệm với gia đình nhưng phụ nữ tự thấy mình có trách nhiệm cao hơn bởi họ có những thiên chức riêng.

Về cá nhân, bản thân tôi cũng không có gì được gọi là bí quyết. Với tôi, để hoàn thành trách nhiệm của một đại biểu Quốc hội, vai trò của Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam và cương vị Thủ trưởng cơ quan Trung ương Hội thì trước hết mình phải rất nỗ lực và chủ động sắp xếp công việc sao cho thực sự linh hoạt. Tôi không chuẩn bị một phương án mà phải lên hai, ba phương án để mình luôn chủ động trong công việc. Tôi thường dành thời gian tiếp cận với các tài liệu có liên quan để nắm được nội dung những vấn đề mà mình quan tâm. Trên cơ sở đó, cùng với việc nắm bắt, tìm hiểu thực tế, lắng nghe ý kiến cử tri để thực hiện chức trách của người đại biểu của nhân dân. Còn trên cương vị Chủ tịch Hội, Thủ trưởng Cơ quan Trung ương Hội, tôi biết tin tưởng và chia sẻ công việc với đồng chí, đồng nghiệp. Có nghĩa là phải thực hiện một cách thực chất phân cấp, phân quyền; đồng thời thiết lập được cơ chế khi cần quan tâm nội dung gì thì mình có được thông tin cập nhật ngay. Còn trong cuộc sống, tôi biết lựa chọn cho mình cái gì cần giữ lại, cái gì nên buông bỏ. Phải tự tạo cho mình nguồn năng lượng tích cực mỗi khi bước vào ngày mới. Muốn vậy, ngoài cách sắp xếp, bố trí thời gian khoa học thì ngay trong gia đình, mình cũng phải biết cách chia sẻ để chồng, con thấu hiểu và chia sẻ với mình trong công việc và cuộc sống.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Chủ tịch đã có những chia sẻ cởi mở và thú vị. Kính chúc Chủ tịch một năm mới an lành, hạnh phúc, thành công!

Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam

Tin cùng chuyên mục