Tìm giải pháp trong thực hiện chính sách đối với các nhóm phụ nữ đặc thù khu vực phía Nam

Trong những năm qua, công tác phụ nữ và việc thực hiện chính sách đối với nhóm phụ nữ đặc thù tại các tỉnh phía Nam luôn được các cấp Hội LHPN Việt Nam quan tâm đặc biệt. Tuy nhiên, do những nguyên nhân chủ quan, khách quan khác nhau nên việc thụ hưởng chính sách cũng như kết quả của công tác cán bộ nữ ở khu vực vẫn còn những khó khăn, thách thức.
 Lãnh đạo Hội LHPN TP Cần Thơ đồng hành cùng phụ nữ vùng DTTS miền núi biên giới

Về yếu tố dân tộc, truyền thống văn hóa, các tỉnh vùng Nam bộ là khu vực bao gồm nhiều dân tộc, cư dân theo nhiều tôn giáo, tín ngưỡng khác nhau sống đan xen. Đồng bào các DTTS (Khmer, Chăm, Hoa…) đều là các dân tộc giàu bản sắc, có tiếng nói, chữ viết phát triển, có phong tục, tập quán tốt đẹp, có nền văn hóa phong phú, đa dạng được giữ gìn và phát huy từ lâu đời. Đồng bào các DTTS sinh sống xen kẽ, gần gũi với dân tộc Kinh, nên bị tác động nhất định từ văn hóa của dân tộc đa số, bên cạnh mặt tích cực cũng dễ làm cho văn hóa các DTTS có phần lu mờ, phai nhạt là điều khó tránh khỏi.

Công tác thực hiện chính sách với phụ nữ đặc thù của Hội  khu vực Nam bộ

Trong những năm qua, trên địa bàn cả nước nói chung và địa bàn Nam bộ nói riêng, Hội LHPN Việt Nam đã chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tham mưu, đề xuất, xây dựng thành công các Chương trình, đề án hỗ trợ nhóm phụ nữ đặc thù như Đề án “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017 - 2027”; Đề án “Hỗ trợ thông tin, tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo”; Đề án hỗ trợ phụ nữ sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển kinh tế; dự án 8 “ Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết các vấn đề xã hội cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”; chỉ đạo Hội LHPN các tỉnh/thành giám sát thực hiện tốt chính sách, pháp luật về phụ nữ, lao động nữ, cán bộ nữ; chính sách đặc thù hỗ trợ phụ nữ đặc thù (như phụ nữ cao tuổi, nghèo, DTTS, di cư, phụ nữ khuyết tật, đơn thân…).

Tại địa phương, với đặc thù của khu vực có nhiều khu công nghiệp, số lượng phụ nữ di cư đông, Hội LHPN các cấp trong khu vực đã tổ chức nhiều mô hình phù hợp để thu hút tập hợp phụ nữ: CLB nữ công nhân nhà trọ (Bình Dương, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai), mô hình Tết với Hội viên xa nhà, CLB phụ nữ đi làm ăn xa, tổ phụ nữ dân tộc, tổ phụ nữ có đạo (Trà Vinh), tổ phụ nữ chia sẻ tình thương (Sóc Trăng), mô hình “Đồng hành cùng cơ sở Hội”… Ngoài ra, để phát triển vai trò của phụ nữ trong sinh hoạt cộng đồng, 100% cơ sở Hội tiếp tục duy trì và nhân rộng những loại hình hoạt động thể dục, thể thao để vận động phụ nữ nâng cao kiến thức, trau dồi đạo đức, rèn luyện sức khoẻ: CLB dân vũ thể thao (Cà Mau, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu…), CLB bóng chuyền hơi nữ (Trà Vinh, Đồng Tháp, Bình Phước), CLB cầu lông (Kiên Giang), CLB dưỡng sinh (TP Hồ Chí Minh, Cà Mau), CLB yoga (Vĩnh Long, Đồng Nai)... Hội LHPN các tỉnh/thành trong khu vực cũng đã tích cực phát hiện, bồi dưỡng, tạo nguồn giới thiệu cán bộ nữ cho Đảng; tích cực phối hợp với Ban Tổ chức Tỉnh ủy trực tiếp làm việc với cấp ủy các huyện/thị nhằm thúc đẩy các giải pháp tăng cường sự tham gia của cán bộ nữ ở các vị trí lãnh đạo, quản lý…

Hoạt động tập huấn của TW Hội LHPN về nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ Hội cơ sở tại địa bàn đặc biệt khó khăn khu vực Nam bộ

Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW, công tác phụ nữ tại các tỉnh phía Nam có khá nhiều thuận lợi, được cấp ủy các tỉnh/thành trong khu vực tổ chức thực hiện nghiêm túc, các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể vào cuộc đồng bộ, phát huy vai trò nòng cốt, tích cực, sáng tạo của các cấp Hội phụ nữ và đã tạo được những thay đổi tích cực. Vai trò, vị thế của người phụ nữ, công tác phụ nữ và bình đẳng giới được nâng lên rõ rệt. Hệ thống pháp luật, chính sách về bình đẳng giới tiếp tục được hoàn thiện; đội ngũ cán bộ nữ có sự chuyển biến tích cực về số lượng và chất lượng; điều kiện sống của phụ nữ ngày càng được cải thiện…

