Nghiên cứu đánh giá sự đồng thuận của phụ nữ đối với hoạt động của Hội LHPN Việt Nam

Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam có chức năng đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp phụ nữ.

1. Mở đầu

Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam có chức năng đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp phụ nữ. Hội là tổ chức đoàn kết rộng rãi các tầng lớp phụ nữ, vận động phụ nữ thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, vận động xã hội thực hiện bình đẳng giới. Việc đáp ứng nhu cầu, mong đợi của phụ nữ, hội viên, tạo sự đồng thuận sẽ là căn cứ để Hội tổ chức các hoạt động, thông qua đó nâng cao tỷ lệ hội viên tham gia tổ chức Hội và nâng cao vai trò, vị thế, uy tín của Hội. Sự đồng thuận của phụ nữ tạo nên sự ổn định, đoàn kết của tổ chức Hội đồng thời là phương thức tập hợp phụ nữ hữu hiệu nhất của các cấp Hội nhằm thực hiện chức năng đoàn kết, tập hợp rộng rãi các tầng lớp phụ nữ. Trong nhiều nhiệm kỳ qua, số lượng hội viên của Hội tăng nhưng có những biến động, tính bền vững chưa cao, chưa tập trung được các nguồn lực để đảm bảo cho công tác tập hợp phụ nữ, phát triển hội viên, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh,… Một trong những hạn chế chủ yếu và quan trọng đó là việc đánh giá hoạt động công tác Hội và các phong trào phụ nữ chưa chú ý khảo sát ý kiến, chưa đánh giá sự đồng thuận của các tầng lớp hội viện, phụ nữ - đối tượng đích mà Hội hướng đến. Vì vậy, Ban Tổ chức Trung ương Hội LHPN Việt Nam được giao chủ trì thực hiện đề tài “Nghiên cứu đánh giá sự đồng thuận của phụ nữ đối với hoạt động của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam” nhằm xác định các phương pháp, tiêu chí đánh giá sự đồng thuận của phụ nữ đối với hoạt động của Hội LHPN Việt Nam; trên cơ sở đó, đề xuất bộ tiêu chí, các giải pháp thúc đẩy sự đồng thuận của phụ nữ đối với hoạt động của Hội LHPN Việt Nam.

2. Khách thể, phạm vi và phương pháp nghiên cứu

2.1. Khách thể nghiên cứu

- Đại diện nhóm hội viên, phụ nữ theo ngành nghề, lứa tuổi, dân tộc, tôn giáo;

- Đại diện lãnh đạo và cán bộ Hội các cấp;

- Đại diện các Bộ, ngành, các đoàn thể ở Trung ương và địa phương; Ủy viên BCH; phụ nữ tiêu biểu;

- Chuyên gia trong công tác dân vận, công tác Hội, trong lĩnh vực kinh tế, văn hóa, các nhà khoa học nghiên cứu về dư luận xã hội, lý luận chính trị xã hội.

2.2. Phạm vi nghiên cứu

* Về không gian:

Đề tài giới hạn địa bàn khảo sát tại 04 tỉnh/thành phố đại diện cho 03 miền:

(1) Đại diện miền Bắc: Hà Nội - đại diện cho các thành phố lớn; đa dạng về thành phần, đối tượng nhóm hội viên, phụ nữ; có tỷ lệ tập hợp hội viên ở mức khá.

(2) Đại diện miền Trung, Tây Nguyên: Thừa Thiên Huế - đại diện cho các tỉnh miền Trung có cả đồng bằng, miền núi và biển, có tỷ lệ tập hợp hội viên ở mức trung bình; Đắk Lắk - đại diện cho các tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo, nhiều địa bàn khó khăn, có tỷ lệ tập hợp hội viên ở mức thấp.

(3) Đại diện miền Nam: Bình Phước - đại diện cho các tỉnh trọng điểm phía Nam, có biên giới, có tiềm năng du lịch, phát triển dịch vụ.

