TW Hội LHPN Việt Nam triển khai rà soát tiến độ thực hiện Dự án 8 và định hướng hoạt động năm 2024

Trong khuôn khổ triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, sáng ngày 7/7, tại Hà Nội, TW Hội LHPN Việt Nam tổ chức hoạt động rà soát việc triển khai các nhiệm vụ được giao năm 2023 của các Ban, đơn vị thuộc cơ quan TW Hội LHPN Việt Nam và thảo luận, định hướng các hoạt động trọng tâm năm 2024.
 Ủy viên dự khuyết BCH TW Đảng, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Tôn Ngọc Hạnh chủ trì cuộc họp với sự tham dự của lãnh đạo, cán bộ đại diện cho 14 Ban, đơn vị cơ quan TW Hội

Tại cuộc họp, thông qua hoạt động rà soát cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2023, các Ban, đơn vị cơ quan TW Hội đã bám sát mục tiêu, nhiệm vụ, hoạt động trọng tâm và đã đạt được kết quả nhất định. Trong đó, Ban Dân tộc - Tôn giáo với vai trò Ban đầu mối về tham mưu đã tổ chức thành công các hội nghị, hội thảo phục vụ công tác điều hành, chỉ đạo thực hiện Dự án (họp Ban điều hành Dự án 8 TW; Hội thảo tham vấn chuyên gia cấp TW về Chiến lược truyền thông; Hội nghị rà soát tiến độ và hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc cho các địa phương trong triển khai Dự án 8 trực tuyến đến cấp huyện tại 50 tỉnh/thành địa bàn Dự án 8...). Tập trung nâng cao năng lực cho 400 đại biểu là Bí thư chi bộ, trưởng thôn/bản, chi hội trưởng phụ nữ, người có uy tín, già làng, trưởng bản... của 8 tỉnh điểm; tổ chức hướng dẫn triển khai các mô hình, hoạt động của Dự án cho cán bộ TW Hội và một số Bộ, ngành liên quan...; triển khai đánh giá thực trạng các mô hình sinh kế góp phần đảm bảo tiếng nói, sự tham gia thực chất của phụ nữ vào quá trình phát triển KTXH tại khu vực DTTS, biên giới với 6 hội thảo cấp tỉnh và cấp xã của các tỉnh đại diện vùng miền là Nghệ An, Lạng Sơn và Đăk Nông.

Hoạt động đánh giá thực trạng các mô hình sinh kế tại tỉnh Lạng Sơn (tháng 5/2023)

Về hoạt động tập huấn và truyền thông, Ban Tuyên giáo đã tổ chức 2 lớp triển khai Kế hoạch truyền thông Dự án 8 năm 2023 tới 63 tỉnh/thành; hỗ trợ kỹ thuật nâng cao năng lực vận hành Tổ truyền thông cộng đồng cho 200 cán bộ các cấp (tại Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái, Quảng Bình); 2 lớp nâng cao năng lực cho thành viên Tổ truyền thông cộng đồng và 6 cuộc truyền thông tại 6 thôn/bản thuộc 2 xã điểm Trường Sơn, tỉnh Quảng Bình và xã Mường Mươn, tỉnh Điện Biên; Diễn đàn phát huy vai trò nữ thanh niên trong tham gia giải quyết các vấn đề xã hội vùng DTTS và miền núi tại Thừa Thiên Huế; Hội thảo xóa bỏ tập tục văn hóa có hại cho sức khỏe, xây dựng nếp sống văn hóa mới tại Bắc Giang... Ban Công tác phía Nam tổ chức chuỗi hoạt động truyền thông Giới thiệu Dự án 8 và Phiên toà giả định phòng chống bạo lực học đường; ra mắt CLB thủ lĩnh của sự thay đổi, Tổ truyền thông cộng đồng; giới thiệu cách làm hay, điển hình phụ nữ DTTS tại các tỉnh phía Nam... Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức sưu tầm, thu thập thông tin tư liệu về nhân vật điển hình/tiên phong thay đổi và những văn hóa tập tục của người DTTS tại Cao Bằng, Quảng Bình, Gia Lai; tổ chức sự kiện truyền thông qua triển lãm về vấn đề hôn nhân cận huyết, tục nối dây và vấn đề vai trò kép của người phụ nữ trong chế độ hôn nhân Mẫu hệ; triển lãm online Khát vọng phát triển và đăng tải trên nền tảng mạng Internet...; Ban Luật pháp - Chính sách hoàn thành Hội nghị tư vấn pháp luật lồng ghép với Phiên tòa giả định tại Bình Phước, Thanh Hóa và Quảng Bình; tổ chức 2 lớp tập huấn hướng dẫn tổ chức đối thoại chính sách ở cấp cơ sở cho cán bộ Hội các tỉnh thành khu vực phía Nam, tổ chức đối thoại mẫu tại 4 xã điểm của Dự án 8.