Là địa bàn còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phụ nữ và việc thụ hưởng, kết quả thực hiện chính sách đối với nhóm phụ nữ đặc thù tại khu vực Nam bộ vẫn còn những khó khăn. Dưới những tác động của hội nhập kinh tế cùng biến đổi khí hậu, vùng Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay, người dân và phụ nữ đang phải đối mặt với tỷ lệ nghèo còn cao, đặc biệt ở các tỉnh có nhiều đồng bào DTTS (các chỉ số thiếu hụt tập trung vào một số nội dung như: diện tích nhà ở, giáo dục người lớn, điều kiện sinh hoạt…).

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê năm 2021, tỉ lệ tham gia lực lượng lao động có sự chênh lệch lớn giữa nam và nữ (nhất là vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tỷ lệ phụ nữ tham gia lực lượng lao động chỉ đạt là 57,8% thấp nhất cả nước). Đây được xác định là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng phụ nữ làm các công việc giản đơn phi chính thức như: bán vé số, làm móng, vật lý trị liệu, làm việc trong các nhà hàng… với mức thu nhập thấp, công việc không ổn định, điều kiện sống khó khăn, ít được hưởng lợi từ các chế độ lương hưu, thai sản, thất nghiệp và bảo hiểm y tế.

Tình trạng phụ nữ di cư lao động trong vùng diễn biến phức tạp, do sự chênh lệch về mức sống và cơ hội việc làm dẫn đến luồng di cư lao động chủ yếu từ vùng Đồng bằng sông Cửu Long sang Đông Nam Bộ - nơi có tỷ lệ đô thị hóa cao, tập trung nhiều khu công nghiệp (TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai…). Theo kết quả nghiên cứu năm 2022 của Hội LHPN Việt Nam cho thấy đối với chính sách bảo hiểm y tế, theo khảo sát chỉ có 18,3% phụ nữ di cư được hỗ trợ về y tế, chăm sóc sức khỏe; 37,3% không được hưởng hỗ trợ nào. Tỷ lệ phụ nữ di cư có mức sống nghèo, phụ nữ làm việc trong khu vực phi chính thức không được hưởng hỗ trợ lại càng cao hơn.

Hội LHPN các cấp tại Bình Phước chăm lo đời sống cho phụ nữ DTTS có hoàn cảnh khó khăn

Đối với nhóm người cao tuổi, việc cung cấp các tiện ích và tổ chức các hoạt động để người cao tuổi có cơ hội tiếp cận, thụ hưởng đã và đang diễn ra có lúc, có nơi chưa phù hợp. Người cao tuổi nữ chưa thật sự nắm bắt, tiếp cận và thụ hưởng các chính sách nói chung và các chính sách, dịch vụ liên quan đến các lĩnh vực đời sống dành cho người cao tuổi nói riêng…

Số lượng lao động nữ trong cơ quan hành chính, cơ quan của Đảng, tổ chức chính trị - xã hội chưa cao, tỉ lệ nữ tham gia cấp ủy và lãnh đạo còn thấp; tỉ lệ phụ nữ DTTS là lãnh đạo chủ chốt chưa tương xứng với lực lượng cán bộ công chức nữ. T lệ tập hợp, thu hút hội viên thấpcác giải pháp thiếu kịp thời, hiệu quả, chưa phát huy được thế mạnh của lực lượng phụ nữ thuộc nhóm “dẫn dắt” như: nữ quản lý, lãnh đạo, nữ doanh nhân, nữ trí thức; thiếu mô hình hiệu quả để mở rộng tính liên hiệp, tập hợp rộng rãi các đối tượng phụ nữ.

 

Trước bối cảnh xã hội hiện nay cùng những vấn đề khó khăn, thách thức trên, ngày 23/8, tại Sóc Trăng, TW Hội LHPN Việt Nam sẽ phối hợp tổ chức Hội thảo về “Phát huy vai trò đội ngũ cán bộ nữ và việc thực hiện chính sách đối với các nhóm phụ nữ đặc thù” khu vực miền NamĐây là dịp để các chuyên gia, đại biểu, các cấp Hội phụ nữ cùng trao đổi, bàn luận, kiến nghị những giải pháp để thực hiện tốt công tác phụ nữ, đặc biệt là với nhóm phụ nữ DTTS trong thời gian tới. Hội thảo gồm 2 phiên: phiên 1 với nội dung “Tình hình thực hiện công tác phụ nữ và việc thực hiện chính sách đối với các nhóm phụ nữ đặc thù”; phiên 2 với nội dung “Công tác cán bộ nữ và phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ nữ”.

Tin cùng chuyên mục