Ngoài ra, đây là những địa bàn đã triển khai sớm cuộc vận động xây dựng gia đình 5 có 3 sạch (nông thôn kiểu mẫu); các địa bàn này có sự ủng hộ, sự tham gia cuộc vận động, các hoạt động của Hội ở các mức độ khác nhau; đây cũng là các địa bàn được lấy ý kiến nên tiến hành đánh giá sự đồng thuận về cuộc vận động xây dựng gia đình 5 có 3 sạch đã được triển khai,…

* Về thời gian:

Đánh giá sự đồng thuận của phụ nữ đối với hoạt động của Hội trong nhiệm kỳ 2017-2022 và áp dụng tiêu chí đánh giá đó cho những năm tiếp theo.

* Về nội dung:

Đề tài tập trung nghiên cứu đánh giá sự đồng thuận của phụ nữ đối với hoạt động của Hội LHPN Việt Nam, trong đó nghiên cứu thí điểm đánh giá sự đồng thuận của phụ nữ về cuộc vận động xây dựng gia đình 5 có 3 sạch vì:

(1) Đây là cuộc vận động đã được triển khai thực hiện trong nhiệm kỳ, như vậy sẽ giúp nhóm nghiên cứu đánh giá sự đồng thuận được nhiều giai đoạn hơn (trước, trong triển khai thực hiện);

(2) Nội dung, nội hàm các hoạt động triển khai của cuộc vận động này phù hợp với định hướng của Hội, các bên liên quan, phù hợp với xu hướng, cập nhật trong tình hình, giai đoạn mới, có tính khả thi cao;

(3) Các chuyên gia được tham vấn và bản thân nhóm nghiên cứu thấy rằng không khả thi khi đánh giá tất cả các hoạt động hay tất cả các cuộc vận động của Hội LHPN Việt Nam; nên thực hiện một cuộc vận động cụ thể, đề xuất nên thực hiện nghiên cứu đánh giá sự đồng thuận của phụ nữ về cuộc vận động xây dựng gia đình 5 có 3 sạch;

(4) 20 tỉnh/thành phố phản hồi nhóm nghiên cứu nên đánh giá sự đồng thuận của phụ nữ về cuộc vận động này, vì rất hữu ích, phù hợp trong nhiệm kỳ.

2.3. Phương pháp nghiên cứu

Đây là nghiên cứu mang tính thăm dò, vì các tiêu chí, cách thức đánh giá sự đồng thuận chưa được xác định thang đo rõ ràng, đầy đủ. nên đề tài sử dụng kết hợp nghiên cứu định tính và định lượng sau:

* Phương pháp nghiên cứu định lượng: Phỏng vấn bảng hỏi với 02 mẫu phiếu điều tra cho 2 đối tương là: hội viên (600 người) và phụ nữ (300 người chưa tham gia tổ chức Hội). Tổng số có để thu thập 900 phiếu định lượng.

* Phương pháp nghiên cứu định tính

- Phỏng vấn sâu 40 hội viên, phụ nữ theo các ngành nghề, lứa tuổi, nghề nghiệp, dân tộc - tôn giáo khác nhau (5 người/xã x 2 xã/tỉnh x 4 tỉnh).

- Tọa đàm/thảo luận nhóm tập trung: tại mỗi xã/phương, tổ chức 02 cuộc với cán bộ Hội Phụ nữ các cấp, nhóm cán bộ ban, ngành, đoàn thể ở các địa phương và nhóm phụ nữ (2 cuộc/xã x 2 xã/tỉnh x 4 tỉnh), tổng cộng có 16 cuộc với 240 người tham gia (15 người/cuộc).

- Hội thảo tham vấn chuyên gia, nhà khoa học: 2 cuộc được tổ chức với 40 người tham gia, nhằm xác định khung lý thuyết, xây dựng tiêu chí đánh giá sự đồng thuận, góp ý hoàn thiện công cụ nghiên cứu, kết quả nghiên cứu.

- Nghiên cứu tài liệu thứ cấp: nghiên cứu các tài liệu nhằm tổng quan các nghiên cứu có liên quan, xây dựng cơ sở lý luận khoa học và tìm hiểu các tài liệu, văn bản, báo cáo, số liệu thống kê có liên quan của Đảng, Nhà nước, các Bộ/ngành và Hội LHPN Việt Nam.

- Phân tích kết quả nghiên cứu: khảo sát định lượng được xử lý trên phần mềm thống kê Excel, SPSS. Sử dụng phần mềm Nvivo trợ giúp để giải quyết những dữ liệu định tính mang tính hỗn hợp, giúp quản lý, tổng hợp và làm phong phú các thông tin định tính, tạo ra sự liên kết giữa các dữ liệu.

Ảnh minh họa (Cổng Thông tin điện tử xã Hòa Châu)

3. Kết quả nghiên cứu

3.1. Bộ tiêu chí đánh giá sự đồng thuận của phụ nữ

Từ kết quả nghiên cứu thực tiễn và trên cơ sở kết quả lấy ý kiến bộ tiêu chí đánh giá đối với cuộc vận động 5 không, 3 sạch và 5 có, 3 sạch, nhóm nghiên cứu đề xuất “Bộ tiêu chí đánh giá sự đồng thuận của phụ nữ gồm 7 nhóm tiêu chí với 41 chỉ số cụ thể (xem phụ lục 1) với thang đo 5 điểm (1. Hoàn toàn không đồng ý, 2. Không đồng ý, 3. Phân vân, 4. Đồng ý. 5. Hoàn toàn đồng ý):

(1) Hội viên, phụ nữ được thông tin đầy đủ trước khi triển khai thực hiện: 7 chỉ số;

(2) Hội viên, phụ nữ đăng ký thực hiện trên nguyên tắc tự nguyện: 4 chỉ số

(3) Hội viên, phụ nữ đánh giá về cách thức thực hiện/sự mong đợi và sự đáp ứng của tổ chức Hội trong quá trình thực hiện cuộc vận động xây dựng gia đình 5 có 3 sạch: 7 chỉ số;

(4) Hội viên, phụ nữ đánh giá độ tin cậy, sự đồng cảm và lắng nghe của tổ chức Hội trong quá trình thực hiện cuộc vận động xây dựng gia đình 5 có 3 sạch: 5 chỉ số;

(5) Hội viên, phụ nữ đánh giá năng lực của cán bộ Hội trong quá trình triển khai thực hiện cuộc vận động xây dựng gia đình 5 có 3 sạch (bao gồm kiến thức, kỹ năng và thái độ làm việc): 7 chỉ số;

(6) Rào cản, nhân tố ảnh hưởng đến việc tạo ra sự đồng thuận của phụ nữ khi thực hiện cuộc vận động xây dựng gia đình 5 có 3 sạch: 5 chỉ số;

(7) Giải pháp tạo ra sự đồng thuận của phụ nữ trong quá trình thực hiện cuộc vận động xây dựng gia đình 5 có 3 sạch: 6 chỉ số.

Từ lý thuyết và kết quả áp dụng xây dựng bộ chỉ số đánh giá cuộc vận động xây dựng gia đình 5 có 3 sạch sẽ triển khai thực hiện trong nhiệm kỳ, nhóm nghiên cứu cũng đề xuất bộ tiêu chí đánh giá các hoạt động của Hội LHPN Việt Nam theo 4 nhóm tiêu chí như sau:

(1) Nhóm tiêu chí đánh giá sự đồng thuận trong việc thực hiện hoạt động;

(2) Nhóm tiêu chí đánh giá sự đồng thuận trong việc đạt mục tiêu hoạt động;

(3) Nhóm tiêu chí đánh giá rào cản, nhân tố ảnh hưởng đến sự đồng thuận;

(4) Nhóm tiêu chí đánh giá các giải pháp tạo ra sự đồng thuận.

Bộ tiêu chí này có phạm vi rộng, nhiều chỉ số hơn rất nhiều so với bộ tiêu chí đánh giá sự đồng thuận của hội viên, phụ nữ trong thực hiện cuộc vận động xây dựng gia đình để đảm bảo tính phổ rộng. Tùy vào từng hoạt động cụ thể và đặc điểm của từng địa phương mà có thể thêm hoặc bớt các chỉ số cho phù hợp. Để đảm bảo sự phù hợp và tính khả thi nên đánh giá thí điểm và điểu chỉnh các nhóm tiêu chí cùng các chỉ số trước khi áp dụng ở phạm vi rộng.

3.2. Cách thức đánh giá sự đồng thuận của phụ nữ

Đánh giá sự đồng thuận của phụ nữ để Hội LHPN Việt Nam ngày càng vươn tới và khẳng định vị thế đối với tiến trình phát triển của đất nước. Quá trình tìm kiếm sự đồng thuận là một quá trình lâu dài và đòi hỏi sự tham gia mang tính xây dựng và đối thoại đúng nghĩa.

Cách thức tổ chức đánh giá sự đồng thuận cần bám sát yêu cầu, quy định, cụ thể: tuyên truyền, triển khai, thí điểm, sơ, tổng kết; tiếp tục thực hiện phân cấp. Trung ương Hội phát động, hướng dẫn đánh giá sự đông thuận về hoạt động/cuộc vận động toàn quốc. Các tỉnh, thành, đơn vị cần cụ thể hóa các tiêu chí đánh giá sự đồng thuận đối với các nhóm đối tượng phụ nữ và có trách nhiệm hướng dẫn các cấp Hội địa phương thực hiện.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tích cực sử dụng phần mềm; sử dụng các trang mạng xã hội kín và mở để đánh giá sự đồng thuận và tuyên truyền về việc đánh giá này, nhất là khi đánh giá online. Đẩy mạnh cải tiến quy trình đánh giá sự đồng thuận theo hướng giảm các thủ tục hành chính hoặc một số bước không cần thiết cho phù hợp. Ngoài ra, cần lưu ý lựa chọn thời điểm, hình thức phù hợp để đánh giá (đánh giá như trực tiếp hoặc trực tuyến, kết hợp cả 2, hoặc lồng ghép đánh giá thông qua việc tổ chức hội nghị, hội thảo, sơ kết, tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm…).

3.3. Giải pháp tăng cường sự đồng thuận của phụ nữ đối với hoạt động của Hội LHPN Việt Nam trong nhiệm kỳ 2022 – 2027

3.3.1. Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các cấp Hội để phù hợp với nhu cầu của hội viên, phụ nữ và xu thế chung

Đây là việc làm thường xuyên, cần thiết và phải được quán triệt trong mọi hoạt động của các cấp Hội. Đa dạng cách thức tổ chức các hoạt động của Hội, tổ chức các diễn đàn, các hình thức sinh hoạt Hội để hội viên, phụ nữ đóng góp ý kiến đối với hoạt động Hội và các nhiệm vụ được triển khai, thực hiện tại địa phương. Trong đó, tôn trọng vai trò định hướng, cung cấp thông tin của tổ chức Hội giúp phụ nữ nghiên cứu, trao đổi, thảo luận sâu các vấn đề thiết thân liên quan đến phụ nữ, gia đình và bình đẳng giới. Bởi vậy, trọng tâm của nhóm giải pháp này là:

- Chủ động tham mưu đề xuất với Đảng, Nhà nước chủ trương chính sách liên quan đến phụ nữ;

- Đổi mới sự chỉ đạo của các cơ quan lãnh đạo các cấp Hội;

- Tăng cường phối kết hợp với các cấp chính quyền, bộ, ban, ngành, đoàn thể, các tập đoàn kinh tế.

3.3.2. Thực hiện tốt chức năng, vai trò, nhiệm vụ chính trị - xã hội của tổ chức Hội phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của các tầng lớp phụ nữ trong tình hình mới.

Thực hiện tốt chức năng đại diện, vai trò nòng cốt chính trị của Hội LHPN Việt Nam và các nhiệm vụ chính trị của tổ chức Hội phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của các tầng lớp phụ nữ trong tình hình mới. Đồng hành cùng hội viên, phụ nữ, tạo niềm tin, lấy hạnh phúc và lợi ích của phụ nữ làm mục tiêu hoạt động.

Kiên trì lấy phụ nữ làm trung tâm, lấy lợi ích của phụ nữ là điểm xuất phát và cơ sở của mọi chủ trương, định hướng và hoạt động của Hội LHPN Việt Nam. Các cấp Hội cần lắng nghe một cách nghiêm túc, chân thành những tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp phụ nữ, đồng cảm và thấu hiểu với họ đồng thời thường xuyên đánh giá nhu cầu, nguồn lực của hội viên, phụ nữ và cộng đồng khi thực hiện các hoạt động của Hội.

Thực hiện trao cơ hội cho hội viên, phụ nữ lựa chọn những tiêu chí và cách thực hiện các hoạt động của Hội phù hợp, theo sở thích và thế mạnh của các đối tượng hội viên, phụ nữ. Ở mục tiêu cao hơn, trong khuôn khổ nhất định, hội viên, phụ nữ có quyền “chủ động”, tự chủ, tham gia đề xuất cách thức hoạt động của Hội, chắc chắn tạo sự đồng thuận cao.

Hội LHPN Việt Nam cần có kế hoạch để đảm bảo sự đồng thuận trong tương lai cho các hoạt động của Hội. Không ngừng nâng cao vai trò, uy tín của cán bộ Hội, tổ chức Hội. Nỗ lực nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng (trình độ, năng lực) đội ngũ cán bộ Hội. Để tạo ra sự đồng thuận của các tầng lớp phụ nữ, Hội cần có cơ chế phù hợp để giải quyết xung đột khi thực hiện các hoạt động của Hội.

Hướng dẫn Hội LHPN cấp cơ sở duy trì sinh hoạt hội viên để phổ biến, quán triệt về chủ trương, định hướng hoạt động của Hội, các nội dung, thông tin... để thực hiện các hoạt động phải được trình bày rõ ràng, cụ thể, dễ hiểu đồng thời tăng cường tổ chức các hoạt động, có cách thức phù hợp giúp hội viên, phụ nữ hiểu rõ hiệu quả, lợi ích mà các hoạt động của Hội mang lại.

3.3.3. Phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội

- Thực hiện nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội; tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền để góp phần xây dựng bộ máy Nhà nước hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả, minh bạch.

- Tập hợp phản ánh, giải quyết ý kiến, kiến nghị của nhân dân, để tạo sự đồng bộ, hiệu ứng và hiệu quả của các hoạt động.

- Mở rộng và thực hiện tốt nguyên tắc dân chủ trong mọi hoạt động của Hội, coi đó vừa là mục tiêu, vừa là động lực trong quá trình xây dựng và phát triển tổ chức Hội để phát huy tính chủ động, sáng tạo, sức mạnh vật chất, tinh thần của mọi phụ nữ, tạo ra sự đồng thuận cao của phụ nữ.

3.3.4. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục, thuyết phục các tầng lớp phụ nữ tự nguyện thống nhất với nhau về các vấn đề cơ bản

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục, thuyết phục các tầng lớp phụ nữ vì mục tiêu vì sự tiến bộ và phát triển của phụ nữ Việt Nam.

- Chú trọng và đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong cán bộ Hội và hội viên, phụ nữ.

- Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục;

- Tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong nắm bắt tâm tư, phản ánh nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, góp phần kịp thời giải quyết các vấn đề bức xúc trong nhân dân, tạo sự đồng lòng, nhất trí trong thực hiện luật pháp, chính sách và các chủ trương lớn của đất nước.

- Có nhận thức, thái độ khách quan, khoa học trong việc phân tích và xử lý những quan điểm, tư tưởng lệch lạc trong các tầng lớp phụ nữ; tích cực, chủ động trong việc giải quyết và đề xuất giải quyết nhu cầu nguyện vọng trong các nhóm/tầng lớp phụ nữ nhằm tăng cường sự đồng thuận của phụ nữ.

3.3.5. Một số giải pháp khuyến khích/thúc đẩy sự đồng thuận với các hoạt động của Hội.

- Cải tiến công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý, thi đua khen thưởng. Khuyến khích những nỗ lực và thành tích của hội viên, phụ nữ, của cộng đồng để đạt được sự ủng hộ với các hoạt động của Hội. Khen thưởng, biểu dương, ghi nhận cán bộ, hội viên, phụ nữ có đóng góp, tạo sự đồng thuận đối với các hoạt động của Hội.

- Xây dựng mạng lưới thông tin, liên lạc để phụ nữ, hội viên thảo luận về những nỗ lực của họ.

- Tạo cơ chế tài chính thực hiện các hoạt động của Hội. Có cơ chế hỗ trợ, động viên kịp thời để tạo và duy trì sự đồng thuận của hội viên, phụ nữ với các hoạt động của Hội. Đặc biệt, cần có chính sách, yêu cầu hoặc quy định hỗ trợ, những nỗ lực của Hội trong việc tạo sự đồng thuận; cung cấp các nguồn lực hỗ trợ các hoạt động của Hội để tạo ra sự đồng thuận; kết nối các đối tác có thể cung cấp, hỗ trợ tài chính và hiện vật cho các hoạt động Hội; khuyến khích hội viên, phụ nữ tìm kiếm các nguồn hỗ trợ tài chính và hiện vật bên ngoài cho tổ chức Hội hoạt động; công khai, minh bạch các nguồn lực hỗ trợ các hoạt động của Hội.

- Tạo điều kiện giúp hội viên, phụ nữ dễ dàng, thuận lợi thực hiện các hoạt động của Hội và tham gia tổ chức Hội.

4. Kết luận

Nhìn chung, đề tài đã bước đầu hệ thống được cơ sở lý luận về sự đồng thuận của phụ nữ, sự cần thiết và yêu cầu phải đánh giá sự đồng thuận của phụ nữ đối với hoạt động của Hội LHPN Việt Nam. Đây là những vấn đề mới còn ít được nghiên cứu ở Việt Nam. Trên cơ sở đó, bước đầu xây dựng được bộ chỉ số đánh giá sự đồng thuận của phụ nữ đối với hoạt động của Hội LHPN Việt Nam và áp dụng bộ tiêu chí để đánh giá sự đồng thuận của phụ nữ đối với cuộc vận động xây dựng gia đình 5 có 3 sạch. Tuy nhiên, để ứng dụng được rộng rãi vào thực tiễn hoạt động Hội trong tương lai, góp phần thúc đẩy chất lượng triển khai phong trào thi đua và các nhiệm vụ trọng tâm, bộ tiêu chí đánh giá này rất cần được xem xét thí điểm cho việc đánh giá hoạt động của các cấp Hội và tiếp tục bổ sung, chỉnh sửa, hoàn thiện hơn.

Ngoài ra, đề tài đã đưa ra được các giải pháp khả thi nhằm tăng cường sự đồng thuận của phụ nữ đối với hoạt động của Hội LHPN Việt Nam trong giai đoạn tới dựa trên kết quả nghiên cứu và xuất phát từ phân tích bối cảnh, những đặc thù của hoạt động Hội. Do vậy, kết quả nghiên cứu của đề tài có thể dùng để tham khảo và xem xét ứng dụng rộng rãi trong các cấp Hội LHPN Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam

Tin cùng chuyên mục