Hoạt động thí điểm và nhân rộng mô hình địa chỉ an toàn hỗ trợ, bảo vệ phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình của Ban Gia đình - Xã hội đã triển khai góp phần nâng cao kiến thức, kỹ năng quản lý cảm xúc, giải quyết mâu thuẫn, phòng ngừa bạo lực gia đình; Trung tâm Phụ nữ và Phát triển đã tập trung xây dựng dự thảo tài liệu Hướng dẫn quy trình triển khai thực hiện mô hình hỗ trợ phát triển sinh kế cho nạn nhân mua bán người và tổ chức thử nghiệm, lấy ý kiến góp ý dự thảo tài liệu tại Hà Nôi, Huế; xây dựng kế hoạch, quy trình triển khai xây dựng các mô hình hỗ trợ phát triển sinh kế hoà nhập cộng đồng cho nạn nhân bị mua bán…

Đại diện các ban, đơn vị chia sẻ về những khó khăn, vướng mắc trong triển khai Dự án 8

Về nghiên cứu, xây dựng tài liệu, Học viện Phụ nữ Việt Nam đẩy mạnh hoạt động đánh giá giữa kỳ thực hiện Dự án 8 và thực hiện bình đẳng giới trong Chương trình MTQG DTTS; tổ chức Hội thảo khoa học Quốc gia phòng chống mua bán người vùng biên giới; xây dựng tài liệu về Kỹ năng lãnh đạo quản lý dành cho cán bộ nữ DTTS cấp huyện, xã. Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam đã tổ chức mô hình truyền thông giới thiệu sách tại Trường THCS Dân tộc nội trú Huyện A Lưới; xây dựng Câu chuyện truyền thông thay đổi định kiến giới và khuôn mẫu giới.

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong triển khai Dự án 8 ở cấp TW, đại diện các Ban, đơn vị cũng chia sẻ những khó khăn, vướng mắc. Cụ thể như, việc đề xuất kế hoạch hoạt động Dự án 8 cấp TW vẫn còn chồng chéo, trùng lặp nội dung nhiệm vụ giữa một số Ban, đơn vị; một số nội dung hoạt động chưa phù hợp yêu cầu; tiến độ triển khai các hoạt động phối hợp với các Bộ, ngành liên quan còn chậm; một số Ban, đơn vị còn lúng túng trong thực hiện quy trình, thủ tục liên quan đến đấu thầu.

Ủy viên dự khuyết BCH TW Đảng, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Tôn Ngọc Hạnh (bìa phải) có những định hướng quan trọng trong triển khai Dự án 8

Phát biểu chỉ đạo tại chương trình, Ủy viên dự khuyết BCH TW Đảng, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Tôn Ngọc Hạnh cho biết, trong năm 2024, TW Hội LHPN Việt Nam sẽ dự kiến ưu tiên triển khai xây dựng các nội dung hoạt động của Dự án đó là: (1) Nghiên cứu, cập nhật, xác định các vấn đề cấp thiết mới, phát sinh đối với phụ nữ và trẻ em DTTS để bổ sung và thiết kế các đầu hoạt động phù hợp; (2) Trong xây dựng nội dung hoạt động, cần bám sát định hướng nhiệm vụ trọng tâm của Hội năm 2024 với chủ đề “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức sinh hoạt Hội” tại vùng DTTS, miền núi (trong đó chú trọng tư liệu hóa, số hóa các sản  truyền thông...); (3) Chú trọng, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp trong triển khai Dự án giữa các Ban, đơn vị cơ quan TW Hội và với các bộ, ngành; (4) Nội dung hoạt động đảm bảo cụ thể, rõ nội dung, đối tượng, địa bàn, quy mô...; (5) Trong hoạt động truyền thông cần thống nhất, đồng bộ và có sự lan tỏa.

Hội LHPN Việt Nam

Tin cùng chuyên mục