Ngày mới ở khu tái định cư

Không khí ngày xuân lan tỏa, ấm áp trong mỗi nếp nhà, trên từng khuôn mặt rạng ngời của đồng bào tái định cư. Bởi trên mảnh đất mới họ đã học được cách làm mới để gây dựng cuộc sống khấm khá, đủ đầy hơn.

Con đường rợp bóng cờ Đảng, cờ Tổ quốc dẫn chúng tôi về thôn Tân Cường, xã Tân An (Chiêm Hóa) nơi có 20 hộ đồng bào người Dao, xã Yên Hoa (Na Hang) về tái định cư cách đây 20 năm để xây dựng công trình thủy điện Tuyên Quang. Không thể ngờ được rằng trên quê mới, công việc thường được các bà, các chị làm chỉ để phục vụ nhu cầu cá nhân trước đây, giờ lại có thể là nguồn sinh kế. Bà Bàn Thị Giàng tay liên tục lao con thoi cười bảo: “Trước ở quê cũ, nhà nào cũng có khung cửi để phụ nữ trong gia đình dệt vải may quần, áo cho các thành viên trong nhà, về quê mới tưởng như bị thất truyền vậy mà giờ còn kiếm được ra tiền, nuôi gia đình đấy”.

Người dân thôn Tân Cường, xã Tân An (Chiêm Hóa) phát triển nghề dệt thổ cẩm.

Nhìn vào sấp vải vừa được nhuộm vẫn ngai ngái vị chàm, bà Giàng bảo: “Khách đặt đấy! Tết đến, xuân về cũng là mùa lễ hội, lượng hàng đặt nhiều hơn nên bà phải thuê thêm người làm”. Theo bà Giàng, cơ sở sản xuất của bà luôn có ít nhất từ 5 - 7 lao động, người thêu, người dệt, người nhuộm vậy mà nhiều khi cũng không đáp ứng được hết nhu cầu của khách. Bà Giàng dự định sẽ tiếp tục tìm kiếm bạn hàng để mở rộng cơ sở, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho phụ nữ trong thôn.

Chủ tịch UBND xã Tân An Ma Doãn Đức cho biết, hiện nay xã đang có chủ trương đưa những sản phẩm từ nghề dệt truyền thống của người Dao tiền ở Tân Cường thành sản phẩm phục vụ du lịch. Hiện, một số sản phẩm như vải chàm, trang phục phụ nữ, túi... do chị em phụ nữ Dao tiền ở Tân Cường làm ra đã được bán ở điểm du lịch thác Bản Ba, xã Trung Hà và được một số điểm bán hàng du lịch trong huyện đặt hàng. Về lâu dài, xã sẽ thành lập Câu lạc bộ bảo tồn và gìn giữ trang phục dân tộc tại đây và mở thêm các lớp dạy nghề để tạo thêm các sản phẩm mới, phù hợp với nhu cầu của người dân và du khách hơn, từ đó tăng thu nhập.

Xuôi về thôn Mường, xã Phù Lưu (Hàm Yên), sự trù phú cũng đang được người dân tái định cư thủy điện Tuyên Quang gây dựng.  Ông Hoàng Văn Biệt, một trong những hộ dân tái định cư về đất Mường này bảo, ngày đầu về đây, bà con ai cũng lo lắng vì nơi này cái gì cũng mới mẻ, điều kiện sản xuất lại khác nhiều quê cũ. Nhiều người lúc ấy còn muốn trở về quê cũ! Nhưng được Nhà nước đầu tư đường nhựa, bê tông hóa hệ thống đường giao thông nông thôn, kiên cố hóa kênh mương thủy lợi, xây dựng công trình điện, nước sạch, trường học đến cấp đất ở, đất sản xuất, hỗ trợ dựng nhà; tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Theo ông Biệt, ngày trước người dân tái định cư còn lạ lẫm với cây cam, cây chanh giờ thì đã làm chủ cả quy trình trồng cây ăn quả. Bản thân gia đình ông vốn chỉ biết đến trồng rừng, giờ đã biết trồng cây cam theo hướng VietGAP và hữu cơ.

Đồng bào tái định cư xã Minh Hương (Hàm Yên) thu hoạch cam VietGAP.

Trưởng thôn Mường Hồ Văn Chiều chia sẻ, thôn có 37 hộ tái định cư chủ yếu là người dân tộc Tày. Ngày mới về cuộc sống còn khó khăn song với quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước cùng sự nỗ lực, tìm tòi, học hỏi cái hay, cái mới của người dân sở tại để áp dụng vào sản xuất, đồng bào tái định cư đã nhanh chóng thích nghi, bắt nhịp được với nếp sống mới. Trưởng thôn Chiều khoe, 100% hộ tái định cư không có ai trong danh sách hộ nghèo, nhiều hộ đã vươn lên làm giàu từ cây cam, cây chanh, nghề kinh doanh dịch vụ.

Đồng chí Nguyễn Văn Định, Giám đốc Ban Di dân, tái định cư thủy điện Tuyên Quang cho biết, thực hiện tốt công tác chăm lo đời sống cho người dân tái định cư, tỉnh đã tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu tái định cư: Công trình điện, đường, trường lớp học, trạm y tế, nhà văn hóa thôn...; giao đất ở, đất sản xuất cho hộ tái định cư; bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho số hộ thuộc diện điều chỉnh, bổ sung; hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề; hỗ trợ phát triển sản xuất và đời sống... Đến nay, trên 1.700 hạng mục công trình đã được xây dựng, 3.917 hộ đồng bào tái định cư được giao đất ở, đất sản xuất... Sự quan tâm của tỉnh, chính quyền địa phương, đặc biệt sự nỗ lực của người dân, một cuộc sống mới đủ đầy đã hiện hữu trong từng nếp nhà, bản làng. Một mùa xuân mới nữa lại mang theo niềm tin, dự định cùng những ước vọng thịnh vượng nơi quê mới tái định cư.

Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục